Người trẻ không muốn làm đám cưới vì tốn trên dưới 600 triệu, để tiền mua nhà còn hơn

Như Quỳnh,
Chia sẻ

Nói lời tạm biệt với những thủ tục phức tạp và thừa thãi, đơn giản hóa các nghi lễ, và tổ chức một đám cưới thực sự dành cho chính mình đang trở thành ý tưởng của nhiều người.

Một ngày đầu thu, Maizi, 28 tuổi và chồng cô tổ chức lễ cưới trên bãi cỏ của một khách sạn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Tại buổi lễ, chỉ có cặp vợ chồng và bố mẹ hai bên, tổng cộng 6 người.

"Tôi kết hôn với người tôi yêu thương nhất vào một ngày bình thường nhất, cùng nhau nói những lời thề nguyện long trọng nhất với một nghi lễ đơn giản nhất. Vào ngày này, tôi chỉ muốn thoải mái tận hưởng trọn vẹn quá trình, không mệt mỏi với việc tiếp khách, và để ý tới quá nhiều việc, chỉ muốn làm một cô dâu hạnh phúc và nhẹ nhõm nhất, đơn giản thôi, chỉ cần người mình yêu ở bên cạnh là đủ", Maizi nói.

Đây là một hình thức đám cưới được giới trẻ đương đại Trung Quốc ưa chuộng, người ta gọi nó là "đám cưới tối giản".

"Đám cưới tối giản"

Không có đoàn xe, không có xe đón dâu, không có phù rể, phù dâu, không có chủ lễ, không có những màn nhảy nhót sôi động, không có tiệc cưới, thậm chí là không cả khách mời.

Một trong những lý do khiến các bạn trẻ mạnh dạn cắt bỏ đám cưới truyền thống là vì sau khi đã tham dự nhiều đám cưới, nhiều người không muốn "bị dắt mũi" bởi những quy trình đám cưới thông thường, không muốn gặp phải những tình huống xã giao ngượng ngùng, và còn một bộ phận thì không thích tạo dáng chụp ảnh.

Người trẻ không muốn làm đám cưới vì tốn trên dưới 600 triệu, để tiền mua nhà còn hơn - Ảnh 1.

Người trẻ có xu hướng thích đám cưới tối giản (Ảnh minh họa: Pinterest)

Một số cư dân mạng cho rằng: "Không ảnh cưới, không quà cáp, không phát kẹo cưới, không chúc rượu, chỉ còn lại là một buổi lễ chậm rãi, khách mời thực sự tập trung vào cô dâu chú rể, có nhiều thời gian chụp ảnh và giao lưu với bạn bè..."

Thật vậy, một đám cưới tối giản có ít quy tắc và luật lệ hơn, tâm trạng mọi người cũng thoải mái và vui vẻ hơn, khách mời thực sự chú tâm vào buổi lễ hơn, cảm giác trọn vẹn hơn…

Nói lời tạm biệt với những thủ tục phức tạp và thừa thãi, đơn giản hóa các nghi lễ, và tổ chức một đám cưới thực sự dành cho chính mình đang trở thành ý tưởng của ngày càng nhiều người.

Các bạn trẻ có thực sự muốn tổ chức đám cưới không?

"Có nhất thiết phải tổ chức đám cưới không?"

"Kinh phí khoảng 5 vạn tệ (khoảng 170 triệu đồng) có thể tổ chức đám cưới được không?"

"Để tiết kiệm tiền mua nhà, làm đám cưới thế nào cho tiết kiệm hơn?"

Có rất nhiều câu hỏi như vậy được đặt ra trên các diễn đàn hay trang web chuyên giải đáp thắc mắc.

Theo DT Finance and Economics, một nhà khảo sát trên Weibo (trang mạng xã hội tương tự như Facebook tại Trung Quốc) đã từng đưa ra một cuộc khảo sát về vấn đề "Bạn nhìn nhận ra sao về hôn nhân không đám cưới?", gần một nửa số thanh niên bày tỏ sự ủng hộ và chọn không tổ chức đám cưới hay du lịch, chỉ 33% trong số họ lựa chọn hôn lễ là điều bắt buộc phải làm.

Tại sao một bộ phận không nhỏ những người trẻ lại không muốn tổ chức đám cưới?

Một mặt, đám cưới tiêu tốn quá nhiều thời gian và sức lực.

Chưa kể đến những vấn đề như "lên kế hoạch đám cưới", "phong cách đám cưới", "bố trí đám cưới" và "quy trình tổ chức đám cưới", mỗi một vấn đề đều cần phải được thảo luận qua lại giữa gia đình hai bên không biết bao nhiêu lần mới cùng đi đến được một thỏa thuận. Nhiêu đó thôi cũng đủ để khiến mọi người đau đầu.

Người trẻ không muốn làm đám cưới vì tốn trên dưới 600 triệu, để tiền mua nhà còn hơn - Ảnh 2.

Tổ chức một đám cưới cần rất nhiều sự đầu tư, chuẩn bị cầu kì (Ảnh minh họa: Pinterest)

Từ việc chọn quà cưới, bánh kẹo, đĩa đựng bánh kẹo, thiết kế thiệp mời, logo đám cưới, lên kế hoạch tổ chức lễ cưới thêm phần vui nhộn, sắp xếp phân công công việc cho mọi người... một khi đã làm, mọi ngóc ngách các chi tiết trong đám cưới đều phải được trau chuốt kỹ lưỡng, công việc chuẩn bị cho hôn lễ đôi khi quả thực khiến người ta nản lòng.

Trong mắt giới trẻ, đám cưới truyền thống thực ra chỉ là một cuộc thi thể hiện chủ nghĩa trang trọng quy mô lớn. Ngoài việc tuân theo các quy tắc của thế hệ cũ, hầu hết việc thiết kế quy trình chỉ có thể giao cho công ty cưới, tuy nhiên, quy trình cưới của nhiều công ty cưới thì lại giống nhau và không có gì mới mẻ.

Cô dâu chú rể bên trên "biểu diễn" hết mình, nhưng khách bên dưới đã ngà ngà say.

Ngoài ra, chi phí cho đám cưới cũng là một yếu tố quyết định.

Chi phí đám cưới thường dao động từ 200 - 600 triệu đồng, bao gồm tiền tổ chức 3 lễ chính trong thủ tục cưới hỏi là dạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới. Mỗi lễ sẽ lại có mức chi phí khác nhau, tùy theo các khoản mục cần chuẩn bị.

Khách sạn tổ chức tiệc cưới, trang trí nhà cửa, chụp ảnh cưới, lễ phục, trang sức, nhẫn cưới... Bất cứ thứ gì liên quan đến đám cưới đều là tiền.

Sau khi tổ chức đám cưới, không lỗ là đã hiếm chứ chưa nói đến chuyện thu hồi lại được tiền. Vừa tốn thời gian, công sức, mà đôi khi, lại cả là tiền.

Không xe đón dâu, không đoàn đón dâu, hay thậm chí cả tiệc cưới

Qianqian, 27 tuổi, đến từ Giang Âm, Trung Quốc, và chồng mình đều không thích đám cưới truyền thống phải mời nhiều người mà thậm chí họ còn không quen biết, họ cũng không thích tiết mục mời rượu của đám cưới truyền thống.

"Chúng tôi muốn xem đám cưới như một món quà cho chính hai vợ chồng, hy vọng nó sẽ ấm áp và ý nghĩa hơn. So với một đám cưới, tôi hy vọng không khí giống như một bữa tiệc hơn", Qianqian chia sẻ.

Sau cùng, cô quyết định chỉ tổ chức đám cưới đơn giản trên bãi cỏ ngoài trời, không có xe rước dâu, phù rể, phù dâu, không tiền mừng, không đại tiệc, quay về đúng bản chất của một đám cưới, nơi hai người thề nguyện sẽ bên nhau trọn đời. Tổng cộng có 50 người được mời đến dự đám cưới, tất cả đều là họ hàng và bạn bè thân thiết của hai người.

Người trẻ không muốn làm đám cưới vì tốn trên dưới 600 triệu, để tiền mua nhà còn hơn - Ảnh 3.

Nhiều người mong muốn ngày trọng đại chỉ diễn ra một cách nhẹ nhàng, dễ chịu (Ảnh minh họa: Pinterest)

Quay trở lại với Maizi. Vì muốn trọn vẹn cả mong muốn của bản thân và người nhà nên cô chọn tổ chức riêng biệt lễ cưới và tiệc rượu.

"Tôi nghĩ ngày quan trọng nhất trong cuộc đời mình nên diễn ra theo cách thật dễ chịu. Tôi nên quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bản thân và người mình yêu lúc này, thay vì quan tâm đến cảm xúc của quá nhiều khách mời", Maizi chia sẻ.

Hai vợ chồng vốn dự định đưa cha mẹ hai bên đến Tân Cương để tổ chức một hôn lễ nhỏ tại đó trước, nhưng vì tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn đang diễn biến căng thẳng nên mọi chuyện đã không diễn ra được như ý muốn. Vì vậy, cô tìm một khách sạn có bãi cỏ gần nhà. Lễ cưới chỉ bao gồm những nghi lễ cơ bản nhất, First-look (thời điểm chú rể lần đầu tiên nhìn thấy cô dâu trong bộ váy cưới), lời thề, trao nhẫn và uống rượu giao bôi đúng như Maizi mong muốn.

Về lý do chọn đám cưới tối giản, Maizi thấy rằng mình là một người hay lo lắng, nếu mời nhiều người, cô sẽ luôn trong trạng thái lo lắng không biết họ có ăn uống hay vui chơi đã không. Đám cưới bận rộn và mệt mỏi, chắc chắn sẽ có thiếu sót, vì vậy cô ấy quyết định từ bỏ đám cưới linh đình truyền thống!

Sau đó, để không làm ba mẹ phiền lòng, trong ngày về thăm cha mẹ, cô đã tổ chức khoảng 40 bàn tiệc với bạn bè của cha mẹ và cả của mình, không có nghi lễ, chỉ mời người dẫn chương trình bắt đầu chương trình, tiếp theo là phần nâng ly, chụp ảnh với bạn bè, người thân. "Bởi vì đã tổ chức phần lễ chính tập trung vào cảm xúc cá nhân mà tôi muốn, nên phần tiệc dễ dàng hơn rất nhiều", Maizi nói.

Bỏ đi nhiều quy trình rườm rà không cần thiết, chú trọng nhiều yếu tố cảm xúc cá nhân trong đám cưới đang dần được nhiều người ủng hộ hơn!

Theo 36kr, Cyzone

Chia sẻ