Ngộ độc thực phẩm: Mối nguy từ suất ăn chế biến sẵn
Phân tích hơn 1.000 vụ ngộ độc được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật. Đặc biêt, 70% vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng xuất ăn từ nơi khác chuyển đến.
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận 22 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Trước đó, trưa ngày 28-6, 22 bệnh nhân này cùng đi dự đám cưới trên địa bàn TP Huế. Sau khi ăn đám cưới, 22 người trên đã xuất hiện những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nôn mửa và được người nhà đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.
Trước đó, ngày 29-5, 135 em học sinh tại trường Tiểu học xã N’Thôl Hạ (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã bị ngộ độc do ăn bánh mì của một nhóm từ thiện cung cấp...
Tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng khi mùa hè tới, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể.
Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 31-5, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người.
Diễn tập ứng phó một tình huống ngộ độc thực phẩm tại trường học ở Hà Nội
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2015-2019, số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình/năm, số người mắc, số người nhập viện và tử vong trung bình/năm đều giảm so với giai đoạn 2010-2014. Tính chung từ năm 2010 - 2019, cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 47.400 người mắc; trong đó có 271 người chết, gần 40.190 người phải nhập viện điều trị.
Phân tích từ 1.604 vụ ngộ độc được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%)…
Đối với các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp, từ năm 2010 đến năm 2019, cả nước ghi nhận 149 vụ với 10.847 người mắc, 9.889 người nhập viện. Trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với 1.135 người mắc và 1.084 người nhập viện.
Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp xảy ra nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Bộ và Bắc Bộ, tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (đặc biệt là giai đoạn 2015-2019).
Tính riêng tại tỉnh Đồng Nai, giai đoạn từ năm 2016-2019 xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và tại các cơ sở nấu suất ăn công nghiệp làm 701 người mắc. Nguyên nhân chính gây nên ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể tại Đồng Nai là do việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được chặt chẽ, giá trị mỗi suất ăn thấp (chỉ từ 11.000-14.000 đồng); cơ sở vật chất của các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn vẫn còn nhiều hạn chế…
Còn tại TP HCM từ năm 2015-2019, TP có 22 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học với 196 người mắc. Nguyên nhân là do quá trình chế biến, vận chuyển suất ăn khiến cho vi sinh vật xâm nhập gây ngộ độc.
Khuyến nghị dinh dưỡng suất ăn công nhân
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học... vẫn có thể xảy ra. Một trong những vấn đề đáng chú ý là việc các bếp ăn tập thể sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không bảo đảm an toàn.
Mối nguy lớn nhất chính là từ các suất ăn chế biến sẵn. Qua kiểm tra giám sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.
Để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ đặc trách nắm chắc các đối tượng, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng khu chế xuất, khu công nghiệp, từng bếp ăn tập thể. Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất chính sách can thiệp về giá thành tối thiểu, khuyến cáo về định mức dinh dưỡng của một suất ăn sẵn cho công nhân. Bởi nếu công nhân ăn uống không đủ chất hay ngộ độc thực phẩm là những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho đơn vị, ký cam kết giữa doanh nghiệp với y tế địa phương, Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp.
Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở chế biến thực phẩm, công khai các vi phạm.