Nhật Bản: Kiếm triệu đô mỗi năm từ nghề tâm sự với phụ nữ
Công cuộc giải phóng phụ nữ ở Nhật đã mang đến cho nước Nhật rất nhiều dịch vụ mới chưa từng có trong lịch sử.
11h đêm, các quán bar, nhà hát mini ở Kabukicho, khu đèn đỏ nổi tiếng của Nhật, đông chật những người phụ nữ đang trình diễn trên sân khấu, độ tuổi của họ rất khác nhau, có người mới ngoài 20, có người đã ngót 40-50 tuổi.
Các điệu nhảy cũng không đồng nhất, người biểu diễn cũng béo, gầy, cao, thấp không đồng đều. Dưới ánh đèn nhấp nhoáng các màu, bên dưới sân khấu là cả trăm người đàn ông đang hò hét cổ vũ cho những người phụ nữ.
Nếu ai không hiểu sẽ lầm tưởng rằng trên sân khấu là những diễn viên, còn phía dưới là khán giả trả tiền để vào xem họ trình diễn. Thế nhưng thực tế rất bất ngờ. Trên sân khấu là những người phụ nữ công sở bỏ tiền ra để lên sân khấu trình diễn tất cả những gì họ thích. Còn phía dưới là những người đàn ông được trả tiền để ngồi xem, tán dương và sau đó uống rượu cùng với những “diễn viên nghiệp dư” bên trên.
Tại một số địa điểm khác, không khí bớt ồn ào hơn với những cặp đôi hoặc nhóm nam nữ ngồi uống rượu nói chuyện nhẹ nhàng, thỉnh thoảng pha chút tiếng cười hóm hỉnh. Mỗi cuộc nói chuyện thường chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng hoặc hơn 1 tiếng. Cũng có một số cuộc nói chuyện đến vài tiếng đồng hồ, những trường hợp chịu chi như thế không nhiều.
Dịch vụ múa hát trên sân khấu hay nói chuyện như trên nằm trong nhóm dịch vụ phục vụ cho các quý cô, quý bà ở khu đèn đỏ Kabukicho của Nhật. Dù số tiền phải trả của mỗi người không hề rẻ nhưng gần như đêm nào, các điểm dịch vụ cũng tấp nập người.
Để được hóa thân thành diễn viên múa trên sân khấu, được đàn ông tán dương bằng những lời có cánh như “em đẹp lắm”, “em nhảy thật tuyệt vời” “em đang ngày một đẹp hơn”, mỗi người phụ nữ phải trả 5.000 yên cho một giờ (chưa tính tiền rượu sau đó phụ nữ phải trả hoàn toàn).
Còn với dịch vụ nói chuyện tâm tình, mỗi người phụ nữ để có được một người nam ngồi nghe chuyện tâm sự của mình, để nói chuyện phiếm với chỉ riêng cô sẽ phải trả 10.000 yên/giờ. Nếu đi với một vài người phụ nữ khác, chi phí sẽ cao hơn.
Ngoài những dịch vụ trên, còn có cả những dịch vụ ngủ chung (không quan hệ tình dục). Đó chỉ đơn giản là sau khi trả số tiền khoảng 5.000 yên/giờ, người phụ nữ ấy sẽ có một người nam dỗ ngủ, gối đầu lên cánh tay và thiếp ngủ trong những câu chuyện kể.
Đề cập ở trên là những dịch vụ khá độc đáo mới có những năm gần đây, còn lại những đêm biểu diễn múa cột của các diễn viên nam, phía dưới là hàng loạt quý bà hò hét phấn khích và ném tiền lên sân khấu hoặc nhét tiền vào tay của diễn viên là chuyện đã diễn ra quá phổ biến suốt từ thập niên 1990. Những vũ công nam hoặc những nam phục vụ trong nghề này kiếm được thu nhập không hề thấp.
Theo chia sẻ của Chris Dababneh, một nhân viên làm nghề trò chuyện với khách tại Kabukicho đã 5 năm nay, thu nhập và tiền boa của anh mỗi năm có thể lên đến 800 nghìn USD. Tuy nhiên anh cho biết, mức thu nhập như anh không thấm là bao so với nhiều đồng nghiệp nam khác mỗi năm có thể kiếm đến cả triệu USD.
Một số nhà báo có thâm niên theo dõi ngành công nghiệp đèn đỏ của Nhật, ở khu phố đèn đỏ nổi tiếng nhất châu Á này, phần đông người phụ nữ tìm đến đây không có nhu cầu quan hệ tình dục mà chỉ đơn giản họ cảm thấy cuộc sống quá cô đơn, những mối quan hệ thường dẫn đến nhiều rắc rối mà họ vẫn không cảm thấy có ai chia sẻ được. Khi đến đây, chỉ cần trả tiền là có người sẵn sàng ngồi nghe chuyện của mình và quan trọng là trong mắt những người đàn ông đó, nữ khách hàng luôn là người xinh đẹp nhất, đáng yêu và đáng trân trọng.
Cuộc cải cách nữ quyền ở Nhật
Những câu chuyện về nữ quyền như trên chắc chắn là điều không tưởng ở nước Nhật thời kỳ những năm 1980. Suốt chiều dài lịch sử Nhật, phụ nữ Nhật luôn được sắp xếp vị trí ở trong gia đình lo mọi công việc nội trợ, là người luôn chờ chồng về với nụ cười thật tươi: “Dạ anh đã về ạ, anh có mệt không? Anh muốn ăn tối khi nào”. Trong suốt nhiều thế kỷ, phụ nữ Nhật không được học chữ Hán mà chỉ được học tiếng Nhật phổ thông, bởi học chữ Hán là đặc ân chỉ dành cho đàn ông và những người giàu có quyền lực trong xã hội.
Nghiên cứu của tác giả Robbi Louise Miller về cuộc cách mạng ngầm của phụ nữ Nhật cho thấy, dù ở Nhật không diễn ra những phong trào giải phóng phụ nữ sôi nổi như các nước phương Tây, nhưng phụ nữ Nhật cũng dần tự giải phóng được mình ra khỏi vai trò ràng buộc họ suốt nhiều thế kỷ. Cuộc giải phóng bắt đầu từ năm 1985 với sự ra đời của đạo luật Cơ hội việc làm bình đẳng (EEOL).
Trước năm 1985, cơ chế tuyển dụng và trả lương của các công ty Nhật gây rất nhiều bất lợi cho phụ nữ. Cơ chế của các doanh nghiệp Nhật có 2 đặc điểm nổi bật nhất: tuyển dụng trọn đời và lương thưởng trả theo thâm niên. 2 yếu tố này gây vô cùng nhiều bất lợi cho phụ nữ khi họ muốn đi làm. Phụ nữ được tuyển dụng ở độ tuổi ngoài 20, và sau khi đi làm được vài năm nếu người đó lập gia đình, thường sẽ bị ép nghỉ việc ngay từ khi trước khi cưới.
Sau vài năm nuôi dạy con nhỏ, họ trở lại thị trường lao động ở độ tuổi khoảng 29-30. Dù có bao nhiêu bằng cấp và thành tích trong công việc trước đó cũng sẽ phải bắt đầu lại với vị trí của nhân viên tập sự và mức lương khởi điểm. Đó là còn chưa kể đến việc họ cực kỳ khó xin việc, vì doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng với phụ nữ đã có gia đình và con nhỏ.
Chính bởi thực tế tuyển dụng như trên mà khi nói đến lực lượng lao động nữ tại Nhật, người ta thường so sánh với hình chữ M, có nghĩa là sự nghiệp của họ sẽ có 2 đỉnh cao: độ tuổi khoảng 20 – 24 trong vai trò nhân viên làm việc toàn thời gian và từ 35 đến 40 trong vai trò nhân viên bán thời gian.
Cuộc sống việc làm khó khăn của phụ nữ Nhật thay đổi chóng mặt sau khi đạo luật việc làm công bằng được đưa ra năm 1985. Cơ hội việc làm đến với phụ nữ nhiều chưa từng có trong lịch sử. Thêm nhiều người phụ nữ được đi làm và được hưởng cơ hội thăng tiến gần tương đương với nam giới.
Phụ nữ được tự chủ hơn về tài chính, nhiều người đam mê sự nghiệp và sự độc lập - điều mà đến thế hệ của họ mới có được - đến nỗi họ thà chấp nhận sống độc thân nhưng được tự do quyết định cuộc sống của mình, hơn là ràng buộc vào những mối quan hệ hôn nhân gia đình. Một lý do khác cho việc phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn còn là bởi vì ở thời kỳ đó Nhật quá thiếu lao động trong bối cảnh kinh tế Nhật thời kỳ đó tăng trưởng “bong bóng”.
Bước vào thập niên 1990 dù kinh tế Nhật khó khăn, cơ hội việc làm cho phụ nữ ít đi nhưng không có nghĩa là họ ngừng tham vọng kiếm việc. Họ cố gắng chạy đua với nam giới vào những ngành mà trước đó vốn là độc quyền của phái mạnh. Thống kê tại đại học Keio, một trong những trường đại học nổi tiếng nhất ở Nhật cho thấy, từ năm 1990 đến năm 1999, số lượng nữ sinh viên đăng ký vào nhóm ngành kinh tế tăng gần 100% trong khi số lượng nữ sinh theo học ngành xã hội giảm 40%.
Những thay đổi về mặt xã hội và kinh tế như trên đã giúp phụ nữ Nhật tự cởi trói cho mình. Từ chỗ phải phụ thuộc vào đàn ông, nay họ đã có tiền, có địa vị để được đối xử hoàn toàn bình đẳng. Ngoài ra, khi sự nghiệp càng lên cao, họ càng sợ hãi sẽ phải bỏ việc nếu họ lấy chồng sinh con, như thế họ sẽ trở lại vị trí phụ thuộc.
Tỷ lệ sinh tại Nhật liên tiếp lập kỷ lục suy giảm qua các năm, bởi phụ nữ sợ mất đi quyền tự chủ, sự tự do mà họ mới có được chưa lâu. Các dịch vụ tâm tình, nói chuyện ở các khu phố đèn đỏ của Nhật có nền tảng để phát triển ngày một nở rộ là vì thế.