Ngộ độc thực phẩm: Lời cảnh báo ngay từ hè phố

,
Chia sẻ

Đôi tay “đa năng” đen nhẻm thoăn thoắt bốc bánh phở, cầm giẻ lau bàn, bắc nồi… với chiếc tạp dề dính đầy mỡ và vô số các vết thâm đen, chỉ một phút là xong bát phở bò tái.

Cô phục vụ đon đả mang tới bàn chúng tôi. Mở rộng tầm quan sát ra phía sau nhà, những chồng bát cao ngất nằm lăn lóc cạnh cống đầy ruồi nhặng.

Những hình ảnh dễ thấy ở các cơ sở chế biến thực phẩm

Khách hàng cứ vô tư “thưởng thức” món ăn lẫn với bụi và khói dày đặc bởi mật độ xe qua lại quá đông.

Nghĩ đến những gì mình vừa thấy tận mắt tôi bịt miệng, lắc đầu không ngao ngán, người bạn đi cùng an ủi: “Ở đây quán nào chẳng vậy, cố ăn đi cho khỏi đói”.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, thức ăn đường phố phần lớn đều bị nhiễm bẩn do bụi, khói, do chế biến không đảm bảo vệ sinh. Với thực trạng chế biến thức ăn như thế và quan niệm “nhắm mắt làm ngơ” của đa số người dân thì việc bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột, nhiễm các loại giun, sán qua thức ăn hè phố là điều rất dễ xảy ra.

Dọc đường Trường Chinh (quận Tân Bình) nối dài với QL 22 đi Củ Chi có hàng trăm quán ăn với nước trà đá “miễn phí” được lấy từ nước máy có khi là nước giếng.

Vào một quán nhậu các món chuyên về ốc trên đường Tô Ký (quận 12), chúng tôi chứng kiến cảnh cô nhân viên phụ việc tên Hạnh xách thùng ra vòi nước trước quán lấy nước giếng để chế thêm vào thùng trà đá đặt ngay trước mặt chúng tôi. Tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi thắc mắc “Sao lại lấy nước đó, ai dám uống?”. Không cần suy nghĩ, cô gái trả lời ngay: “Bao nhiêu năm chúng em vẫn làm vậy, nước giếng hơi khó uống nhưng bỏ đá vào rồi cho thêm ít trà là hết mùi, uống tốt”.

Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, qua 320 mẫu nước giếng khoan ở các huyện vùng ven thành phố, hơn 54% nhiễm vi sinh, nhiễm amoniac, pH, độ đục, độ màu còn nhiễm sắt, mangan và nồng độ nitrate vượt cao so với giới hạn cho phép. Nên việc uống các loại trà đá miễn phí nên cẩn trọng.

Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2009 được triển khai thực hiện với chủ đề “Cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”. Đã đến lúc đánh động lương tâm của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Trung Kiên
Dân trí
Chia sẻ