"Ngó" Tết Hà Nội, Sài Gòn, mỗi miền một bản sắc

H.Trang - L. Minh. Ảnh: L.Minh, V.Linh. C.Toàn,
Chia sẻ

Tết dân tộc luôn có những giá trị bất dịch, tuy nhiên Tết ở hai miền vẫn có những điểm khác biệt mang bản sắc của mỗi vùng miền.




Tết về rõ nét nhất, rực rỡ nhất có lẽ là trên những cánh hoa. Đi chợ hoa, vì thế cũng là đi du xuân, thưởng Tết. Những chợ hoa lớn nhất Hà Nội như Hàng Lược, Quảng Bá đầu xuân thường ngập tràn sắc hồng của hoa đào. Hầu như mọi gia đình Hà Nội đều chọn cho mình một cây hoặc một cành đào để đem xuân về nhà.


Quất cũng là một loại cây cảnh quen thuộc được nhiều người Hà Nội chọn mua về trưng Tết. Một cây quất đẹp, dù là quất tán hay quất thế, phải hội đủ các yếu tố: lá già xanh đậm, có lộc (lá non), quả to tròn đều và vàng đẹp, sai quả, có quả non, có nhiều hoa.


Bên cạnh các loại hoa truyền thống như thược dược, lay ơn, thủy tiên, những loại hoa ngoại nhập cũng được nhiều người lựa chọn cho căn nhà ngày Tết thêm sinh động.


Đến với chợ hoa, bất kỳ người Sài Gòn nào cũng chọn mua cho nhà mình một chậu mai vàng để trưng Tết.


Bên cạnh hoa mai, người dân Sài Gòn cũng chuộng rất nhiều loại cây cảnh khác như cúc vàng, cúc mâm xôi, mào gà, quất hay các loại sứ kiểng, thanh long kiểng, bông giấy…


Tết có lẽ là thời điểm người Hà Nội tiêu thụ các loại đồ khô như miến dong, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, tôm khô, bóng bì... nhiều nhất trong năm. Các món ăn truyền thống như canh măng móng giò, canh bóng thả, nem rán, thịt đông... không thể thiếu những nguyên liệu kể trên.


Bánh chưng, giò chả và các loại xôi cũng không thể vắng mặt trong mâm cỗ của người Hà Nội.


Tết đến, những nguyên liệu như củ hành, củ tỏi, hột vịt, thịt heo… luôn cháy hàng vì người dân mua về để làm các món ăn quen thuộc trong Tết miền Nam: dưa hành, củ kiệu, thịt kho hột vịt…


Những thực phẩm làm sẵn như dưa hành, củ kiệu, dưa chua, kim chi, đậu que, chả lụa, giò thủ, lạp xưởng, tôm khô… cũng là những món ăn người dân Sài Gòn mua dự trữ để ăn Tết.


Bên cạnh bánh chưng, bánh Tét cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Sài Gòn.

 
Lá dong có lẽ cũng là mặt hàng rất "hot" những ngày cận Tết. Chợ lá dong Tràng Cát, Ngọc Liên ở Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội là chợ lá dong lớn nhất miền Bắc. Từ đây, lá dong tỏa về khắp các chợ to, chợ nhỏ, các ngóc ngách buôn bán của Hà Nội để đến tay người dân, sẵn sàng ôm ấp những hạt nếp căng tròn, đậu xanh thơm bùi, thịt mỡ béo ngậy, tạo thành những chiếc bánh chưng.


Bên cạnh những khu vực bán lá dong để gói bánh chưng, ở Sài Gòn còn có nhiều khu vực bày bán lá chuối để gói bánh Tét, là món bánh đặc trưng của miền Nam ngày Tết.


Bên cạnh thực phẩm, mâm ngũ quả cũng là thứ được các bà nội trợ Hà Nội chú trọng. Những thức quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả của người Hà Nội là chuối xanh và bưởi. Tùy điều kiện của từng gia đình, người ta sẽ mua thêm cam canh, quất, ớt đỏ, trứng gà (lekima), thanh long, nho, sung... cho mâm quả đầy đặn. Những loại quả được chọn mua thường mang màu sắc đỏ hoặc vàng, có hình tròn, xum xuê cành lá, thể hiện ước mong năm mới sung túc, viên mãn và giàu có.


Những quả phật thủ có mùi hương thơm dịu, sắc óng vàng, nhiều "ngón tay" có giá từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng cũng được người Hà Nội tìm mua để bày lên mâm ngũ quả.


Mâm ngũ quả miền Nam không thể thiếu 4 loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thể hiện triết lý rất thực tế và hồn nhiên của nhân dân: cầu (có tiền) vừa đủ xài. Loại quả thứ năm có thể là sung (vừa đủ xài đã rồi mới cần sung túc), thơm, bưởi...


Bên cạnh mâm ngũ quả, bàn thờ Tết của người miền Nam không thể thiếu một cặp dưa hấu.


Phố Hàng Mã dịp Tết cũng sôi nổi hơn hẳn với những gian hàng bán bao lì xì, đồ trang trí nhà cửa, trang trí cây cảnh...


... và các cây vàng tài lộc bày ban thờ.


Tuy nhiên, không riêng gì con phố này, các quầy hàng bán bao lì xì có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu hoặc hoặc trên các xe đạp rong khắp phố phường Hà Nội.


Ở Sài Gòn, con đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) mùa Tết rực đỏ bởi sắc màu của những bao lì xì và đồ trang trí Tết.


Bên cạnh bao lì xì, đồ trang trí Tết như pháo, đèn lồng đỏ, những câu liễn, câu đối Chúc Mừng Năm Mới, Tấn Tài Tấn Lộc… chợ lì xì còn bán nhang đèn và những đồ thờ cúng Tết.


Thư pháp cũng là một nét độc đáo của chợ Tết ngày xuân. Năm nay, các ông đồ không còn ngồi ở vỉa hè phố Quốc Tử Giám nữa mà phải trải qua một kỳ thi sát hạch để vào viết trong các lều, tập trung ở Hồ Văn, Quốc Tử Giám. Ở Hà Nội, người xin chữ thường thích mua những bức thư pháp chữ Hán, thường là những chữ "Trí", "Tâm", "Phúc"... hoặc một bài thơ.


Ở Sài Gòn, chợ thư pháp họp dọc các con đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Định.


Các ông đồ ở Sài Gòn chủ yếu viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ. Những chữ “Tài, Phúc, Lộc” được nhiều người đặt viết vào dịp Tết. Ngoài ra còn có những câu đối, câu liễn như "An khang thịnh vượng", "Vạn sự như ý", "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", "Tân niên tân phúc tân tri kỷ/Vạn lộc vạn tài vạn công danh"...
.
Chia sẻ