Người phụ nữ 66 tuổi có xương "chắc khỏe" như thanh niên, 4 thói quen ngừa loãng xương của bà rất dễ học hỏi
Bác sĩ đã tìm hiểu chi tiết về cuộc sống hàng ngày thì phát hiện 4 thói quen sinh hoạt sau đây của bà rất hữu ích cho việc ngăn ngừa loãng xương.
Bà Vương là một người phụ nữ 66 tuổi nhưng có xương chắc khỏe không khác gì thanh niên. Và bí quyết khỏe mạnh của bà đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang truyền thông Trung Quốc để mọi người cùng học hỏi.
Số đo mật độ xương bà Vương là -1,4, có nghĩa là mật độ xương rất khỏe mạnh, tương đương với một người trẻ tuổi và ít có nguy cơ gãy xương như những người cùng độ tuổi khác (khi giá trị mật độ xương T là ≤-2,5, bệnh nhân có thể được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương).
Bác sĩ đã tìm hiểu chi tiết về cuộc sống hàng ngày và thói quen ăn uống của bà Vương thì phát hiện 4 thói quen sinh hoạt sau đây của bà rất hữu ích cho việc ngăn ngừa loãng xương. Bác sĩ cũng đã dặn dò bà Vương cần duy trì lâu dài những thói quen này.
1. Chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng
Bà Vương rất chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt là việc bổ sung canxi, protein và vitamin D. Mỗi ngày, bà uống một ly sữa, ăn các loại hạt, cá và rau xanh để đảm bảo nhận đủ chất dinh dưỡng.
Lượng canxi đầy đủ có lợi cho việc chăm sóc sức khỏe của xương, làm chậm quá trình mất xương, cải thiện quá trình khoáng hóa xương và duy trì sức khỏe tủy xương. Lượng vitamin D đầy đủ rất hữu ích trong việc thúc đẩy hấp thụ canxi đường ruột, giúp cơ thể duy trì sức mạnh cơ bắp, cải thiện sự cân bằng và giảm nguy cơ té ngã. Protein là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến khối lượng cơ bắp. Lượng protein đầy đủ là một phần quan trọng trong việc duy trì sức mạnh cơ bắp.
Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, hãy đảm bảo bổ sung đầy đủ protein, vitamin C, vitamin D và canxi hàng ngày để duy trì nhịp cơ bình thường, thúc đẩy xương chắc khỏe.
2. Chăm chỉ tập thể dục
Bà Vương cho biết, kể từ khi nghỉ hưu, đã phát triển thói quen tập thể dục mỗi ngày. Cho dù đó là khiêu vũ, đi bộ, yoga hay kéo giãn cơ thể, bà đều tập đều đặn. Đặc biệt, bà cũng rèn luyện bản thân với tập tạ, hoặc squats - bộ môn có thể trực tiếp kích thích và giúp tăng mật độ xương.
Bà Vương chia sẻ rằng, trong một lần đi siêu thị, bà mang theo hai bao gạo và đi bộ vài km về nhà một cách dễ dàng, trong khi nhiều người trẻ xung quanh không thể nhấc nó lên. Trải nghiệm này khiến bà cảm nhận sâu sắc lợi ích của việc tập thể dục.
Thông qua việc tham gia thường xuyên vào các hoạt động thể chất, số lượng và chất lượng cơ bắp có thể được cải thiện, tính linh hoạt có thể được cải thiện, khớp có thể được ổn định, khả năng chống gãy xương được tăng cường. Do đó, tập thể dục có lợi trong việc ngăn ngừa loãng xương. Tuy nhiên, việc tập thể dục cần phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
3. Tránh những thói quen xấu
Không bao giờ hút thuốc và hiếm khi uống rượu là điều mà bà Vương thường làm bởi bà biết rằng 2 việc này đều có liên quan đến sự giảm mật độ xương. Bà tin rằng duy trì lối sống lành mạnh và tránh những thói quen xấu là chìa khóa để duy trì sức khỏe của xương.
Hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy... không chỉ có thể ảnh hưởng đến mức độ tích tụ xương cơ bản mà còn dẫn đến mất xương ở người trung niên và cao tuổi - một lý do quan trọng để tăng nguy cơ loãng xương.
4. Thiền hoặc thực hành chánh niệm mỗi ngày
Người phụ nữ 66 tuổi này luôn giữ cho mình thói quen thiền định hoặc thực hành chánh niệm mỗi ngày.Thông qua những phương pháp này, bà thư giãn bản thân, loại bỏ căng thẳng và nuôi dưỡng một suy nghĩ lạc quan.
Căng thẳng và lo lắng lâu dài không chỉ có hại cho tim mà còn có thể dẫn đến giảm mật độ xương. Duy trì trạng thái lạc quan và thoải mái cũng là một sự bảo vệ tiềm năng cho sức khỏe của xương.
Với sự phát triển của xã hội, già hóa dân số đã trở thành xu hướng trên thế giới hiện nay. Dân số già hóa luôn đi cùng các bệnh mãn tính, trong đó loãng xương là một trong những bệnh đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người cao tuổi, dễ dẫn đến gãy xương. Gãy xương thứ phát là một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật và tử vong ở bệnh nhân cao tuổi, mang lại gánh nặng y tế và sinh hoạt nặng nề cho gia đình, xã hội.
Bệnh loãng xương thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu và còn được gọi là "bệnh thầm lặng". Khi bệnh tiến triển, khối lượng xương tiếp tục bị mất và vi cấu trúc xương bị phá hủy, 3 triệu chứng khó chịu sau đây thường xuất hiện. Cần xem xét khả năng loãng xương vào thời điểm này và đến bệnh viện để điều trị y tế kịp thời.
1. Đau
Bệnh nhân có thể bị đau xương, biến dạng cột sống, đau lưng dưới, thậm chí "đau nhức cơ thể". Những cơn đau thường rõ rệt hơn vào ban đêm, đôi khi ảnh hưởng đến giấc ngủ và giảm khi hoạt động ban ngày. Tuy nhiên, cơn đau có thể tái phát trong một thời gian dài, mức độ nhẹ hoặc đôi khi nghiêm trọng và thường đi kèm với các triệu chứng khó chịu như mệt mỏi, chuột rút ở chân.
2. Biến dạng cột sống
Bệnh nhân loãng xương nặng có thể bị biến dạng cột sống như lùn đi hoặc lưng gù do những thay đổi trong cột sống. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó thậm chí có thể ảnh hưởng đến chức năng tim và phổi, gây khó thở, táo bón, đau bụng, đầy hơi cùng các triệu chứng khó chịu khác của đường tiêu hóa.
3. Gãy xương
Những người bị loãng xương thường có xương mỏng manh và dễ bị gãy. Gãy xương do loãng xương ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người cao tuổi, thậm chí trong trường hợp nặng sẽ mất khả năng sống độc lập. Điều này sẽ mang lại gánh nặng tâm lý rất lớn cho bệnh nhân và ảnh hưởng nặng nề đến gia đình.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người trên 40 tuổi nên kiểm tra mật độ xương thường xuyên để tìm hiểu xem có bị loãng xương hay không, nhằm đạt được sự can thiệp và phòng ngừa bệnh sớm.