Nhà Thanh có vị phi tử ngay cả Từ Hi cũng phải hành lễ vấn an, được Hoàng đế sủng hạnh tận trời nhưng chịu kết cục thê lương chốn cung cấm lạnh tanh
Trắc Phúc tấn của Hàm Phong đế được xem là vị phi tử chính thức đầu tiên sau khi ông lên ngôi.
Trong thời phong kiến Trung Quốc, Hoàng đế nắm quyền thiên hạ, hầu hết các thiếu nữ đều hy vọng mình có thể kết hôn với Chân mệnh thiên tử và tiến vào Tử Cấm Thành trở thành một phần trong hậu cung giai lệ.
Thế nhưng quá trình này khó như lên trời, cho dù may mắn tiến vào hậu cung, cũng không chắc chắn nhận được sự sủng ái của Hoàng đế, thậm chí còn phải bỏ mạng bởi những mưu kế đen tối trong chốn cung cấm hung hiểm.
Thời nhà Thanh có một vị phi tần xuất thân vô cùng bình thường, nhưng bà chính là người phụ nữ được Hàm Phong đế sủng hạnh hết mực, ngay cả Từ Hi Thái hậu gặp bà cũng phải hành lễ vấn an. Chỉ đáng tiếc là, cuối cùng bà lại phải chịu cảnh sống cô đơn một mình, qua đời trong côi cút. Bà chính là Vân tần của Hàm Phong đế, Vũ Giai thị.
Khi Vũ Giai thị được gả cho Hàm Phong đế, ông còn chưa kế thừa ngôi vị, mà lúc đó vẫn là Hoàng tứ tử.
Đạo Quang đế vô cùng yêu thích Hoàng tứ tử, còn xem ông là người thừa kế để ra sức bồi dưỡng. Ở thời phong kiến của Trung Quốc xưa, trước khi hoàng tử cử hành đại hôn, Hoàng đế đều phái một vài cung nữ trợ giúp hoàng tử sớm hiểu rõ cuộc sống sau hôn nhân. Cũng vào lúc này, Vũ Giai thị đã được sắp xếp đến bên cạnh Hoàng tứ tử.
Vũ Giai thị xuất thân Chính Hoàng kỳ Bao y, là con gái của Tá lĩnh Vũ Đức. Tằng tổ phụ của bà là Đô Cẩn, làm nghề thợ mộc. Có thể nói Vũ Giai thị xuất thân cực kỳ bình thường, nếu không muốn nói là có phần hơi thấp kém do có gốc gác Bao y.
Cũng vì xuất thân từ Bao y, bà không thể tham gia Bát kỳ tuyển tú, nhưng rất có thể bà đã trải qua Nội vụ phủ Bao y tuyển tú, trở thành Quan nữ tử được Hoàng tứ tử Dịch Trữ (tức Hàm Phong đế sau này) sủng hạnh. Nhiều tư liệu ghi rằng Đạo Quang Đế đã trực tiếp chỉ định bà vào hầu hạ Hoàng tứ tử.
Sau khi Vũ Giai thị tiến vào vương phủ, thân phận của bà cũng không được cải thiện ngay lập tức. Lúc ấy ngoại trừ hầu hạ hoàng tử ra, bà còn phải làm việc khác trong phủ. May mắn thay, Vũ Giai thị sở hữu dung nhan xinh đẹp, mặc dù không có gia thế hiển hách, nhưng cuối cùng cũng trở thành Trắc Phúc tấn của Hoàng tứ tử vào năm Đạo Quang thứ 29 (1849).
Cha bà được hưởng nhiều đãi ngộ, được đảm đương chức Lãnh thôi Quản lĩnh. Có thể nói Đạo Quang Đế hậu đãi gia đình bà và đãi ngộ bà theo phân vị Trắc Phúc tấn thực sự, dù lúc ấy bà chỉ là một Cách cách bình thường.
Trước đó, năm Đạo Quang thứ 28 (1848), Hoàng tứ tử đã có một Đích Phúc tấn là Tát Khắc Đặc thị, cũng là do Đạo Quang đế sắp xếp hôn sự. Nhưng không may trước khi Hoàng tứ tử lên ngôi, bà đã qua đời ở tuổi 19. Thế nên mặc dù đến sau, nhưng Trắc Phúc tấn Vũ Giai thị vẫn được xem như là vị phi tử chính thức đầu tiên của Hàm Phong đế.
Ngày 25/2 năm Đạo Quang thứ 30 (1850), Đạo Quang đế băng hà. Ngày 9/3, Hoàng thái tử Dịch Trữ lên ngôi, gọi Hàm Phong đế. Hoàng đế tiếc thương cho thê tử năm xưa, nên đã truy phong Đích phi Tát Khắc Đặc thị làm Hoàng hậu, Cách cách Vũ Giai thị được sơ phong Vân Quý nhân.
Ngày 15/3 năm Hàm Phong thứ 2 (1852), có ghi chép “Đạo Quang đế Đồng tần thưởng cấp cho Vân Quý nhân”, có thể thấy Vũ Giai thị rất được lòng các phi tần tiền triều. Trong khoảng thời gian này, Vũ Giai thị sinh hoạt ở Chung Túy cung, nhưng sau khi Trinh tần Nữu Hỗ Lộc thị (tức Từ An Thái hậu sau này) nhập cung ở tại đây, thông thường có thể ở cùng, nhưng Hàm Phong Đế đã đặc cách chuyển bà đến Thừa Càn cung để thoải mái sống một mình.
Ngày 18/4 năm Hàm Phong thứ 2 (1852), Kính Sự phòng đã truyền chỉ dụ: “Vân Quý nhân phong vị Tần”. Ngày 19/4, chính thức chiếu phong Quý nhân Vũ Giai thị là Vân tần.
Sau đó trong hoàng cung lại cử hành một lần tuyển tú, có rất nhiều thiếu nữ trong lần tuyển tú này nhập cung, trong đó có Từ Hi. Lúc ấy Vân tần có địa vị cao hơn Từ Hi, cho nên Từ Hi gặp bà vẫn phải hành lễ vấn an.
Vì hậu cung luôn không ngừng đổi mới, người vào kẻ ra, Vân tần dần mất đi tình yêu của Hàm Phong đế dành cho bà.
Vân tần thật sự đã thất bại trong vòng tranh đấu chốn hậu cung, rất nhanh sau đó không còn quyền lực. Không lâu sau, Vũ Giai thị hoàn toàn bị thất sủng, người trong hậu cung cũng đối xử với bà bằng thái độ khác. Không được Hoàng đế ngó ngàng, phi tần khác thì xa lánh, khiến cho Vũ Giai thị một mình sống trong cung điện mà như lãnh cung lạnh lẽo.
Cuối cùng, Vũ Giai thị qua đời năm Hàm Phong thứ 5 (1855), Hàm Phong đế cũng không nhớ đến bà, ngay cả tang lễ cũng không màng để tâm, kim quan tạm an táng tại Tĩnh An Trang. Mãi cho đến khi Đồng Trị đế đăng cơ, kim quan của Vân tần mới được nhập táng tại Phi viên tẩm của Định lăng.
Nguồn: Sohu