Người trẻ cần cảm xúc thăng hoa, được phép mắc sai lầm nhưng đừng để phải hối tiếc thốt lên hai từ “giá như”

Miu Miu,
Chia sẻ

Đổi lại những thăng hoa, sự bùng nổ trong cảm xúc của người trẻ làm nghệ thuật rất có thể là những hệ lụy không lường trước được, là nước mắt và hối hận không thể nào cứu vãn.

Khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng như giải trí của công chúng bùng nổ, các sân khấu biểu diễn mọc lên như nấm, nhiều người trẻ đã chọn theo con đường nghệ thuật, trở thành vũ công làm lối vào đời. Họ tập luyện từng ngày, từng giờ để cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đẹp mắt và cảm xúc.

Nhưng vũ công vốn là nghề khắc nghiệt với tuổi nghề ngắn và luôn cần cảm xúc mãnh liệt cũng như sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Vậy nên những người chọn nghề vũ công luôn cần sự trưởng thành nhanh chóng về nghề, một năng lượng khổng lồ để đáp ứng với cường độ tập luyện, diễn xuất ngày đêm, một sự kiêu hãnh để vượt qua những giới hạn thông thường của cảm xúc và sáng tạo.

Người trẻ cần cảm xúc thăng hoa, được phép mắc sai lầm  nhưng đừng để phải hối tiếc thốt lên hai từ “giá như” - Ảnh 1.

Hơn cả với nhiều người, trở thành vũ công không chỉ cần đam mê còn cần cả sự dũng cảm khi chống lại sự phản đối của gia đình về "con đường không ổn định”. Để chia sẻ với nhau một thanh xuân sôi nổi, kinh nghiệm và cả vui buồn trong nghề nghiệp, không ít người đã gắn kết với nhau để trở thành một vũ đoàn. Có những người còn dọn ra riêng sống với nhau cho tiện việc tập luyện, đi diễn, và để dựa vào nhau, nâng đỡ cảm xúc của nhau. 

Nhưng phía sau sự sôi nổi ấy, thấp thoáng đâu đó những góc tối. Môi trường làm việc nhiều hào quang của ngành nghệ thuật biểu diễn cũng ẩn nấp nhiều áp lực, cường độ tập luyện căng thẳng. Để giải tỏa, nuông chiều và thỏa mãn cảm xúc không giới hạn của mình, có những người đã chọn cách sống không lành mạnh như sử dụng chất kích thích, phóng khoáng quá đà trong quan hệ tình dục. 

Gửi những người trẻ nuông chiều cảm xúc không giới hạn, thăng hoa bằng sex và ma túy: Đừng để phải trả giá quá đắt cho hai từ “giá như” - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Anh Phong - chuyên viên Tư vấn Phòng Khám Nhà Mình, "thủ lĩnh" tinh thần của mạng lưới người có HIV tại Việt Nam tâm sự, có những người mà anh biết, đã mang họa bởi sự "thăng hoa" theo cách đó. Một thân chủ của anh là vũ công sống chung với vũ đoàn 9 người tiết lộ, họ có những cuộc hoan lạc tập thể và đôi khi các thành viên không dùng bao cao su để có thể vui tới bến.

Khi có một số dấu hiệu về sức khỏe, bạn ấy đã kiểm tra và biết mình có HIV. Sốc hơn, cả 9 người đều sau đó đều được xác định là dương tính với HIV, nhưng không rõ nguồn lây.

Từng là vận động viên dancesport thế hệ đầu của Việt Nam tham dự kỳ SEA Games 23, có trải nghiệm về cuộc sống vũ đoàn, nhà báo, MC Trác Thúy Miêu bật mí, phía sau bức màn nhung có thể là những câu chuyện tình yêu ngọt ngào, cảm xúc dữ dội, chuyện gần gũi thân xác của các vũ công.

Có cả những ghen tuông, tan rã, thậm chí cả những mối quan hệ khó định nghĩa phía sau những điệu múa gợi cảm, những va chạm giữa bạn diễn khi họ chung sống, làm việc cùng nhau. 

Chia sẻ về những góc tối xung quanh cuộc sống phóng khoáng nhưng cũng đầy rối rắm của một số vũ đoàn, chị tâm tư: "Miêu nghĩ rằng có những sự thật nếu không nói ra thì lại có thêm nhiều hoàn cảnh đau lòng khác. Tuy nghe trái tai, rất sốc nhưng đó là những điều đang xảy ra". 

Gửi những người trẻ nuông chiều cảm xúc không giới hạn, thăng hoa bằng sex và ma túy: Đừng để phải trả giá quá đắt cho hai từ “giá như” - Ảnh 4.

Đương nhiên, không phải người trẻ nào làm nghệ thuật cũng sử dụng chất kích thích hay không bất cẩn trong cuộc sống riêng tư. Và chắc chắn, không phải vũ công nào sống trong vũ đoàn cũng hư hỏng. 

Cám dỗ là có thật, nhưng có sa chân vào nó không, đối diện thế nào lại là do sự lựa chọn của chúng ta, như nhà báo Trác Thúy Miêu nhấn mạnh, hành vi, lối sống là do mỗi người tự lựa chọn, và phải tự có trách nhiệm với mình. 

Tuổi nghề càng ngắn, càng khắc nghiệt thì người ta càng phải lường trước mọi hiểm họa, mọi rủi ro có thể ập đến, đừng để mọi chuyện đã quá muộn rồi lại ôm mặt khóc, trách móc cuộc đời hẩm hiu.

Còn trong trường hợp xấu, mắc bệnh, đó cũng không phải dấu chấm hết cuộc đời, mà chỉ là một bước ngoặt. Chị cho rằng, tinh thần chiếm đến 50% sự thành bại của cuộc sống, nên nếu ai đó có H, bất kể trước đó họ có quá khứ như thế nào, điều quan trọng nhất là lạc quan, điều trị đúng cách và học cách sinh hoạt lành mạnh.

Kể ra những bí mật nhạy cảm, những góc khuất tâm hồn, những hoàn cảnh, tình huống éo le… của một số vũ công trẻ, với Trác Thúy Miêu không phải để lên án mà để kiếm tìm sự đồng cảm, là tiếng lòng thấu hiểu. 

Đây cũng là lý do chị Trác Thúy Miêu trở thành người đồng hành với anh Nguyễn Anh Phong trong 10 số của talk show Nói Nghe Nè. Xuyên suốt các talkshow, chị Trác Thúy Miêu sẽ cùng anh trò chuyện, chia sẻ những quan điểm sống, những kiến thức về nguy cơ, hành vi lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Talk show này từng được sự đồng hành của bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam… 

Gửi những người trẻ nuông chiều cảm xúc không giới hạn, thăng hoa bằng sex và ma túy: Đừng để phải trả giá quá đắt cho hai từ “giá như” - Ảnh 5.

Người sáng lập kênh, anh Phong trải lòng: “Là người trực tiếp đồng hành với cộng đồng người sống với HIV bấy lâu nay, Phong thấy rất nhiều trường hợp có HIV vì bản thân không biết cách phòng ngừa do ngại, sợ tìm hiểu và có thể chủ quan. Nhiều bạn có nguy cơ nhưng lại chưa biết PEP là gì, PrEP là gì. Do đó để HIV và xã hội rút ngắn khoảng cách với nhau, talk show này đã ra đời”. 

Anh hy vọng, từ những câu chuyện thực tế được kể ra trong quá trình tư vấn của mình và những trải nghiệm, cảm nhận của từng khách mời, người nghe sẽ cân nhắc, cẩn trọng hơn trong hành vi, lối sống của chính mình. Nói Nghe Nè Cùng Trác Thúy Miêu sẽ được truyền tải vào lúc 20h30 ngày thứ năm hằng tuần tại kênh Youtube Chuyện của Phong, bắt đầu từ ngày 9/4. 

Chia sẻ