Người có EQ thấp thường xuất hiện 3 biểu hiện này, nhận biết ngay để sàng lọc mối quan hệ, chọn bạn mà chơi
Một biểu hiện của người có EQ thấp là dùng quan điểm của mình để áp đặt lên cuộc sống của người khác, không chừa lại đường lui cho họ.
Trong giao tiếp hàng ngày, ai cũng muốn mình ăn nói thông minh, ứng xử tài tình, được người khác yêu thích. Thế nhưng nói thì dễ nhưng làm mới khó!
Học cách nói chuyện, rèn luyện EQ cao không phải ngày một ngày hai, mà cần phải trau dồi liên tục, biết cách lắng nghe và thấu hiểu, sống chậm lại một chút, suy nghĩ rồi mới nói.
Đôi bên lời qua tiếng lại, chỉ một hành động nhỏ, một câu lỡ lời cũng đủ khiến mối quan hệ sứt mẻ, thậm chí tan thành mây khói, trở mặt thành thù. Cũng giống như 3 biểu hiện của người có EQ cực tệ này:
1. Không hiểu dụng ý trong lời nói của người khác
Bạn đến thăm nhà một người bạn, đối phương nói rằng đã muộn rồi, sao bạn không ở lại dùng bữa. Bạn đồng ý ngay lập tức. Thế nhưng lúc này, trong phần lớn trường hợp, chúng ta nên khéo léo lựa lời để ra về thì hơn.
Trên đường đi tình cờ gặp một vài đồng nghiệp, biết chắc họ đã có cuộc hẹn nào đó mà không có mình. Người có EQ cao thì nói lời tạm biệt, người không hiểu thì lại đòi tham gia buổi hẹn ấy mà không biết rằng “nếu họ đã muốn có bạn trong buổi gặp mặt này thì đã hẹn từ trước”.
Thậm chí ở nhiều trường hợp, không hiểu được dụng ý của người khác còn là biểu hiện của sự ích kỷ vì chỉ biết nghĩ đến cảm xúc của bản thân. Nếu điều này cứ tiếp diễn, bạn sẽ không có bạn bè, tự phá hủy các mối quan hệ.
Nên nhớ rằng, cho dù đôi bên có thân thiết đến đâu, vẫn sẽ có một giới hạn, ranh giới nhất định. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, do đó nên trải nghiệm nhiều để nắm bắt lòng người, hiểu rõ dụng ý trong câu nói của đối phương để ứng xử khéo léo, từ chối thông minh.
2. Không cho người khác đường lui
Trong cuộc sống, dù lương thiện đến mấy, bạn cũng khó lòng thoát được cảnh bị một số người chán ghét, ghen tị. Thậm chí trong các mối quan hệ bình thường, lắm lúc đôi bên cũng xảy ra mâu thuẫn, cự cãi, bất hòa. Lúc này, người có EQ cao thì nên biết kiểm soát cảm xúc, tránh nói lời tuyệt tình, quá trớn. Bởi lẽ cho dù hoàn toàn đúng trong câu chuyện này, nhưng một khi đã buông lời xúc phạm, vạch trần người khác, bạn đã không khác gì “kẻ phản diện”.
Một tình huống đơn giản trong cuộc sống hàng ngày là: Đồng nghiệp chia sẻ họ không thích ăn món này. Nhưng bạn lại tỏ ra không hiểu và khẳng định đối phương không biết thưởng thức ẩm thực, không có gu ăn uống. Hành động này chính là biểu hiện của EQ thấp, bạn đang dùng quan điểm của mình để áp đặt lên cuộc sống của người khác, không chừa lại đường lui cho họ.
Sống ở đời, đừng dùng cảm giác ưu việt của mình chà đạp lên sự thiếu sót, bất đồng của người khác, mà hãy cho họ một bậc thang, một đường lui, một không gian riêng tư. Đây là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc cao.
3. Tranh cãi về những việc không liên quan đến mình
Tranh cãi với người khác là việc tốn thời gian và sức lực nhất trên đời này, càng vô nghĩa hơn khi tranh cãi rất lâu về những việc không liên quan gì đến mình.
Biểu hiện này cũng bao gồm thói quen thích xen vào chuyện của người ta. Đồng nghiệp đang bàn tán xôn xao về người nào đó trong công ty, bạn thích nghe chuyện thị phi và tham gia. Thế là bạn phán xét, nghĩ xấu về đối tượng bị bàn tán ấy trong khi thông tin chưa hề được xác nhận tính đúng đắn.
Thích nói về chuyện không liên quan đến mình vừa lãng phí thời gian vừa rước họa vào thân, tạo ấn tượng xấu trong mắt người khác rằng bạn chỉ là một kẻ nhiều chuyện, đánh mất lòng tin.