Nghĩ nốt sùi trên sống mũi là nốt ruồi nên không đi khám, người phụ nữ phải đối mặt với bệnh ung thư
Ung thư biểu mô tế bào đáy là một dạng phổ biến của ung thư da. Ung thư biểu mô tế bào đáy phát triển chậm và thường phát triển ở phần đầu và cổ.
Không nghĩ mình bị ung ung thư biểu mô tế bào đáy vì nốt sùi
Đến viện khám vì có một nốt sùi trên sống mũi, bà Phạm Thị C. 59 tuổi trú tại Thanh Sơn - Uông Bí - Quảng Ninh, rất bất ngờ khi được các bác sĩ chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy.
Bà C. cho biết, nốt sùi này xuất hiện khoảng 2 năm nay, thỉnh thoảng có hơi đau nhức, nhưng nghĩ chỉ là nốt ruồi bình thường nên bà chủ quan không đi khám. Thời gian gần đây bà C. thấy nốt sùi to nhanh, dễ chảy máu khi rửa mặt bà đã đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khám.
Bác sĩ Tạ Thị Chà (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) cho biết: "Bà Phạm Thị C. có một nốt sùi ở trên sống mũi kích thước 1x2 cm có biểu hiện sưng, đau, chảy máu khi thăm khám. Nghi ngờ đây là biểu hiện của ung thư da, nên bệnh viện đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm mô bệnh học và có kết luận là Ung thư biểu mô tế bào đáy".
Ung thư biểu mô tế bào đáy là một dạng phổ biến của ung thư da. Ung thư biểu mô tế bào đáy phát triển chậm và thường phát triển ở phần đầu và cổ. Nếu không phát hiện sớm tổn thương có thể lan rộng, xâm lấn tổ chức xung quanh gây biến dạng và làm rối loạn chức năng của các cơ quan lân cận như mũi, miệng, mắt. Thông thường trong quá trình phát triển bệnh sẽ không có biểu hiện rõ ràng hay bất thường vì vậy đôi khi dễ bị bỏ qua. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cắt bỏ rộng thương tồn, tiên lượng của bệnh rất tốt.
Vì vậy người dân cần thận trọng khi thấy xuất hiện những bất thường trên da, dù là nhỏ nhất cũng nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Tránh tâm lý chủ quan khiến bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho quá trình điều trị, bác sĩ Tạ Thị Chà khuyến cáo.
Ung thư biểu mô tế bào đáy là gì?
Ung thư biểu mô tế bào đáy thường xuất hiện dưới dạng vết sưng hơi trong suốt trên da, mặc dù nó có thể có các dạng khác, xảy ra thường xuyên nhất trên các khu vực của da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như đầu và cổ.
Biến chứng của ung thư biểu mô tế bào thường là:
Nguy cơ tái phát: Ngay cả sau khi điều trị thành công, một tổn thương có thể xuất hiện trở lại, thường ở cùng một nơi.
Tăng nguy cơ mắc các loại ung thư da khác: Tiền sử ung thư biểu mô tế bào đáy cũng có thể làm tăng cơ hội phát triển các loại ung thư da khác như ung thư biểu mô tế bào vảy.
Ung thư lan ra ngoài da các dạng ung thư biểu mô tế bào đáy hiếm gặp có thể xâm lấn và phá hủy các cơ, dây thần kinh và xương gần đó.
Phòng ngừa ung thư biểu mô tế bào đáy
Hầu hết các ung thư biểu mô tế bào đáy được cho là do tiếp xúc lâu dài với tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời. Để có thể giảm nguy cơ ung thư biểu mô tế bào đáy theo các chuyên gia y tế chúng ta cần tránh ánh nắng mặt trời khi tia sáng của nó mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Sử dụng kem chống nắng quanh năm. Chọn một loại kem chống nắng ngăn chặn cả hai loại bức xạ UVA và UVB từ mặt trời và có SPF ít nhất là 15. Thoa kem chống nắng một cách hào phóng, và bôi lại sau mỗi hai giờ - hoặc thường xuyên hơn nếu bạn bơi hoặc ra mồ hôi.
Mặc quần áo bảo hộ. mặc quần áo dài che tay chân và đội chiếc mũ rộng vành giúp bảo vệ nhiều hơn, có thể đeo kính râm giúp bảo vệ hoàn toàn khỏi cả tia UVA và UVB.