Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ

Chí Phong,
Chia sẻ

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày “diệt sâu bọ” (mùng 5/5 âm lịch) năm nay trùng vào ngày đi làm nên từ sáng sớm, nhiều chị em phụ nữ đã đi chợ chọn, mua sắm thực phẩm về thờ cúng và ăn Tết.

Từ rất sớm, không khí chung ở các chợ tại khu dân cư nội thành Hà Nội đã rất nhộn nhịp, nhưng hầu hết người mua hàng tạt vào mua hàng, chọn lựa, mặc cả rất nhanh.
 
Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  1
Những phụ nữ lớn tuổi có vẻ đủng đỉnh sắm Tết Đoan Ngọ.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  2
Còn những chị em phải đi làm, không có thời gian đắn đo nhiều ...

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  3
... hầu hết tranh thủ mua thật nhanh rồi đi làm.

6 giờ sáng, không khí mua bán tại chợ Hàng Bè đã nóng. Những mặt hàng được chú trọng nhất của ngày này là quả vải, mận và một số quả có vị chua, rượu nếp trắng, nếp cẩm; hoa và gà ta cũng được dịp đắt hàng. Giá những thực phẩm này tăng cao hơn so với ngày thường, khoảng 20 – 40%.  Mận ngày thường chỉ 20.000 – 25.000 đồng/kg, sáng nay tăng vọt lên 50.000 đồng, có nơi bán cao hơn. Vải tươi tăng nhẹ, dao động ở mức 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  4
Quả vải là mặt hàng "hot" nhất trong những khu chợ hôm nay.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  5
Chị Hà - người bán hàng - chuẩn bị bán hàng từ 5 giờ sáng. Chị đang sắp xếp vải cho bắt mắt để "câu" khách.

 Tại chợ Hàng Bè, rượu nếp trắng có giá 45.000 – 50.000 đồng/kg, rượu nếp cẩm cao hơn nếp trắng 20.000 đồng/kg.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  6
Rượu nếp cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày này.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  7
Tranh thủ đưa con đi chợ và giảng giải cho con ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  8
Nếp cẩm năm nay đắt hàng hơn. Bà Minh (tiểu thương chợ Hàng Bè) cho biết, ngày này bà chuẩn bị hơn 2 tạ hàng, mới 7 giờ sáng đã hết một nửa.

Hoa ngày này cũng rất đắt. Ở chợ Thượng Đình, hoa hồng được bán 5.000 đồng/bông, hoa ly 40.000 đồng/cành… Tuy giá cả tăng cao, nhiều chị em vẫn “bấm bụng” mua mà ít mặc cả, vì quan niệm cả năm mới có một ngày, rộng tay cho người bán hàng sẽ có lộc.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  9
Hoa cúc được bán từ 3.000 - 5.000 đồng/bông, nhưng nếu không nhanh tay sẽ khó chọn được hoa đẹp.
 

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  10
Loa kèn cuối mùa hơn 40.000 đồng/chục, nhưng vẫn nhiều người chọn mua.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  11
Cân nhắc.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  12
Những người dân ngoại thành cũng nhanh nhẹn đem hoa cau lên Hà Nội bán. Một nhánh nhỏ hoa cau cũng có giá 30.000 đồng.
Một bẹ hoa, nếu bán khéo, người ta có thể thu về 200. 000 đồng hoặc hơn.


Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  13
Những loại hoa quả mùa hè như quất hồng bì ...

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  14
... hồng xiêm cũng được ưa thích trong ngày "giết sâu bọ".

Theo những phụ nữ lớn tuổi, sớm 5/5 âm lịch là khi khí trời chuyển giao đặc biệt, mọi người dậy sớm, ăn rượu nếp trước, sau đó ăn một vài quả vải và mận rồi đi tắm nước lạnh, “sâu bọ” trong người sẽ chết, cơ thể sẽ khỏe mạnh, mọi bệnh tật, muộn phiền cũng tiêu tan.

Người Hà Nội nhộn nhịp sắm Tết Đoan Ngọ  15
Gần 8 giờ sáng, khu chợ Hàng Bè đã vắng tanh. Người phụ nữ này chuẩn bị sang khu phố cổ bán rong.

Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương là một ngày Tết truyền thống tại Việt Nam cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên, Trung Quốc. Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm nhiều dương khí nhất, khi mặt trời gần Trái Đất nhất nên dễ gặp may mắn. Hơn nữa, những ngày này, các loài sâu bọ cũng bắt đầu sinh sôi nảy nở mạnh mẽ.

Các vật phẩm được sử dụng cúng trong ngày này là sản vật tự nhiên (rượu nếp, quả vải, gà luộc) mang ý nghĩa tri ân tổ tiên, cầu cho mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật.

Chia sẻ