Tưởng chỉ là sợi lông mọc ngược vô hại ở vùng kín, ai ngờ lại là dấu hiệu của bệnh ung thư hiếm gặp
"Khi nhận được chẩn đoán, tôi đã rất hoảng sợ. Nỗi lo sợ khiến toàn thân tôi tê liệt. Bản thân tôi chưa từng nghe nói tới ung thư âm hộ", người phụ nữ 29 tuổi cho hay.
Bác sĩ đa khoa xác nhận với Marisa Strupp, 29 tuổi, rằng, chẳng có gì nghiêm trọng hết bởi vùng da xung quanh cục u nhỏ - mà cô đinh ninh rằng đó là do hiện tượng lông mọc ngược (ingrown hair) - vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Nữ quản lý dự án ở Milkwaukee, Wisconsin (Mỹ) mong muốn cắt bỏ cục u đó. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, cô đã trì hoãn cuộc phẫu thuật tới 5 tháng.
Mãi tới tháng 8 năm 2018, Marisa mới đi kiểm tra. 3 tuần sau, cô được chẩn đoán mắc ung thư âm hộ.
Lầm tưởng tai hại
"Khi nhận được chẩn đoán, tôi đã rất hoảng sợ. Nỗi lo sợ khiến toàn thân tôi tê liệt", Marisa kể lại. Bản thân cô thừa nhận chưa từng bao giờ nghe nói tới ung thư âm hộ. "Tôi chỉ nghĩ rằng cục u đó là do lông mọc ngược gây nên. Và bởi bác sĩ khiến tôi rất yên tâm, rằng chẳng có gì đáng phải lo cả. Tôi chọn lo công việc cho xong rồi mới phẫu thuật loại bỏ cục u. Hơn nữa, tôi cũng đang rất bận rộn nên cũng chưa vội đi khám".
Mãi tới tháng 8 năm 2018, Marisa mới đi kiểm tra. 3 tuần sau, cô được chẩn đoán mắc ung thư âm hộ. 2 tuần lễ sau chẩn đoán, Marisa trải qua ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng đồng hồ để loại bỏ khối u và 4 hạch trung tâm do bệnh ung thư âm hộ đã sang giai đoạn di căn.
Hiện Marisa vừa kết thúc 1 năm điều trị bằng liệu pháp miễn dịch Opdivo gồm 12 đợt. Kết quả chụp chiếu sẽ cho cô biết, liệu pháp miễn dịch này có hiệu quả hay không.
Mặc dù vẫn phải vật lộn với những tác dụng của biện pháp điều trị ung thư âm hộ, Marisa khẳng định chắc chắn rằng, căn bệnh sẽ không làm thay đổi con người cô. Marisa cũng cho biết, việc chia sẻ câu chuyện của mình lên Instagram và tìm được sự đồng cảm từ những bệnh nhân ung thư trẻ tuổi khác đã giúp cô rất nhiều.
"Tôi không phải nạn nhân của ung thư!"
"Bệnh ung thư đã lấy đi quá nhiều thứ của tôi. Và tôi sẽ không quỵ ngã hay để nó thay đổi mình. Tôi không phải nạn nhân của ung thư. Tôi đang đánh bại nó. Tôi sẽ nói rằng, như vậy không có nghĩa là tôi không phải trải qua những ngày chỉ biết ngồi một chỗ và khóc. Tôi vẫn có những ngày như vậy chứ. Tôi căm ghét những thứ mà ung thư đã cướp đi khỏi tôi. Tôi căm ghét cái cách ung thư khiến tôi cảm nhận về bệnh tật và chỉ thấy tràn ngập cảm giác kinh hoàng. Nhưng tôi luôn ghi nhớ rằng, tôi mạnh mẽ hơn căn bệnh ung thư".
Ung thư âm hộ là dạng ung thư có xu hướng thường gặp ở những phụ nữ lớn tuổi hơn nhiều so với Marisa, thường là trên 65 tuổi.
Theo Cancer Research UK, 1.3000 người được chẩn đoán mắc ung thư âm hộ ở Anh mỗi năm. Trung bình mỗi năm, hơn 40% trường hợp mới được phát hiện bị ung thư âm hộ thuộc nhóm phụ nữ từ 75 tuổi trở lên.
Ung thư âm hộ là gì?
- Ung thư âm hộ là một dạng ung thư ở cơ quan sinh dục bên ngoài của nữ giới.
- Ung thư âm hộ chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ trên 65 tuổi, hiếm gặp ở phụ nữ dưới 50 tuổi - những người chưa trải qua giai đoạn mãn kinh.
- Theo NHS, khoảng 1.300 trường hợp mắc ung thư âm hộ mới được ghi nhận ở Anh mỗi năm.
- Tiên liệu bệnh với bệnh nhân ung thư âm hộ phụ thuộc lớn vào độ tuổi và sức khỏe nói chung của họ. Khoảng 6/10 phụ nữ sống sót trong ít nhất 5 năm sau điều trị.
- Tuy nhiên, ung thư âm hộ có thể trở lại sau giai đoạn điều trị thành công. 1/3 số bệnh nhân ung thư âm hộ gặp phải trường hợp này.
- Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư âm hộ nhưng bệnh phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, người hút thuốc lá và những người liên tục mắc các bệnh nhiễm trùng do HPV gây nên.
- Do đó, nguy cơ mắc ung thư âm hộ của bạn có thể giảm xuống nếu bạn tiêm vắc-xin ngừa HPV cũng như bỏ thuốc và thực hành quan hệ tình dục an toàn.
Triệu chứng ung thư âm hộ
- Triệu chứng ung thư âm hộ gồm đau, rát hoặc ngứa dai dẳng ở âm hộ, phần ngoài của âm đạo bao gồm môi âm hộ, âm vật và các tuyến.
- Làn da xung quanh âm đạo có thể trở nên dày hơn, nhô lên hoặc chuyển sậm màu và trên đó có thể xuất hiện một khối tăng trưởng có dạng mụn cóc sinh dục.
- Các triệu chứng rõ ràng khác bao gồm chảy máu từ âm hộ, dịch tiết âm đạo có lẫn máu cùng với vết loét hở trong âm hộ, nốt ruồi thay đổi và cảm giác đau rát khi tiểu tiện.
Điều trị ung thư âm hộ
Cách điều trị ung thư âm hộ thường là phẫu thuật lấy đi khối bướu và một ít mô lành xung quanh. Đôi khi cần phải cắt âm hộ toàn bộ nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, khối bướu lớn. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.