Ngoài Việt Nam, hôm nay cũng có đến 4 đất nước khác cùng hân hoan đón Giao thừa từ năm Mậu Tuất sang Kỷ Hợi
Ngoài Việt Nam, ngày hôm nay cũng có đến 4 đất nước khác cùng hân hoan đón chào năm mới sang trong tiếng pháo hoa vang trời.
Tết Nguyên Đán là một dịp lễ vô cùng quan trọng với người dân Việt Nam. Tết Nguyên Đán được tính theo lịch mặt trăng, vì thế thường trễ hơn ngày đầu tiên của năm dương lịch khoảng 1-2 tháng. Ngoài Việt Nam, ngày hôm nay cũng có đến 4 đất nước khác cùng hân hoan đón chào năm mới sang trong tiếng pháo hoa vang trời.
Trung Quốc
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc. Thường người Trung Quốc xa nhà sẽ về quê ăn Tết sớm từ ngày 8/12. Thời điểm này nhiều người dân cũng bắt đầu sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị lễ lạt cho những ngày cuối năm.
Vào ngày cuối cùng của năm, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau ăn một bữa cơm ấm cùng và đầy đủ. Thông thường, trong bữa ăn ngày cuối năm này luôn có món cá, bởi theo quan niệm của người Trung, cá mang lại sự giàu có. Đêm Giao thừa, khắp mọi nơi trên đất nước sẽ rộn ràng tiếng pháo hoa, theo truyền thống, người ta tin rằng tiếng ồn lớn của pháo nổ để xua đuổi tà ma và xui xẻo.
Và sau khi năm mới đã sang, người ta sẽ trao cho nhau những chiếc phong bao lì xì đỏ, tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc trong năm mới. Người dân Trung Quốc cũng rất hào hứng với các hoạt động múa lân, múa rồng, gõ trống, nhảy múa trong ngày đầu tiên của năm mới, vì theo họ, điều đó sẽ mang lại may mắn cho năm mới.
Cũng giống như Việt Nam, vào những ngày đầu năm mới, mọi ngôi chùa trên khắp đất nước đều đông đúc, nhộn nhịp. Người dân đi chùa đầu năm, thăm vãn cảnh chùa và thắp hương, rút quẻ, cầu nguyện cho một năm mới nhiều bình an và phước lành.
Hàn Quốc
Đối với người Hàn Quốc, Tết Nguyên Đán là kì nghỉ lễ lớn nhất và cũng quan trọng nhất trong cả năm. Đây là dịp mà các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau chuẩn bị một bữa cơm để dâng lên tổ tiên.
Theo quan niệm của người Hàn, nếu ngủ vào đêm Giao thừa thì ngày hôm sau lông mi sẽ bạc trắng và đầu óc thiếu minh mẫn, vì thế, vào đêm Giao thừa mọi người thường ngồi bên nhau, cùng nhau xem các chương trình tivi hoặc ngắm pháo hoa. Trước đó, người Hàn sẽ tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục truyền thống và tiến hành những nghi lễ tổ tiên. Sau đêm giao thừa, người Hàn sẽ đốt những thanh tre để nhằm xua đuổi tà ma, xui xẻo.
Ngoài ra, mâm cỗ cúng ngày đầu năm của người Hàn Quốc là mâm cỗ được chuẩn bị công phu và kì công nhất. Theo truyền thống, mâm cúng phải được chia thành 5 hàng, với rất nhiều các món ăn khác nhau và được bày biện trước bài vị tổ tiên để tỏ lòng thành kính và biết ơn.
Nghi thức độc đáo nhất trong ngày đầu năm mới của người Hàn chính là nghi thức cúi lạy. Đây là một nghi thức truyền thống thể hiện sự kính trọng sâu sắc của người trẻ dành cho những người lớn tuổi trong gia đình. Người cúi lạy sẽ phải quỳ xuống sàn nhà và mở rộng cánh tay của mình ra. Sau nghi lễ, cả nhà sẽ cùng nhau ăn bữa cơm cúng tổ tiên.
Mông Cổ
Tết cổ truyền của người Mông Cổ có tên là Tsagaan Sar (Mặt trăng trắng).theo lịch mặt trăng của Mông Cổ. Ngày lễ này diễn ra gần như cùng lúc với Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Đối với người Mông Cổ, đây là ngày kết thúc mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt và đón chờ một mùa xuân ấm áp, rực rỡ.
Vào ngày cuối cùng của năm, người Mông Cổ thường đặt 3 viên đá lạnh trước cửa nhà để thần ngựa Palden Lhamo tới thăm. Đêm Giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi quây quần bên nhau, uống trà và ăn uống tiệc tùng vui vẻ, xem những trận đấu vật truyền thống trên truyền hình.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Mông Cổ sẽ dậy sớm và đi chúc Tết người thân, bạn bè. Trước khi rời khỏi nhà, người dân sẽ làm lễ để chọn hướng xuất hành đem lại may mắn. Trong suốt 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc, màu trắng sẽ được ưu tiên hơn cả.
Singapore
Singapore là một trong những quốc gia Châu Á đón Tết âm lịch và tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc và náo nhiệt. Tết Nguyên Đán ở Singapore nổi bật nhất với 3 sự kiện: Lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay. Tất cả đều là những lễ hội đường phố náo nhiệt và vui vẻ.
Cũng giống như người dân các nước ăn Tết Nguyên Đán, đêm Giao thừa người dân cũng sẽ quây quần bên gia đình, giới trẻ thường ra phố, đến những nơi đông vui và ngắm nhìn pháo hoa. Các phong tục tập quán ở Singapore cũng đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều. Vì thế, vào những ngày này, người dân Singapore chủ yếu là tham gia lễ hội và các hoạt động vui chơi.
Tuy vậy, ngày đầu tiên của năm mới cũng là dịp để mọi thành viên gia đình trở về bên nhau và cùng ăn bữa cơm đầu năm. Trẻ em sẽ được ông bà, cha mẹ và họ hàng lì xì đầu năm bằng những phong bao đỏ may mắn. Đặc biệt, đối với người dân Singapore, quả quýt vàng chín mọng tương trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, phát tài phát lộc, vì thế mà đây cũng là món quà đầu năm đầy ý nghĩa dành tặng bạn bè, người thân.
(Tổng hợp)