Người nghèo khó ở Mỹ chật vật giữa cái nóng khắc nghiệt

Diệp Lục,
Chia sẻ

Nắng nóng khắc nghiệt đã khiến những người vốn có cuộc sống khó khăn ở Mỹ lại càng trở nên chật vật hơn.

Người nghèo khổ vật lộn với nắng nóng

Vào một ngày nắng nóng ở tuần trước, bà Juanita Cruz-Perez chỉ biết thở dài ngao ngán trong ngôi nhà hai phòng ngủ ở San Antonio vì thời tiết ngày càng oi bức, nóng nực.

Dù trời chưa đến quá trưa nhưng cái nóng đã gần như không thể chịu đựng nổi. Bà Juanita Cruz-Perez mở cả cửa trước lẫn cửa sau của ngôi nhà để mong đón một cơn gió mát lành. Người phụ nữ lớn tuổi này cũng không quên bật một chiếc quạt để xua tan hơi nóng trong nhà. Bà cố gắng kìm hãm ý định bật máy điều hòa vì không muốn tốn thêm quá nhiều tiền điện.

"Điều hòa chỉ được bật vào ban đêm, bất kể trời có nóng như thế nào đi chăng nữa", bà Juanita Cruz-Perez lên tiếng giải thích. 

Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tình trạng sức khỏe của bà yếu hẳn. Người phụ nữ đang mang trong mình nhiều căn bệnh bao gồm tiểu đường và huyết áp cao. Tuy nhiên, với "ngân sách" chỉ có 800 USD (18,7 triệu đồng)/tháng bà không thể cho phép mình tiêu xài hoang phí.

Người nghèo khó sống giữa nắng nóng khắc nghiệt ở Mỹ: Chỉ dám bật điều hòa vào ban đêm - Ảnh 1.

Cụ bà Juanita Cruz-Perez chỉ bật điều hòa vào ban đêm để tiết kiệm chi phí.

Ở San Antonio, nơi đã trải qua 2 tuần nắng nóng gay gắt, những người dân có thu nhập thấp hơn cả bà Juanita Cruz cũng đang phải tìm cách chống chọi để đối phó với tình cảnh ngặt nghèo này. 

Bà Juanita Cruz đang sống ở Westside, nơi mà hầu như cư dân đều là tầng lớp lao động hoặc là những người có hoàn cảnh khó khăn. Ở đây rất ít cây xanh để có thể đem đến bóng mát, xua tan đi cái nóng ngay lúc này.

Những việc tưởng chừng rất đơn giản như đi ra sân sau, đi bộ đến cửa hàng hoặc ngồi đợi xe buýt lại trở nên rất nguy hiểm đối với người dân khốn khó ở San Antonio khi thời tiết nắng nóng kéo dài. 

Bà Juanita Cruz than thở rằng: "Khi bạn nghèo, mặt trời sẽ tìm thấy bạn nhanh hơn".

San Antonio, thành phố lớn thứ hai của tiểu bang Texas, đã trải qua ít nhất 46 ngày thời tiết trên 37,7 độ C, theo dữ liệu của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia.

Đợt nắng nóng khắc nghiệt này chính là nguyên nhân gây ra loạt vụ cháy rừng trong đó có một vụ đã thiêu rụi 20 ngôi nhà ở ngoại ô Dallas. Nắng nóng đỉnh điểm cũng tạo ra nhiều áp lực cho hệ thống lưới điện bang Texas. Cơ quan điều hành lưới điện ERCOT đã kêu gọi người dân tiết kiệm điện nhiều hơn, tránh bật điều hòa liên tục để không gây ra tình trạng quá tải, có thể làm mất điện trên diện rộng.

Nắng nóng đã có những tác động tiêu cực đến người dân ở San Antonio, nơi đa số là người Latinh và gần 18% dân số sống trong cảnh nghèo đói. Westside là khu vực có nhiều tòa nhà lịch sử nổi tiếng, nơi đây có nền nhiệt độ cao hơn nhiều so với các khu vực lân cận vì nó rất ít cây xanh cùng nhiều công trình làm bằng bê tông chằng chịt.

Người nghèo khó "vật lộn" giữa cái nóng khắc nghiệt ở Mỹ: Chỉ dám bật điều hòa vào ban đêm, khó khăn chất chồng - Ảnh 2.

Bản đồ dự báo về chỉ số nhiệt ở Mỹ vào ngày 27/7. Màu cam hiển thị cảnh báo nguy hiểm với những vùng có nền nhiệt cao nhất. Nguồn: NOAA.

Người nghèo khó "vật lộn" giữa cái nóng khắc nghiệt ở Mỹ: Chỉ dám bật điều hòa vào ban đêm, khó khăn chất chồng - Ảnh 3.

Dự báo nhiệt độ của San Antonio trong 1 tuần. Đơn vị đo lường nhiệt độ của Mỹ: độ F.

Kayla Miranda, người đứng đầu một nhóm vận động đang thúc đẩy chương trình tạo ra nhiều không gian xanh hơn ở San Antonio, cho biết: "Chính những người nghèo lại là nạn nhân chủ yếu của đợt nắng nóng này vì họ không có gì trong tay. Những khu phố giàu có hơn thì nhiều không gian xanh và bóng mát hơn".

Chính bản thân cô Miranda hiểu rõ điều này hơn bất cứ ai hết khi phải sống trong hoàn cảnh khó khăn. Người phụ nữ cùng 4 người con đang phải sống trong nhà ở xã hội, nơi rất gần những bãi cỏ khô cháy và vỉa hè luôn nóng hầm hập mỗi ngày vì thiếu cây xanh. 

Hàng tháng, cô Miranda đều phải chật vật tìm cách chi trả hóa đơn tiền điện gần 350 USD (8 triệu đồng) để đảm bảo cho các con được mát mẻ hơn giữa ngày nắng nóng. 

Khó khăn chất chồng

Tại một số khu vực sầm uất như River Walk hay ở nơi dành cho người giàu sinh sống, cái nóng dễ dàng bị xua tan bởi chúng phủ đầy những tán cây mát rượi dọc theo dòng sông hay những bãi cỏ xanh mềm mại được cắt tỉa cẩn thận.

Ở Austin, nơi cách thành phố San Antonio 128km, Đại học Texas đang nghiên cứu các điểm nóng ở tiểu bang và những cách để hạ nhiệt chúng. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, các giải pháp trước mắt hiện nay có thể làm bao gồm trồng nhiều cây xanh hơn, lắp đặt các mái che, cải tạo chất lượng đường sá...

Người nghèo khó "vật lộn" giữa cái nóng khắc nghiệt ở Mỹ: Chỉ dám bật điều hòa vào ban đêm, khó khăn chất chồng - Ảnh 4.

Một khu vực râm mát hiếm hoi ở San Antonio.

Thông qua nhiều phương tiện truyền thông, người dân cũng được nhắc nhở hạn chế đi ra đường, uống nhiều nước và thường xuyên tắm nước mát nếu không có điều hòa nhiệt độ.

Các quan chức San Antonio cho biết thành phố đã tạo ra một chiến dịch được gọi là "Đánh bại sức nóng" để cung cấp một số cứu trợ tạm thời. Các trung tâm làm mát (nơi công cộng có điều hòa nhiệt độ do chính quyền địa phương thiết lập để hỗ trợ người dân) luôn mở cửa trong những ngày nóng nhất.

Nhiều cư dân ở Westside thường phải di chuyển bằng xe buýt để đến các trung tâm làm mát. Nhưng có một thực tế rằng đa phần các trạm xe buýt đều không có mái che hoặc ít cây xanh xung quanh. Việc đứng đợi các chuyến xe lại là một trải nghiệm "cực hình".

Một ngày gần đây, bà Amelia Castillo, 67 tuổi, đi chầm chậm phía sau chồng mình. Ông Antonio Castillo, 66 tuổi, đang vật lộn với một khung xe tập đi, nhờ sự hỗ trợ từ người vợ, cuối cùng họ cũng đến được trạm xe buýt. 

Nơi đây không có mái che, cây xanh cũng thưa thớt, hơi nóng từ mặt đường phả lên mặt khiến cặp đôi vô cùng khó chịu. Người chồng ngồi trên một chiếc ghế dài bằng gỗ cũ, gương mặt nhăn nhó khi ánh nắng mặt trời chiếu xuống gay gắt. Vợ ông đứng ngay cạnh đó, cầm một chiếc ô cố gắng tránh khỏi sự "tấn công" của mặt trời. 

Người nghèo khó "vật lộn" giữa cái nóng khắc nghiệt ở Mỹ: Chỉ dám bật điều hòa vào ban đêm, khó khăn chất chồng - Ảnh 5.

Vợ chồng bà Amelia Castillo ngồi chờ tại trạm xe buýt không có mái che.

Bà Castillo thở dài ngao ngán: "Tôi có cảm giác mặt trời dường như ngày một nóng hơn". Vài phút sau, một chiếc xe buýt đi đến, bà Castillo vừa mừng rỡ vừa tỏ ra ngạc nhiên vì hôm nay thật may mắn khi họ không phải chờ đợi quá lâu giữa tiết trời khắc nghiệt. Người phụ nữ cho hay: "Đôi khi chúng tôi phải đợi xe khoảng 40 đến 50 phút".

Cách bến xe buýt không xa, cô Jessica Vasquez cùng 3 đứa con và chú chó cưng Simba đang thay phiên nhau nghịch nước từ vòi phun nước ở Công viên Cassiano. Bể bơi tại công viên đã đóng cửa với dòng thông báo ngắn gọn rằng nó sẽ mở cửa trở lại vào cuối tuần từ 1 giờ chiều đến 7 giờ tối. Người mẹ chỉ biết 'cười khổ' trước tình cảnh này: "Tôi ước gì nó mở cửa cả tuần. Điều đó sẽ rất tuyệt. Tôi không hiểu sao họ lại đóng cửa trong tuần khi bọn trẻ được nghỉ hè".

Cái nóng thiêu đốt khắp nơi trong khi những đứa trẻ đang được nghỉ hè không thể ngồi yên một chỗ. Chúng luôn có nhu cầu vui chơi giải trí và việc ở trong nhà thường xuyên quả là bí bách. Bể bơi hay công viên nước là sự lựa chọn tối ưu nhất lúc này nhưng không phải nơi đâu cũng có những tiện ích ấy. 

Người nghèo khó "vật lộn" giữa cái nóng khắc nghiệt ở Mỹ: Chỉ dám bật điều hòa vào ban đêm, khó khăn chất chồng - Ảnh 6.

Trẻ em thiếu nơi giải nhiệt trong kỳ nghỉ hè nắng nóng ở Mỹ.

Cô Susana Segura, tình nguyện viên của một nhóm có tên Bread and Blankets Mutual Aid, đã dành thời gian nóng nhất trong tuần để lái xe quanh các khu dân cư nghèo với mục đích đi giao nước, chủ yếu cho những người vô gia cư, trong đó có nhiều người khuyết tật. Những người vô gia cư là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt nắng nóng này vì họ không có nơi nào để thoát khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt.

Không nhà, không cửa và thậm chí là không có người thân, họ chỉ còn cách dựa vào lòng tốt của xã hội và bản năng sinh tồn trong mỗi người mà thôi. 

Elpidio Palacios, 56 tuổi, di chuyển xe lăn về phía cô Susana Segura. Ông cho hay mình đã bị mất cả hai chân cách đây nhiều năm khi bị ngã khỏi một chuyến tàu và rơi xuống đường ray xe lửa. 

Ông lấy một chai nước lạnh từ cô Segura và nhấp một ngụm để giải khát. Sau đó, ông khoe chiếc mũ rơm mà cô Segura đã tặng cho mình ngày hôm trước, một món quà quý giá không có gì đong đếm được giữa "hỏa ngục" ở Mỹ.

"Nếu không có cô ấy, tôi không biết mình sẽ sống ra sao giữa cái nóng như thế này. Bạn không thể chạy nhanh hơn mặt trời được", ông Elpidio Palacios nói về thực tại khắc nghiệt. 

Nguồn: Nytimes

Chia sẻ