“Nghèo vì sĩ diện”: Tiếc nuối của người đàn ông 55 tuổi khi nhìn lại thời trẻ “đầy trải nghiệm”
Miệt mài chạy theo sự hào nhoáng khiến tuổi trẻ của người chú này hệt như một chiếc “thùng rỗng kêu to”.
Trước khi nghỉ hưu ở độ tuổi 55, chú Tôn từng là một luật sư. Cách đây gần 30 năm, ở độ tuổi 27, chú Tôn kết hôn với vợ. Chưa đầy 1 năm sau, cô chú chào đón người con trai đầu lòng. Mừng vui chưa được bao lâu, chú Tôn đã suýt trầm cảm vì áp lực tiền bạc.
Khoản tiền mà chú tiết kiệm, dự định để lo tiền bỉm sữa, chăm sóc sức khỏe cho vợ và con trong 1 năm đã "hết veo" trong chưa đầy 6 tháng.
Giờ đây, khi con trai và con gái đã khôn lớn, trưởng thành và có gia đình riêng, chú Tôn vẫn chưa hết day dứt khi nghĩ lại quãng đời trước đây của mình. Lẽ ra, chú đã có thể cho các con một tuổi thơ đủ đầy hơn về mặt vật chất nếu như không mù quáng mắc 3 sai lầm này.
1 - Chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài
Chú Tôn từng nghĩ rằng đầu tư, phát triển các mối quan hệ trong công việc là con đường duy nhất giúp chú được giao những vụ kiện lớn, đồng nghĩa với những khoản thù lao hậu hĩnh.
Với niềm tin ấy, chú Tôn thường mua những món quà đắt đỏ, tặng cho cấp trên hoặc mời họ dùng bữa ở các nhà hàng 5 sao, để lấy lòng. Đi cạnh những sếp lớn, chú Tôn nhận ra ngoại hình của mình có phần quê mùa, lỗi thời. Họ đều mặc suit, mang thắt lưng hàng hiệu và xách những chiếc cặp da cao cấp. Trong khi đó, chú Tôn chỉ có mỗi 2 chiếc sơ mi, 2 chiếc quần âu và 1 đôi giày da sờn đế.
Không chấp nhận được sự khập khiễng này, chú Tôn bấm bụng vét sạch tiền tiết kiệm để may 4 bộ suits và mua 2 đôi giày da cao cấp. Chú tặc lưỡi trấn an bản thân rằng đó là khoản đầu tư xứng đáng, vì tính chất công việc của chú cũng cần vẻ bề ngoài chỉn chu, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, sau 4 vụ kiện lớn liên tiếp bị xử thua và 1 vụ trắng án, chẳng còn đàn anh, đàn chị hay người sếp nào muốn nhận quà hay lời mời dùng bữa của chú nữa. Suốt 3 tháng sau đó, chú chỉ được giao 2 vụ kiện với mức thù lao chưa bằng 1/2 tiền ăn một bữa mà chú thường "bao các sếp".
Ở độ tuổi 27, chú Tôn quyết định nghỉ việc, làm lại cuộc đời ở một công ty luật khác dù không 1 xu dính túi. Tới lúc đó, chú mới nhận ra hướng đi sai lầm của mình trong nghề nghiệp.
2 - Theo đuổi lối sống xa hoa cho "bằng bạn bằng bè"
Không lâu sau khi "làm lại cuộc đời" ở công ty mới, chú Tôn bước vào hôn nhân. Tổ chức đám cưới xong và may mắn "không lỗ", chú Tôn quyết định cùng vợ đi hưởng tuần trăng mật ở nước ngoài. Chi phí của chuyến du lịch ấy ngốn gần hết khoản tiền mừng cưới của cô chú.
Lúc ấy, chú Tôn vẫn cảm thấy như vậy cũng chẳng sao vì tin rằng "cả đời chỉ có một lần trăng mật", chú muốn dành cho vợ những điều tuyệt vời nhất, để cô được mở mày mở mặt với bạn bè.
Tới khi biết mình chuẩn bị được lên chức bố, chú Tôn không cần ngó lại số tiền mình đang có mà ngay lập tức đưa vợ đi khám ở bệnh viện tư, và chốt luôn đó sẽ là nơi hai người nghe con cất tiếng khóc chào đời. Dù vợ có tỏ ra không đồng tình vì như vậy tốn kém quá, chú Tôn vẫn một mực khẳng định "anh lo được" và nhất quyết chọn bệnh viện như khách sạn 5 sao cho vợ đi sinh.
Sự thật là chú Tôn cũng lo được toàn bộ chi phí chăm sóc sức khỏe và sinh nở của vợ mà không cần phải vay mượn người thân, hay bạn bè. Chỉ có điều khi con được hơn 4 tháng, tiền tiết kiệm của cô chú đã tròn trĩnh bằng 0.
3 - Không biết "chừa đường lui" cho mình khi đầu tư
Ngay sau khi nghỉ việc ở công ty luật đầu tiên, chú Tôn đã nhận ra nếu chỉ cần mẫn làm luật sư, chắc đến cuối đời cũng không giàu nổi. Thế nên, chú quyết tự học, tự tìm tòi kiến thức để đầu tư chứng khoán.
Khoảng 5 năm đầu tiên khi dấn thân vào thị trường này, dù cũng có lúc lỗ, mãi mới "về được bờ" nhưng nhìn chung, chú Tôn vẫn lãi sâu và có thể mua được một căn nhà. Tay ngang bước vào lĩnh vực đầu tư chứng khoán và có được những thắng lợi đầu tiên, chú Tôn càng tự tin khi quyết định dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để rót vốn. Thậm chí, chú còn ngỏ lời đề nghị vợ bán hết của hồi môn để lấy tiền đầu tư.
Một lần chơi lớn nhưng kết cục lại không mấy "trầm trồ". Năm 2008, dưới sự càn quét của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán lao dốc khiến chú Tôn trắng tay.
Lúc đó, chú Tôn 40 tuổi, không những không có tiền mà còn phải gánh trên vai khoản nợ gần 200.000 NDT (khoảng 685 triệu đồng).
Quá bạo tay khi đầu tư là điều khiến chú Tôn hối hận nhất vì khi đó, cả hai người con của chú đều đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chú không những không đủ tiền để cho các con đi học thêm mà còn khiến vợ phải vất vả làm việc để cùng mình trả nợ suốt gần nửa thập kỷ.