Người phụ nữ háo hức chờ đợi, đếm từng ngày để được về nhà chồng ăn Tết
Trong khi nhiều nàng dâu khác vừa lo vừa sợ, thì chị lại háo hức nôn nao. Chị vừa mong vừa đếm từng ngày để được về nhà chồng ăn Tết, đến nỗi xin nghỉ sớm 2 ngày để "khăn gói" về với mẹ chồng.
Trong khi rất nhiều chị em phụ nữ lo lắng và hoang mang chuyện năm nay sẽ ăn Tết nhà nội, chuyện mẹ chồng nàng dâu ngày Tết, thì tôi biết lại có một người phụ nữ đang háo hức, mong ngóng, đếm từng ngày để được về nhà chồng đón Tết. Chị chính là Lê Thị Hồng Hạnh, người đang quản lý mảng content marketing của 1 công ty trực tuyến.
Chị lúc nào cũng giữ nụ cười tươi tắn trên môi
Chị sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa, một trong những thành phố trẻ và năng động miền Đông Nam Bộ. Anh là con trai Tây Nguyên, lớn lên nơi chân đèo Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Anh chị quen nhau ở xóm trọ chốn Sài thành, rồi nên duyên nhờ những chén tắc chưng mật ong những hôm trời trở lạnh, anh ho. Anh chị lấy nhau khi cả 2 đều đã qua tuổi băm, nhưng tâm hồn của 2 người thì vẫn luôn tươi trẻ như tuổi đôi mươi. Cuộc sống sau hôn nhân của anh chị là những ngày tháng đầy ắp niềm vui, tiếng cười.
Tôi rời xóm trọ đã lâu còn anh chị thì vẫn ở đó. Giáp Tết, hai chị em gặp nhau ngồi tám chuyện về quê ăn Tết nhà chồng. Chị bảo: "Sao mấy ngày nay chị cứ nghĩ mãi về chuyện nàng dâu ăn Tết nhà chồng. Chị chả thấy khổ, thấy sợ như người ta nói gì cả, chỉ thấy nôn nao, chị đang mong, đang đếm từng ngày luôn ấy. Tối qua chị facetime với nhà chồng, má bảo mấy ngày nữa là về nhà rồi, về rồi cả nhà ăn tất niên, về còn coi ba gói bánh tét, chị nghe mà nôn ghê gớm, nôn đến nỗi xin nghỉ phép sớm 2 ngày để về nhà chồng chơi. Năm nào ba chồng cũng gói bánh hết, nhưng khi anh chị về nhà thì ba đã mần xong, vớt bánh ra đi biếu thôi. Năm nay anh chị nhất quyết về sớm để gói cùng ba."
Như mở tấm lòng, chị bắt đầu ngồi kể tôi nghe về những cái Tết ở nhà chồng của chị. Chị cứ thao thao bất tuyệt với nét mặt rạng ngời hạnh phúc. Tôi cũng tuyệt nhiên không muốn chen vào dù chỉ một câu vì không muốn ngắt mạch cảm xúc của chị lúc ấy chút nào.
Mẹ chồng chị Hạnh
"Chuyện của chị mà kể ra chắc ối người "GATO". Chị nghĩ chắc chị là người con dâu sướng nhất quá, không biết chị tu mấy kiếp mới được vậy nữa. Anh chị lấy nhau cũng mấy năm rồi nhưng chị chưa bao giờ thấy sợ Tết nhà chồng. Nếu có chỉ là chị hơi buồn một tẹo vì không được đón giao thừa ở nhà với mẹ như thời còn con gái thôi.
Nói chứ hồi đó ít khi nào chị thức đến giao thừa, chỉ có khoảng 2 năm trước khi lấy chồng thì ráng thức để chúc Tết và lì xì bố mẹ rồi gọi điện về cho bà nội và cô dì chú bác. Lấy chồng rồi chị nhớ khoảnh khắc giao thừa ở nhà lắm, vì ở nhà anh không có năm nào thức đến giao thừa. Trời lạnh lắm. Nhà anh ở trên ngọn đồi nho nhỏ nên lạnh hơn so với những ngôi nhà khác, chỉ thức được đến tầm 11h là kéo nhau đi ủ ấm rồi ngủ quên mất.
Vợ chồng chị Hạnh
Năm đầu về làm dâu, lúc đó anh chị mới cưới được hơn tháng thôi, mẹ và dì chị dặn kỹ lắm, bảo phải về lo Tết tươm tất cho nhà chồng này kia, phải dậy sớm để nấu nướng. Ấy thế mà khi về anh chị khệ nệ bao này túi nọ bị ba má la quá trời. Ba bảo sao mua nhiều vậy, tay xách nách mang từ thành phố về nhà chi mà khổ. Chị biếu tiền Tết cho má cũng bị hỏi của con đưa má chi, má có tiền rồi, con để mà xài.
Ngày anh chị về đến nơi thì nhà cửa, phòng ốc em trai em gái đã lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ. Má chồng chị bán bánh ướt, bánh xèo võ Bình Định ngoài chợ. Anh chị ra phụ má thì má bảo đi chơi đi, đi chợ Tết cho biết chợ quê thế nào. Má còn dặn đừng có mua gì nha, bánh kẹo, mứt Tết, đồ ăn các loại má đều đặt người ta cả rồi.
Chuyến đi "trèo đèo lội suối" dịp Tết của vợ chồng chị
Chiều 30 Tết năm đó, má và em gái chồng chị bày đồ ra đổ bánh thuẫn. Lần đầu tiên trong đời chị biết bánh thuẫn được đổ như thế nào. Vui kinh khủng luôn ấy.
Sáng mùng 1 chị đặt đồng hồ dậy sớm, đồng hồ reo chị dậy tính đi phụ má chuẩn bị cơm cúng thì chồng chị bảo còn sớm lắm, má cũng chưa chuẩn bị giờ đâu. Đến 7h thấy má đi làm cơm, chị ra thì má bảo con dậy làm chi, trời lạnh lắm, con ngủ thêm đi, mà cũng không có gì phụ đâu, nấu ít cơm chay cúng thôi, mình bé H (em gái chồng chị) làm được rồi. Chị cười rồi vẫn chạy vào phụ má, mà chu choa lạnh khủng khiếp luôn á. Cơm nước xong xuôi, má dẫn con dâu, con trai, con gái và mấy cháu ra thăm mộ ông bà tổ tiên rồi ngồi kể chuyện xưa cho nghe. Phong tục quê anh vậy đó em, mùng 1 nhà nhà đều đi tảo mộ. Nghĩa trang hôm đó đông lắm, đi đến đâu mọi người đều tươi cười chúc mừng năm mới."
Món bánh thuẫn từ nhà chồng chị Hồng Hạnh
Nói đến đó chị dừng lại uống ít nước, tôi cười hỏi chị Tết những năm sau đó thì sao. Chị bảo: "Gia đình nhà chồng chị vẫn thế, thật thà, chân chất và luôn ấm áp tình người. À thêm tính hài hước nữa chứ, chọc ghẹo nhau hoài nên ba má con cái cứ gọi là cười suốt.
Chị thật thà nói ba chồng là con không biết gói tét, con chỉ ham vui thôi, ba chỉ con làm, hư ba sửa lại ha. Ba chị cười quá chừng. Ông hiền lắm, năm nào cũng dành mấy trái mận Hà Nội chín mọng cho con dâu về. Mấy đứa nhỏ quanh nhà me hoài nên ổng quây cái cây lại, bảo vệ trái trên cây cho con dâu.
Năm nay từ trước Tết chị đã chuẩn bị quà Tết này kia, mua sắm đồ Tết, áo dài cho cô em chồng và cháu gái chồng Tết này diện đi chụp hình. Chị sẽ rủ rê thêm cô em dâu chồng tương lai lên kế hoạch đi chơi như Tết năm ngoái.
Về nhà anh thích lắm, được dẫn đi nhiều nơi hoang sơ, đẹp lắm. Năm ngoái đi suối, ta nói trèo đèo lội suối đúng nghĩa luôn. Chị cứ nghĩ là không đến được đích. Nhìn con đường thấy sợ lắm, nhưng được chồng động viên, nắm tay dắt đi, 2 đứa em chồng thì đi phăm phăm, hú hét gọi đến đây đi, đẹp lắm. Thế rồi chồng đỡ 1 bên, tụi nhỏ đỡ 1 bên, cuối cùng chị cũng xuống được suối, đẹp lắm luôn bé ạ.
Cô dì chú bác nhà anh thương lắm, dâu nào không biết chứ dâu này luôn có lì xì nha. Năm đầu ai cũng lì xì vì là dâu mới. Những năm sau đó thì các bậc tiền bối vẫn lấy hết lý do này đến lý do khác để lì xì. Ba anh, các em anh vẫn luôn nghĩ chị là dâu thành phố không quen bếp củi, không quen nước lạnh nên từ ngày có dâu, nhà thay đổi nhiếu thứ tiện nghi hơn để dâu dùng được. Nhưng chị không ỉ lại vào sự yêu mến của mọi, chị lại thích nấu ăn nữa nên mấy ngày Tết cứ săm săm vào bếp trổ tài rồi nghĩ coi nên ăn món gì, mần gì cho vui.
Vợ chồng chị Hạnh rất hạnh phúc
Năm nay chồng chị bảo ngoài 2 ngày trước Tết thì nghỉ thêm 2 ngày sau Tết, vì tính ra về nhà anh cả tuần lễ, mà nhà vợ có 2 ngày thì như thế không công bằng, muốn vợ nghỉ thêm ở nhà chơi với gia đình. Chị vẫn chưa quyết định vì sau Tết công việc nhiều, chỉ là thấy cám ơn chồng vì đã luôn nghĩ cho nhà vợ. Chồng được cái yêu vợ, về nhà không bao giờ bắt vợ phải phục vụ mình hay gia đình mình, vợ nấu này kia rồi thì chồng sẽ nhào vào rửa chén. Sáng vợ dậy sớm cũng ráng ôm vợ lại vì trời lạnh sợ vợ bệnh."
Chị nói đến đó thì điện thoại reo, nhà xe báo chị đi nhận hàng, chị ngỡ ngàng hỏi hàng gì thì người ta bảo đồ mẹ chồng chị gửi xuống. Chị bảo: "Chắc má lại gửi thêm cho chị ít rau củ ăn trước ngày về Tết rồi. Má hay gửi cho chị lắm, gửi nhưng không bao giờ báo trước, có hôm gửi xong báo mai đi lấy quà, có hôm thì nhà xe gọi chị mới biết, mỗi lần như thế chị đều bất ngờ và vui lắm. Một tháng chị nhận quà má ít nhất 1 lần, có tháng nhận đến 4 lần, ăn chưa hết đã nhận. Trung bình tháng nào má cũng gửi 2 thùng rau, gửi xuống má bảo má ghi sổ rồi đó, mà đến khi chị về đòi xem sổ thì má chỉ cười gì đâu mà cười."
Biết chị còn muốn kể nhiều, nhiều nữa nhưng tôi vẫn giục chị đi nhận quà rồi về dọn dẹp nhà cửa để mấy ngày tới còn về quê ăn Tết, hẹn chị qua Tết sẽ nghe chị kể thêm những chuyện về anh.
Người ta vẫn cứ bảo chuyện "Mẹ chồng – Nàng dâu", nhưng tôi tin chỉ cần yêu thương một cách thật tâm, mẹ chồng đối xử với con dâu như con đẻ, con dâu yêu kính gia đình chồng như gia đình mình thì mọi chuyện đều sẽ được hóa giải thôi. Mong cho anh chị sẽ luôn hạnh phúc. Mong mỗi cái Tết ở nhà chồng của chị đều là một mùa vui, yêu thương và ấm áp.