Nhà giàu bỏ cả chục triệu đồng, trữ "rồng đất" đông lạnh ăn Tết
Không biết rươi ăn gì, sinh nở ra sao. Không biết con nào đực, con nào cái và cũng không ai có thể nuôi được mà chỉ tạo môi trường sống tốt để rươi tự sinh trưởng rồi bắt. Khi những ruộng rươi vào mùa, ngoài thương lái tranh nhau mua, nhiều gia đình còn bỏ cả chục triệu đồng trữ rươi ăn dần.
Con vật khiến nhiều người sợ hãi nhưng quý như "vàng"
Những năm gần đây, rươi được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng xuất hiện ở nhiều tỉnh cạnh cửa biển như: Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình. Song, rươi có chất lượng cao, sản lượng nhiều nhất và được rất nhiều người săn đón nhất vẫn là rươi của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương).
Thoạt nhìn con rươi nhiều chị em thấy sợ hãi nhưng khi chế biến ra nhiều món ăn ai cũng tấm tắc khen ngon.
Rươi là loài động vật không xương sống, sống phù du tại những nơi có nguồn nước lợ. Điều đặc biệt nhất đây là loài luôn sống trong vùng nước sạch hoàn toàn, không ô nhiễm và sinh sôi nảy nở ra sao, ăn gì thì ngay chính những người có kinh nghiệm lâu năm tại Tứ Kỳ cũng không hề biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khi (56 tuổi trú tại thôn An Định – xã An Thanh – Tứ Kỳ - Hải Dương) cho biết: "Những năm trước kia người dân trong thôn đều trồng lúa nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Từ 5-6 năm trở lại đây nhận thấy con rươi hợp đất, hợp nước nơi này lại sinh sôi nảy nở nhiều nên người dân đã cải tạo ruộng lúa thành đầm để tạo môi trường cho rươi sinh trưởng. Nhà nào ít thì có vài sào, nhà nào nhiều thì vài mẫu đến cả chục mẫu, tất cả trong thôn An Định có khoảng 70-80 hộ dân làm rươi".
Các thương lái tìm về An Định thu mua rươi.
Cũng theo những người nông dân nơi đây cho biết, ruộng được cải tạo ao đầm thường cấy lúa nhưng giống lúa cho nhiều rơm rạ, ủ lấy chất dinh dưỡng rồi rải xuống đầm nhằm tơi đất dịp đầu năm. Sau đó, toàn bộ ruộng được cày xới lên và tháo cống nước thủy triều lên/xuống theo tự nhiên. Cứ thế hàng triệu ấu trùng sẽ tự trôi vào rồi "làm tổ", sinh sống trong những đầm rươi.
Các thương lái từ khắp nơi kéo đến thu mua rươi Tứ Kỳ.
Từ tháng 6-7 rươi bắt đầu cho thu hoạch nhưng sản lượng rất ít. Khi tiết trời lập đông, từ tháng 9 đến tháng 11 (âm lịch) rươi cho thu hoạch chính vụ. Tính bình quân, mỗi sào mặt nước cho thu hoạch từ 19-20kg rươi, như vậy, gia đình nào có khoảng 1 mẫu ruộng có thể thu hoạch về 2 tạ rươi, giá trị ngót tỷ đồng. Thậm chí ở An Định có gia đình sở hữu cả chục mẫu mặt nước, mỗi vụ rươi thu về hàng chục tỷ đồng.
Mỗi con rươi có giá trị lên đến 2.000 đồng nên khi cân người dân tính từng con.
Rươi An Định được người dân khắp nơi ưa chuộng bởi trọng lượng mỗi con lớn, màu hồng, nhiều bột, chính vì vậy những ruộng rươi luôn được các thương lái săn đón, thậm chí ôm vài tỷ đồng đặt cọc trước mùa thu hoạch cả tháng trời.
Mỗi lạng rươi Tứ Kỳ có khoảng từ 27-30 con, tính ra mỗi con rươi có giá đến 2.000 đồng nên khi cân đong cho thương lái người dân bớt ra/bỏ vào từng con. Đó là chuyện khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh mua bán tại các đầm.
Ôm cả tỷ đồng xuống ruộng "xí chỗ", dân trữ rươi ăn Tết
Có mặt tại những đầm rươi tại An Định những ngày này mới thấy cảnh mua bán tấp nập đến nhường nào. Hàng chục thương lái từ khắp các tỉnh thành lân cận đồng loạt đổ về Tứ Kỳ để mua rươi, ô tô, xe máy, xe kéo ùn ùn kéo về các đầm đợi tháo nước.
Thương lái đánh cả ô tô tải chở rươi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Thành – một tiểu thương có nhiều năm mua rươi tại đây cho biết: "Rươi Tứ Kỳ có chất lượng dinh dưỡng cao, con to, đẹp lại nhiều bột nên khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất được giá và ưa chuộng. Hầu hết, rươi thu hoạch đến đâu chúng tôi thu mua và trả tiền tại ruộng luôn".
Rươi vớt từ đầm lên được treo trong các túi lưới để ráo nước trước khi cân trọng lượng.
Trước khi thu hoạch vài tháng, thương lái phải ôm cả tỷ đồng "xí chỗ" các chủ đầm mới có rươi để nhập vào.
Nhiều chủ đầm như gia đình chị Ly, anh Lìu khi xuất rươi đã xuất hiện các thương lái sẵn sàng gom mua bằng hết. Thậm chí những gia đình trong vùng muốn mua vài kg về ăn cũng… khó mặc dù giá bán lẻ cao hơn vài giá so với đổ buôn.
Nhiều gia đình mua rươi trữ ăn Tết.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hà –một thương lái cho biết, rươi sau khi thu mua của nông dân phải cho vào khay xốp chuyên dụng, đổ nước đá lạnh để rươi sống được lâu. Chị Hà cũng bật mí, sau khi thu mua về sẽ tiến hành đổ buôn lại cho các thương lái bán lẻ hoặc nhập sang thị trường Trung Quốc với giá cao hơn. Khi rươi Tứ Kỳ đến tay người tiêu dùng có thể đẩy lên từ 600-700 ngàn đồng/kg.
Rươi có giá trị dinh dưỡng cao, lại sạch, chế biến được nhiều món ăn khác nhau.
Trong thời điểm này, những gia đình có diện tích mặt nước ít cũng tiến hành bán lẻ cho người dân có nhu cầu sử dụng, mỗi kg rươi bán lẻ tại đầm có giá từ 460-500 ngàn đồng/kg. Nhiều người từ Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận cũng đã lặn lội về Tứ Kỳ, bỏ ra cả chục triệu để mua bằng được những kg rươi tươi ngon để dùng dần. Theo những người sành ăn thì rươi có thể cấp đông trong ngăn đá trong vài tháng và chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau. Những gia đình có điều kiện thì để dịp Tết cổ truyền làm các món ăn thiết đãi bạn bè, gia đình.
Theo phân tích của các nhà khoa học, cứ 100g rươi có chứa 81,9g nước, 12,4g protit, 4,4g lipit, 1,3g tro, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Ngoài ra, trong rươi còn có chứa nhiều loại chất khoáng khác như canxi (66mg%), photpho (57mg%), sắt (1,8mg%). Chính vì vậy, những món ăn được chế biến từ rươu đều rất giàu chất dinh dưỡng.