BS bày cách phân biệt triệu chứng ho để phát hiện ung thư sớm: Người hút thuốc cần chú ý
Ho triệu chứng nhiều bệnh đường hô hấp khác nhau, cần lưu ý ho kèm theo những triệu chứng bất thường này thì phải đi khám.
Ho khan
Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết dấu hiệu ho, đau ngực, có đờm là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau.
Với bệnh ung thư phổi diễn biến bệnh thường rất âm thầm, triệu chứng rất nghèo nàn. Có những bệnh nhân không có triệu chứng ho nhiều, đau ngực, chỉ ho khan một vài tiếng khi đi chụp phổi đã có khối u lớn xâm lấn.
"Ung thư phổi có thể phát hiện sớm, dựa vào yếu tố nguy cơ cao. Nếu như bệnh nhân hút thuốc lá, trong gia đình cơ người mắc ung thư phổi hoặc ung thư. Khi có triệu chứng ho nên đi tầm soát, chụp Xquang, làm một số xét nghiệm khác để loại trừ yếu tố nguy cơ", bác sĩ Thành nói.
Bác sĩ Thành đã từng gặp trường hợp bệnh nhân chỉ ho khan một vài tiếng, bệnh nhân đã cẩn thận đi chụp Xquang và phát hiện ra khối u 1-2cm. Nhờ phát hiện sớm, bệnh nhân phẫu thuật cắt khối u và hiện sống vẫn rất khỏe mạnh.
Trong trường hợp bệnh nhân ung thư có ho, kèm theo đau ngực, khó thở, ho ra máu lúc đó phát hiện ra bệnh thường đã ở giai đoạn muộn.
Người hút thuốc, trong gia đình có người từng bị ung thư hoặc ung thư phổi cần phải đi tầm soát ung thư phổi.
Theo các chuyên gia ung bướu khi bệnh nhân có ho kéo dài đã dùng kháng sinh không khỏi thì cần phải nghĩ tới ung thư phổi. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có khan kéo dài, có trường hợp có đờm trắng hoặc không.
Ho có đờm vàng, xanh
Theo bác sĩ Thành Việt Nam là nước nhiệt đới điều kiện khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Cộng thêm môi trường ô nhiễm khiến cho vi khuẩn luôn có trong không khí. Nhưng do cơ thể con người có hệ thống miễn dịch nên vi khuẩn không gây bệnh.
Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, vi khuẩn xâm nhập nhân lên vì dẫn tới viêm đường hô hấp.
"Ho do đường hô hấp bị nhiễm vi khuẩn cũng có triệu chứng tức ngực, nhưng sẽ có đờm mủ xanh hoặc vàng, bệnh nhân nhiễm trùng có sốt. Trong trường hợp này cần phải nghĩ tới bệnh nhân có thể bị viêm phổi", bác sĩ Thành nói.
Ho có đờm, sốt về chiều
Bác sĩ Thành cho biết thêm, nếu như bệnh nhân ho kéo dài, gầy sút cân, bệnh nhân có thể sốt về chiều. Với trường hợp này nếu trong gia đình có người đã từng bị lao phổi thì cần phải nghĩ đến lao phổi.
Bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm về lao phổi xác định đúng bệnh để điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, với người ho khéo dài, có thể có đờm hoặc không, nếu như có yếu tố nguy cơ đã từng hoặc đang tiếp xúc với khói thuốc, trên 40 tuổi có thể là do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do cảm nhiễm với các yếu tố ô nhiễm từ môi trường (khói thuốc lá, môi trường làm việc ô nhiễm, khói xe, khói nhà máy) vì vậy biểu hiện bệnh thường không đặc hiệu.
"Ho là triệu chứng của nhiều bệnh lý phổi khác nhau vì vậy bác sĩ cần phải khám chuyên sâu làm các xét nghiệm cận lâm sàng, mới chẩn đoán chính xác được bệnh. Với bệnh nhân khi có những triệu chứng ho, đặc biệt nhóm yếu tố nguy cơ cao thì cần phải đi khám sớm", bác sĩ Thành nói.