Người vợ Ukraina ở Việt Nam 20 năm chăm chồng đột quỵ: Cuộc hôn nhân bị cấm đoán từ nhà nội và câu nói 9 từ bên giường bệnh trong giây phút ngặt nghèo!
"Thậm chí mẹ còn cãi nhau với bác sĩ vì mong mỏi và tin tưởng bố sẽ khỏi, tìm cách chữa trị được khi ông ấy bảo rằng trường hợp này chẳng cứu chữa nổi nữa, khó có thể sống tiếp", Su kể.
Những câu chuyện thắm thiết tình cảm về tình nghĩa vợ chồng vẫn luôn khiến người ta cảm động. Còn gì ngọt ngào hơn mối quan hệ giữa hai người với nhau, dù trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả cũng gắn kết chẳng rời.
Người vợ Ukraina và chuyện tình yêu bị cấm đoán
Mới đây, câu chuyện của đôi vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng 57 tuổi và bà Svitlana, 55 tuổi gây chú ý. Theo đó, bà Svitlana đã ở Việt Nam hơn 20 năm để chăm chồng đột quỵ.
Cô con gái cả của họ là Suzanna Nguyễn (Su), 29 tuổi đã có những tâm sự, chia sẻ về tình cảm của bố mẹ mình.
Ngày ấy, bố mẹ Su gặp nhau tại căng tin cà phê ở cảng hải quan xuất nhập khẩu. Mẹ cô làm nhân viên bán hàng tại đó. Bố tới để gửi các động cơ máy móc về Việt Nam và dùng bữa ở đây. Ngay từ buổi đầu quen biết, ông Thắng đã có tình cảm đặc biệt với bà Svitlana. Ngày hôm sau, chàng trai Việt Nam mang tới một quả táo và thanh socola để làm quen.
“Lúc ấy, mẹ mình thẳng thắn nói luôn rằng em có con rồi. Mẹ có con riêng sau khi ly hôn với chồng cũ nhưng khi ấy bố không tin. Thậm chí sau này cả hai hẹn hò hơn 1 năm bố vẫn nghĩ mẹ đùa, đó là con họ hàng chứ không phải con mẹ. Sau này kết hôn xong xuôi ông mới tin mẹ có con thật. Bố bảo rằng bố nghĩ mẹ không muốn yêu người châu Á hoặc không muốn cưới nên mới nói thế”, Su kể.
Mối quan hệ giữa bố và mẹ Su không nhận được nhiều sự đồng tình từ gia đình bên nội. Bố Su là con trai trưởng, ông bà nội lại chẳng muốn con trai cưới dâu ngoại quốc nên cấm đoán rất gắt gao.
Vì yêu và cưới mẹ Su năm 1990 mà bố cô quyết định học xong không về nước mà ở lại Ukraina sinh sống. Đến năm 1991, Su ra đời. Ông Thắng lại càng gắn bó với mảnh đất này hơn. Kéo theo đó, việc gia đình ông không vui bởi con trai cưới vợ nước ngoài càng trở nên gay gắt hơn.
Su chia sẻ: “Sau này, bố mẹ đưa nhau về Việt Nam thăm gia đình. Tiếp xúc dần dần, ông bà càng hiểu hơn suy nghĩ của ‘con dâu Tây’. Ông nội mình đảm nhận một chức vụ ở nhà nước nên cũng từng gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với người nước ngoài nên cũng dần thấu hiểu.
Thậm chí ông nội còn rán trứng ốp la với bánh mì cho mẹ mình ăn vì sợ mẹ không hợp với các món phở, bún hay nhộng chiên. Chính vì sự cởi mở, quý mến và yêu thương từ ông nội mà một thời gian sau cả gia đình đều yêu thương con dâu ngoại quốc là mẹ mình”.
Những tấm ảnh cưới của bố mẹ Su.
Trong ký ức của Su, bố cô rất chiều chuộng mẹ và các con. Trước khi đổ bệnh, ông không muốn vợ phải đi làm và nói rằng đàn ông là trụ cột gia đình. Tuy nhiên, mẹ cô vẫn muốn đi làm để phụ giúp kinh tế cho chồng.
Mỗi lần mẹ cô đi công tác xa về, lúc nào bố cũng đón ở sân bay cùng một bó hoa tươi. Bố mẹ cô tình cảm thắm thiết vô cùng. Ngày nào họ cũng dành cho nhau một cái ôm hay nụ hôn má trước khi rời nhà.
Người phụ nữ 20 năm chăm chồng đột quỵ
Su nhớ lại: “Những năm 2000 gia đình mình cũng khá giả, có ô tô, mình đi học trường quốc tế. Mình còn có tài xế riêng đưa đi học nữa. Bố luôn cho rằng điểm chác không quan trọng. Bố hiểu và chẳng bao giờ áp đặt chuyện đi học nặng nề cho con cái hết cả”.
Đến năm 2000, bố Su quyết định về Việt Nam với cô để tìm cơ hội làm ăn. Bà Svetlana sẽ ở lại với 2 cậu con trai. Đợi khi nào tình hình kinh tế ổn định, ông sẽ đón cả nhà về đoàn tụ.
Su chính là người đồng hành với bố trong những ngày đó. Hồi ấy chưa có mạng internet. Gia đình gửi nỗi nhớ qua mỗi cuộc điện thoại một ngày 5 phút gọi của bố Su cho vợ. Còn bản thân Su, cô viết thư kể cho mẹ mình cuộc sống tại Việt Nam. Một năm trôi qua yên ả như thế cho đến ngày định mệnh vào năm 2001.
“Hồi đó công việc kinh doanh gặp khó khăn, bố gồng gánh trả nợ thì đột ngột bị đột quỵ. Sau khoảng 2 tuần bố bị, mẹ và em trai cùng anh trai đến Việt Nam. Mẹ khóc nhiều lắm. Bà đã bán rẻ ngôi nhà và ô tô để về gấp chăm cho bố”, Su kể.
Khi đó, bà Svetlana một nách 3 con cần phải chăm sóc. Cậu con trai út còn rất nhỏ. Ba người lớn hơn trong nhà là cô, mẹ cùng anh trai thay phiên nhau. Người vào viện chăm bố thì có người ở nhà chăm em. Cuộc sống của gia đình cô từ đang đủ đầy vì biến cố mà trở nên khó khăn thật nhiều.
Mẹ Su quyết định chia đôi nửa căn hộ tập thể ở phố Ngọc Khánh để bán cà phê. Họ gom tiền để mua chiếc tủ lạnh cũ vài trăm nghìn, đường và cà phê được bạn bè giúp đỡ. Không có tiền thuê nhân viên, Su cùng anh trai phụ mẹ bán hàng. Cô gái nhỏ hồi đó xoay quanh quán cà phê đó, bán từng ly với giá mới chỉ có 4-5 nghìn đồng.
“Từ những ngày đó, mình hiểu rằng kiếm được đồng tiền không dễ dàng. Mình phụ giúp mẹ nhiều việc. Thời gian cứ vậy mà trôi qua vì lúc nào người nhà cũng bận bịu hết cả. Không ở bệnh viện với bố thì bán hàng, chăm em, guồng quay gia đình cứ vậy mà tiến tới”, Su tâm sự.
Dần dần, quán hàng đó cũng phát triển thêm. Bà Svetlana thay vì chỉ bán cà phê đã bán cả các món ăn quê hương. Bà đã lao động không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi để vừa có tiền đóng viện phí cho chồng, vừa nuôi 3 đứa con khôn lớn nên người, học hành tử tế.
Hiện tại, hai con lớn của ông bà mở quán ăn Nga tại Sài Gòn, cậu con út học ở Canada. Hành trình kiên cường của một người phụ nữ Ukraina thật sự vĩ đại biết bao.
20 năm qua, ông Thắng đã nhập viện hàng chục lần, 4 lần đột quỵ, 2 lần liệt toàn thân nhưng sau vẫn tập luyện, đi đứng tốt. Lần gần nhất là vào tháng 2/2021, ông suy tim, tụ máu não, chuẩn bị phẫu thuật lại bị tai biến. Gạt đi tất cả, bà Svetlana vẫn cố gắng để đồng hành cùng chồng.
Su tâm sự: “Mình thấy mẹ không bao giờ từ bỏ. Thậm chí mẹ còn cãi nhau với bác sĩ vì mong mỏi và tin tưởng bố sẽ khỏi, tìm cách chữa trị được khi ông ấy bảo rằng trường hợp này chẳng cứu chữa nổi nữa, khó có thể sống tiếp.
Mẹ có lòng tin lớn vào bố và luôn động viên hết lòng. Bà mang ảnh cưới đến để bố xem rồi thuyết phục: ‘Anh còn yêu em thì anh phải đứng dậy’. Chỉ 9 từ nhưng thấm đẫm bao nhiêu hi vọng.
Thật ra, mỗi lần thấy mẹ khóc mình cũng bật khóc vì thương mẹ. Bà đâu có biết tiếng. Mình lúc nào cũng đi cùng để phiên dịch cho mẹ ở viện.
Chưa lúc nào mẹ tắt đi hi vọng bố có thể chữa bệnh, đứng trở lại. Bố mẹ cũng là thần tượng của mấy anh em. Mình luôn nói rằng sau này sẽ cưới người nào giống bố nhất vì ông chẳng bao giờ mắng mỏ ai, sống rất tình cảm”.
Câu chuyện của bố mẹ Su cũng truyền cảm hứng cho chính cô cùng anh em của mình. Ở họ có sự hào phóng, niềm tin và tình yêu thương, tin tưởng lẫn nhau vô điều kiện.
“Không có việc gì mà không vượt qua được khi có yêu thương. Tình yêu cũng chính là chìa khóa sống cho tất cả”, Su tâm sự.
Đúng là một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp và thấm đẫm yêu thương của người chồng Việt và cô vợ Ukraina. Hi vọng rằng, bố Su sẽ thật sự mạnh mẽ để có thể gắn bó với mẹ con cô dài lâu hơn nữa!