Con nghỉ dịch mà không cuồng chân vì mẹ bày đủ trò hay, tốn 15 phút mỗi ngày mà nhà nào cũng áp dụng tốt
Chị Phạm Huyền (Hà Nội) có đủ chiêu để khiến các em bé vui vẻ ở nhà, quan trọng hơn cả là còn dạy được con bao nhiêu bài học cuộc sống.
“Trồng cây gây rừng” tại gia
Sống trong khu đô thị sinh thái ngập tràn cây cối ở Hà Nội, những ngày nghỉ học ở nhà tránh dịch của hai bé Tôm (9 tuổi) và Tép (5 tuổi) cũng mang đậm sắc xanh. Để tránh việc hai cậu con trai “cuồng chân”, mẹ Phạm Huyền đã bày vẽ đủ trò cho con vừa chơi, vừa học hỏi những kiến thức tự nhiên và xã hội một cách vui vẻ.
Mới nhất là trò “phủ xanh Việt Nam” dành cho cậu bé Tép và cô bạn hàng xóm. Nguyên liệu rất đơn giản, chỉ cần giấy, bông, hạt giống và khay đựng, chơi cũng dễ mà hiệu quả thì vui tuyệt đối. Đầu tiên, chị cắt giấy tạo thành hình bản đồ, sau đó thấm ẩm bông đặt vừa vào khuôn hình vừa tạo. Sau đó, chị hướng dẫn các bé gieo hạt đều và kín lên lớp bông ẩm. Hằng ngày, các bạn nhỏ tưới nước cho cây nảy mầm, đến khoảng 7 ngày là cây lên hết là mô hình đã rất đẹp rồi.
Hành trình "phủ xanh Việt Nam" của Tép và cô bạn hàng xóm, từ khi gieo mầm cho đến lúc hạt nở thành cây con.
Chị Huyền hào hứng chia sẻ: “Ngoài việc có 1 hình bản đồ xanh rất bắt mắt, các bố mẹ có thể dạy con về bảo vệ môi trường, yêu những khoảng không gian xanh bằng cách cắt một phần cây rồi để con so sánh giữa 2 phần để xem phần nào đẹp hơn. Khi các hạt giống lớn thành rau mầm, bé sẽ rất hào hứng khi được thưởng thức bữa ăn từ thành quả lao động của mình.
Tép làm salad với rau mầm mình trồng và cà chua bi hình trái tim.
Trò chơi này cũng có thể rèn luyện tính kiên nhẫn và tình yêu thương (khi các bé phải duy trì việc tưới nước cây) nữa. Hôm nào ra tưới cây, bạn Tép cũng ngân nga hát, bảo là phải hát để cho cây mau lớn. Thấy con mê quá, mình mua thêm dưa chuột cho con trồng. Thế là sáng sáng con tự nguyện ra tưới cây, đếm hoa, hát cho cây nghe để dưa chuột ngon ngọt”.
Tép yêu thiên nhiên hoa cỏ, thích hát cho cây nghe để cây mau lớn.
Chị Huyền tiết lộ thêm, mặc dù là người có xu hướng yêu môi trường, thường truyền cảm hứng cho hai con, nhưng chị không phải là người cực đoan nhất trong nhà. Thực ra “quán quân” trong nhà lại là bạn Tôm. Nếu cậu em Tép lém lỉnh thì Tôm lại là chú bé chỉn chu và nguyên tắc.
Ví dụ khi đi ăn uống, mua trà sữa hay nước mía bên ngoài, cả nhà thường mang theo bình và ống hút cá nhân. Nhưng nếu bố mẹ có thể thỏa hiệp, du di một chút thì Tôm sẽ kiên quyết nhịn luôn nếu lỡ quên.
Có lần khác, Tôm cùng bố đi siêu thị mua đồ. Cậu bé không muốn bố dùng nilon đựng táo. Bố phải thuyết phục rằng không thể bắt nhân viên siêu thị cân từng quả được, Tôm đành chấp nhận nhưng vẫn không hài lòng. Đến khi phát hiện ra bố quên không đem theo túi vải (nguyên tắc của cả nhà 4 người là khi đi mua đồ, ai cũng phải mang túi vải cá nhân) và phải dùng túi nilon, cậu bé dỗi bố luôn.
Tôm cũng yêu môi trường, nhưng theo cách "cứng rắn" hơn.
“Bạn Tôm thực hiện rất tốt việc bảo vệ môi trường, thậm chí kiểm soát cả nhà theo nguyên tắc. Nhà mình bây giờ gần như không dùng nilon, kể cả nilon đựng rác hay túi đựng, màng bọc thực phẩm. Trữ đông hay trữ lạnh đều chỉ dùng hộp. Hành động của bố mẹ cũng phải nhất quán với những gì mình dạy thì con mới tin mình được” - chị Huyền chia sẻ.
Trữ cả kho “đồng nát” trong nhà để con có những ngày tránh dịch vui
Như nhiều bạn nhỏ khác, Tôm và Tép đã ở nhà suốt 2 tháng để nghỉ dịch Covid-19. Nhưng đúng với tiêu chí “ở nhà vẫn vui”, mỗi ngày chị Huyền đều bày ra trò gì đó để các con xả năng lượng.
Thực ra, trước mùa dịch này, bạn Tép đã có “kinh nghiệm” ở nhà dài hơi vào năm ngoái, khi cậu bé bị thủy đậu. Phải ở trong nhà kiêng gió, chỉ đi lên đi xuống trong nhà, thời gian đó Tép rất buồn và cuồng chân. Mẹ tự nhủ, buổi tối sau khi đi làm về sẽ bày ra một trò gì đó để cả nhà cùng chơi.
Một chiếc can cũ và vài tấm giấy màu cũng có thể trở thành trò chơi thú vị của Tôm - Tép.
Công việc của chị Huyền và ông xã đều rất bận, không có thời gian đi mua nguyên vật liệu hay chuẩn bị đồ chơi gì lích kích được nên chị ưu tiên tái chế. Tiêu chí bày trò chơi của chị là: Tận dụng vật liệu sẵn có trong nhà, dễ thực hiện và kéo dài được thời gian cả gia đình chơi với nhau. Từ khi bạn Tôm còn bé, chị đã thích làm đồ thủ công xinh xinh cho con, nên nhiệm vụ này cũng không quá thách thức.
Đến những ngày nghỉ dịch, “dự án” chơi trong nhà vui, lành mạnh, an toàn của mấy mẹ con lại được tái khởi động. Thực ra, chị đã gửi các con về quê với ông bà 1 tuần. Nhưng ngại cảnh hai bé ôm TV suốt ngày, sợ con cận thị giống bố mẹ, chị lại bàn với chồng đưa con về nhà, hai người tự xoay sở trông nom, bày trò chơi với con.
Những ngày nghỉ dịch của hai anh em là những ngày vui hết nấc, được mẹ bày đủ trò chơi.
Nhà chị có cả một kho “đồng nát” để chất đầy bìa carton, đồ tái chế được và các tác phẩm của các con vào đấy. Nếu có nhiều thời gian, cả nhà sẽ cùng nhau làm đồ thủ công. Mùa dịch này, chị cũng để ý lồng ghép dạy con về kiến thức, giải thích cho con tại sao phải ở trong nhà, hướng dẫn các con vệ sinh, lau dọn nhà cửa.
Hoặc làm đồ chơi thỉ sẽ ưu tiên những trò như “tiêu diệt virus corona” gồm máy bắn đá và bia bắn vẽ hình virus corona; làm tấm chắn, mũ chắn virus, hoặc trò “bóng hải tặc” để luyện sự khéo léo... Khi không bày được gì cầu kỳ, cả nhà sẽ chơi những trò đơn giản như đọc sách, đọc truyện với con, “lười” hơn nữa thì nằm chơi trò rối bóng qua cửa kính… để mỗi ngày ở nhà với con đều vui và bổ ích.
Muốn con có tuổi thơ nhiều trải nghiệm, cha mẹ chỉ cần dành 15 phút/ngày chơi chất lượng
Chị Huyền bảo, chị nuôi dạy con khá “nhàn”, chỉ tốn công tìm hiểu các trò vận động và sự hào hứng trong từng giai đoạn phát triển của con. Chị quan niệm: “Các bạn ấy chỉ có 1 lần 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi… thôi, và thời gian chúng hào hứng, tự nguyện ở bố mẹ cũng có giới hạn thôi.
Mình muốn cho con một tuổi thơ vui vẻ, nhiều trải nghiệm, có thứ để nhớ về “ngày xưa”. Mình nghĩ, dành cả ngày cho con thì khó, nhưng chẳng nhẽ 15 phút thì không thể? Mình cố tặng con 15 phút chất lượng mỗi ngày để con chơi mà học, với mục đích cuối cùng là con được tự tay thực hiện và gắn kết gia đình”.
Chị Huyền cũng nhấn mạnh, đa phần các nhà, việc chơi và dạy con đều do mẹ đảm nhiệm, còn các ông bố có phần “mờ nhạt” hơn. Việc đó vô hình chung làm các mẹ vừa áp lực, vừa “cạn kiệt” năng lượng.
Ông xã của Phạm Huyền rất chăm chỉ chơi cùng con.
Riêng ở nhà mình, chị Huyền thường bày ra những trò để chồng có thể tham gia, để anh được góp sức trong việc chăm sóc và nuôi dạy các con, ví dụ như làm mô hình khủng long cho Tép, cùng chơi bóng hải tặc với Tôm… Những khi không phải đi công tác, anh thường dành nhiều thời gian để chơi với con. Thế nên hai con trai rất yêu và thần tượng bố, có ý tưởng gì cũng đợi bố về rồi cùng làm, cùng chơi.
Một trong những bí quyết để chơi với con vui vẻ không quạu mà gia đình chị Huyền áp dụng, đó là các bố mẹ nên thoải mái, đừng cực đoan hay cầu kỳ quá. Điều bọn trẻ cần là được chơi, được gắn kết với bố mẹ chứ không nhất thiết phải chơi thật xịn, đẹp đẽ, chỉn chu như nhà người ta.
Theo Phạm Huyền, điều quan trọng nhất là cả bố và mẹ tham gia nuôi dạy con, chơi cùng con với tinh thần yêu thương, không nên quá cầu toàn.
Các bố mẹ nên vận dụng khả năng, nguyên liệu có sẵn để chơi với con và chấp nhận sự không hoàn hảo của con và của mình. Quan trọng nhất là dành thời gian chất lượng cho con và lồng ghép những bài học ý nghĩa, thế là đủ. Đó cũng là lý do mà chị lập ra một nhóm nho nhỏ trên mạng xã hội có tên Hội các con thích chơi, bố mẹ thích bày trò để các bố mẹ có thể chia sẻ trò chơi, khoe thành phẩm, cũng như có thêm gợi ý để vui với con mỗi ngày.