Nguy cơ mất mạng vì món ăn khoái khẩu dễ nhiễm liên cầu khuẩn: Cảnh báo ra rả nhiều người Việt vẫn bỏ ngoài tai
Tiết canh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây liên cầu khuẩn, cụ thể là liên cầu lợn nhưng vẫn rất nhiều người không bỏ qua món ăn khoái khẩu này.
Nhiễm liên cầu lợn từ món tiết canh, nhiều người nhập viện trong tình trạng suy đa tạng
Mới đây, một bệnh nhân 62 tuổi ở Hạ Long nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh ngày 18/12, tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết nặng, cẳng chân phải sưng, đau nhiều. Bệnh nhân sốt cao, rét run, đau bắp đùi, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong khoảng một tuần sau khi ăn tiết canh lợn.
Mới đây, một bệnh nhân 62 tuổi ở Hạ Long nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do bệnh liên cầu lợn. Bệnh nhân được lọc máu, dùng thuốc kháng sinh. Chiều hôm sau, tình trạng bệnh nhân nguy kịch với triệu chứng sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp, suy đa tạng, cẳng chân sưng phồng, tím tái, diễn biến hoại tử.
Bệnh nhân nguy cơ cao tử vong cao, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định cho thở máy qua ống nội khí quản, đặt máy tim phổi nhân tạo ECMO hỗ trợ quá trình hô hấp và tuần hoàn của cơ thể.
Năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị lớn. Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất ba tuần. Người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến hai tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Nhiều bệnh nhân không thể qua khỏi hoặc để lại những biến chứng nặng nề.
Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất ba tuần.
Có thể nói, tiết canh là món ăn khoái khẩu được rất nhiều người ưa chuộng. Nhất là vào thời điểm sắp đón năm mới như hiện nay, nhiều người lại có thói quen giết mổ lợn, làm tiết canh để gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo cần hết sức cảnh giác, tốt nhất không nên ăn tiết canh để phòng tránh nguy cơ nhiễm liên cầu lợn vô cùng đáng sợ, có thể lấy đi mạng sống của bạn trong tích tắc.
Không chỉ tiết canh, khi ăn thịt lợn cũng phải đảm bảo ăn chín uống sôi để tránh mắc bệnh liên cầu lợn
PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, bệnh liên cầu cầu lợn rải rác quanh năm nhưng tăng mạnh vào những tháng cuối năm và đầu năm Tết Nguyên đán do nhiều nơi mổ lợn ăn Tết và giữ tập tục ăn tiết canh cho may mắn. Kết quả điều tra dịch dễ cho thấy, 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại do ăn nem chạo sống, thịt lợn tái, do tiếp xúc, giết mổ lợn.
Bệnh liên cầu cầu lợn rải rác quanh năm nhưng tăng mạnh vào những tháng cuối năm và đầu năm Tết Nguyên đán do nhiều nơi mổ lợn ăn Tết và giữ tập tục ăn tiết canh cho may mắn.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay, thậm chí có bệnh nhân bị nặng đều không qua khỏi. Hầu hết tất cả bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn tiết canh lợn.
Theo BS Cấp, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh diễn biến rất nhanh, dễ bị nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Thể viêm màng não thường kèm theo giảm thính lực, có thể gây điếc không hồi phục.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh.
Ở thể sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân thường có phát ban xuất huyết thành từng đám lan tỏa kèm theo rối loạn đông máu nội mạch rải rác dễ tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong từ 5% tới 20%, nếu khỏi thì thời gian hồi phục thường kéo dài. Bệnh thường xảy ra dưới dạng các trường hợp tản phát, tuy nhiên cũng có thể gây thành những vụ dịch trên động vật và người.
Lợn nhiễm vi khuẩn S. suis có thể không phát bệnh hoặc gây các chứng viêm nhiễm nhẹ đến viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp nhiễm trùng, viêm phế quản phổi, viêm màng trong tim, viêm não, sẩy thai và các ổ áp xe…, gây chết ở lợn. Khi lợn bị mắc hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (hay còn gọi là bệnh tai xanh), vi khuẩn S. suis có thể phát triển mạnh hơn và làm tăng nguy cơ lây bệnh sang người, các ổ dịch liên cầu lợn ở người thường liên quan đến việc bùng phát các ổ dịch tai xanh ở lợn. Hầu hết các týp vi khuẩn S. suis còn nhạy cảm cao với kháng sinh.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không ăn tiết canh và thịt gia súc chưa được nấu chín kỹ.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không ăn tiết canh và thịt gia súc chưa được nấu chín kỹ. Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.