Hãi hùng chè thập cẩm
Tuy mới vào đầu mùa hè nhưng tại các cổng trường học và khu dân cư, trên vỉa hè, nhiều quán chè thập cẩm đua nhau mọc lên và khá đắt khách.
Đường “siêu ngọt” + bột “siêu nhừ” +...= chè thập cẩm
Tại một quán chè thập cẩm trên phố Đội Cấn, phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm được một chỗ ngồi trên vỉa hè, cạnh cống thoát nước. Tuy mới đầu buổi chiều nhưng quán chè này đã đông nghẹt khách. Xe máy, xe đạp để la liệt dưới lòng đường. Khách hàng chủ yếu của quán là học sinh.
Trong khi chờ đợi, chúng tôi không khỏi rùng mình khi thấy những tô chè đã được nấu chín không có nắp đậy, chỉ được phủ hờ bằng một chiếc khăn xô đen xì để trên 1 chiếc bàn cáu bẩn. Mỗi khi bán cho khách, người chủ quán mở khăn, lấy chiếc thìa ruồi bu đầy múc chè, thậm chí còn dùng tay không đeo găng bốc hạt sen, trân châu cho vào cốc.
Chè được bày la liệt nhưng không có nắp đậy |
Dưới chiếc bàn là một thùng đựng đá lõng bõng nước. Thấy sắp hết đá, người bán hàng gọi điện và chỉ 10 phút sau, một thanh niên chở đá đến. Đó là một khúc đá cây, được bọc sơ sài bằng giấy báo cũ. Nhanh thoăn thoắt, nhân viên bán hàng dùng búa sắt đã gỉ đập nhỏ đá rồi bốc vào cốc chè cho khách!
Khi được hỏi “ăn chè vỉa hè có sợ ngộ độc không”, em Vũ Bích Hà - một học sinh lớp 8 hồn nhiên trả lời: “Em cũng đã từng bị đau bụng nhưng thà uống thuốc còn hơn là phải nhịn ăn chè. Biết ngồi ngoài đường thế này là mất vệ sinh nhưng chè ở đâu chẳng vậy, có quán có bàn ghế trong nhà hẳn hoi nhưng còn bẩn hơn”…
Được biết nhiều quán chè thập cẩm hiện nay sử dụng đường “siêu ngọt” để chế biến chè. Theo những người bán hàng, đây là đường mía (vì có in hình cây mía bên ngoài bao bì), đường không ở dạng hạt mà là những mảnh vuông, trong suốt.
Điều đáng nói là mỗi kilôgam đường “siêu ngọt” giá chỉ trên 30.000 đồng song độ ngọt của nó cao gấp nhiều lần đường kính, lại có mùi thơm đặc biệt. Loại đường này nhập từ Trung Quốc, được bày bán khá nhiều tại chợ Đồng Xuân. Mỗi nồi chè chỉ cần cho khoảng nửa thìa đường là đã ngọt lừ.
Ngoài ra, để ninh hạt sen và đỗ nhanh nhừ, một số người bán hàng còn sử dụng một loại bột mà chỉ cần cho vào nồi đang sôi vài phút đã khiến các loại hạt có thể nhừ như ninh hàng giờ. Điều đáng nói là đường “siêu ngọt” và bột “siêu nhừ” không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, không được kiểm định về chất lượng.
Một trong những thành phần không thể thiếu trong các cốc chè thập cẩm là phẩm màu và các loại trân châu đủ loại nhưng cũng không có nhãn mác. Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng thì một số cửa hàng chè thập cẩm còn sử dụng Cyclamate - chất tạo ngọt không nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.
Gần 8.000 người bị ngộ độc trong 1 năm
Trong năm 2008 tình trạng ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam đã ở mức đáng báo động. Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, tuy số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm có giảm nhưng số người mắc và tử vong lại tăng đáng lo ngại.
Chỉ trong một năm, cả nước xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 8.000 người mắc và trên 60 người tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, hàng năm Việt Nam có khoảng hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc từ thực phẩm, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.
Điều đáng nói là tại Việt Nam hiện nay chưa có tổ chức hệ thống thanh tra chuyên ngành VSATTP. Do đó, năng lực xét nghiệm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh, hormon, độc tố trong thực phẩm còn rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc điều hành các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp, còn nhiều bất cập. Tuy hành lang pháp lý, cụ thể là các quy định về tiêu chuẩn điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh đã khá đầy đủ song trên thực tế, các quy định này vẫn bị xem nhẹ.
Mùa hè đến kéo theo nguy cơ xảy ra dịch tiêu chảy cấp là rất lớn. Để ngăn chặn việc xảy ra ngộ độc thực phẩm, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị kinh doanh hàng ăn uống, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là các hàng ăn vỉa hè…