Người đàn ông tiết kiệm 70% thu nhập vỡ mộng nghỉ hưu sớm: 'Tôi ước mình đi làm thêm vài năm nữa vì quá khổ sở khi phải chắt bóp từng đồng'
Duy trì mức chi tiêu thấp, Brandon Ganch chia sẻ anh hối hận vì chỉ tập trung vào việc tiết kiệm tiền.
Brandon Ganch đã nghỉ hưu vào năm 2016 khi mới 36 tuổi, với kế hoạch tiết kiệm hết sức và duy trì mức chi tiêu thấp.
Dù không hối hận về tài sản có được nhờ tập trung cao độ vào việc tiết kiệm 70% thu nhập, như Ganch chia sẻ đáng lẽ ra anh nên dừng lại khi biết mình phải trải qua những gì.
Trước khi nghỉ hưu sớm, nhà phát triển phần mềm và vợ đã sống tiết kiệm “như sống trong rừng”, luôn giữ mục tiêu độc lập về tài chính. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, anh rơi vào cảnh túng thiếu và cả 2 đều cảm thấy không hài lòng với cuộc sống.
Hiện tại, với 2 con nhỏ, thói quen chi tiêu của Ganch đã thay đổi. Thay vì “siêu tiết kiệm”, anh ưu tiên chi tiêu vào những thứ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình, chẳng hạn như mua một ngôi nhà ở Scotland, nơi cả gia đình đang sống. Đây là quyết định mà Ganch cho rằng “cực kỳ xa xỉ” so với lối sống tiết kiệm trước đây của anh.
Ganch chia sẻ: “Lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự thoải mái khi được sở hữu một căn nhà. Tôi không để quyết định đó khiến mình căng thẳng và không còn lo lắng về việc phải tiết kiệm từng đồng.”
Quan điểm của Ganch thay đổi sau khi đọc “Die with Zero” của Bill Perkins, một cuốn sách nhấn mạnh về việc cân bằng giữa độc lập tài chính và tận hưởng những trải nghiệm ở hiện tại, không chỉ tập trung vào tiết kiệm cho tương lai.
Nhìn lại cuộc sống trước đây, Ganch ước rằng anh đáng lẽ nên thoải mái với những sự kiện đặc biệt ở tuổi 20, chẳng hạn như tiệc độc thân mà anh không dám chi tiền để tham gia cùng bạn bè vì ngại mua vé máy bay.
Hiện tại, Ganch vẫn không hối hận với quyết định nghỉ hưu sớm và việc sở hữu số tiền tiết kiệm của mình. Tuy nhiên, anh đã chi tiêu thoải mái hơn. Theo, Ganch, điều khiến anh hối tiếc nhất không phải là việc chi tiêu mà chính là suy nghĩ của mình.
Giống câu chuyện của Ganch, Alex Trias cũng ước bản thân không quá ám ảnh về việc đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm. Trước khi nghỉ hưu ở tuổi 41 và chuyển đến Bồ Đào Nha cùng vợ, ông đã có nhiều năm “đau đầu” vì những khoản đầu tư của mình.
Chia sẻ với CNBC, Trias nói: “Chính suy nghĩ ở thời điểm đó đã làm tôi hối hận. Tôi từng bị ám ảnh mọi lúc về việc làm thế nào để đầu tư ở mức giá thấp rồi chờ để bán khi giá cao hơn. Tôi luôn ở trong trạng thái lo lắng và bỏ lỡ nhiều thứ với suy nghĩ này.”
Sam Dogen, nhà sáng lập của trang web Financial Samurai, cũng ước mình đi làm thêm vài năm trong khi quyết định nghỉ hưu khi 34 tuổi. Ông nói: “Bây giờ tôi mới nhận ra mình còn quá trẻ khi nghỉ hưu.”
Khi đó, nhiều người cho rằng Dogen quá liều lĩnh và vừa bước vào những năm tháng kiếm được nhiều tiền nhất. Ông từng làm việc 13 năm trong ngành ngân hàng đầu tư và sau đó nghỉ việc với tài sản ròng khoảng 3 triệu USD, cùng 80.000 USD thu nhập thụ động hàng năm.
Tuy nhiên, nếu đi làm lâu hơn, Dogen có thể tiết kiệm được nhiều hơn để nghỉ hưu và có nhiều cơ hội mới. Dogen nói: “Khi đó, tôi đáng lẽ ra nên ở lại thêm vài năm và tìm một vị trí làm việc ở một văn phòng khác. Tôi luôn muốn làm việc ở nước ngoài, như Bắc Kinh hay London.”
Tham khảo CNBC