Nghề siêu dễ kiếm tiền nhưng siêu "sóng gió" dịp Tết
Chỉ vài cú click, hội săn sale hộ sẽ có vài trăm ngàn trong những ngày cận Tết. Nghe lý tưởng và dễ dàng vô cùng tận để tăng thu nhập, nhưng còn điều gì mà những "tấm chiếu cũ" giờ mới có dịp chia sẻ.
"Săn sale" – cụm từ nghe là thấy hấp dẫn nhưng cũng đầy "drama" trúng-hụt. Với hình thức online, thức khuya, bỏ bữa chỉ để canh đúng giờ thả voucher hay săn ưu đãi hời trên các sàn thương mại điện tử nhưng đôi lúc vẫn phải ngậm ngùi vì hết deal. Đặc biệt hội lương 5 triệu nhưng mê mua sắm, hay các chị công việc bận rộn nhưng ở nhà cần sắm 1 tỷ thứ, chỉ muốn kêu lên: Mình bỏ qua đoạn chọn lựa, săn sale và đến đoạn nhận hàng luôn được không?
Nhưng mà, khó quá thì cứ… nhờ người làm hộ. Công việc săn sale hộ trên các sàn thương mại điện tử được sinh ra, trở thành miếng đất màu mỡ cho những ai sở hữu "skill" đỉnh. Nghe qua tưởng đùa, nhưng chuyện cả gói mỹ phẩm 700k hạ còn 100k nhờ bàn tay điêu luyện của dân săn sale hộ là có thật.
Có những hội nhóm săn sale hộ chỉ mới thành lập từ tháng 7/2024 nhưng đã nhanh chóng thu hút hơn 10.000 thành viên. Mỗi ngày, các group này ngập tràn bài viết "chợ phiên" với hàng loạt yêu cầu nhận săn hộ hoặc tìm người săn hộ. Chưa kể, còn có các cộng đồng khủng hơn với hơn 60.000 thành viên, nơi tụ hội của những "chiến thần livestream" cộm cán, khiến không khí mua bán lúc nào cũng sôi động như lễ hội.
Những cuộc trò chuyện tấp nập tại các "chợ phiên" săn sale hộ này thường bắt đầu bằng…
Nghề săn sale hộ online là gì, vì sao hot ở thời điểm sát Tết?
"Ai cần mua gì sẽ đăng bài tìm sản phẩm kèm khoảng giá mong muốn, hoặc cụ thể một sản phẩm nào đó mà họ muốn từ phiên live, sau đó những người săn sale hộ sẽ vào chụp đơn hàng mình săn được để xem khách có muốn "chốt đơn" hay không." - Hồng Ngân (20 tuổi, sinh viên tại Cần Thơ) kể về công việc "bán thời gian" ở chỗ nào cũng làm được của mình, miễn là có wifi. Bạn thường làm vào những ngày không có lịch học trên trường, hoặc tranh thủ khả năng "cú đêm" để săn sale hộ.
Khi khách hàng chốt đơn, dân săn sale hộ sẽ nhận ngay tiền công và đổi địa chỉ giao hàng mà không cần nhận hàng hay bỏ phí thanh toán. Đặc biệt, những người sở hữu tài khoản vàng, kim cương trên các sàn thương mại điện tự có thể tận dụng ưu đãi lớn từ sàn khi làm việc này.
Mức phí săn hộ dao động từ 8.000 đến 15.000 đồng/món – nghe qua thì nhỏ xíu, nhưng "góp gió thành bão" nhờ nhu cầu cực lớn, đặc biệt là vào dịp cận Tết khi các thương hiệu đồng loạt xả kho. Cứ mỗi phiên săn vài chục đơn, tiền công cũng đủ rủng rỉnh cho một ngày bận rộn.
Công việc này có nhiều khác biệt so với những người săn sale trực tiếp tại cửa hàng. Công thấp hơn nhưng đồng thời không phải xếp hàng, di chuyển xa xôi, không phải trả tiền mua sản phẩm trước. Những điểm này đang thu hút nhiều người trẻ theo làm nghề tay trái. Đặc biệt thời điểm sát Tết, nhiều nhu cầu mua sắm tăng cao nhưng không phải ai cũng có thời gian ngồi canh deal hay lao ra cửa hàng mua sắm, thế nên, nghề săn sale online hộ hot hơn bao giờ hết.
Hồng Ngân kể: "Hiện tại, mỗi phiên săn sale mình có thể nhận đến 10 yêu cầu đặt đơn, thậm chí có những phiên live trùng giờ nhau, phải huy động cả người thân hỗ trợ mới kịp. Kết thúc một phiên, mình thu được tầm 80.000 - 100.000 đồng. Nếu chạy 3 phiên một ngày thì kiếm được 300.000 đồng, cũng ổn áp cho một công việc làm thêm."
Thoạt nghe, ai cũng nghĩ đây là "nghề siêu dễ" vì nhu cầu đa dạng, từ đồ gia dụng đến mỹ phẩm, lại không cần vốn đầu tư hay lo rủi ro. Thậm chí, thời gian làm việc cũng không kéo dài 6-8 tiếng một ngày. Thuỳ Dương (21 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) bật mí: "Mỗi phiên sale thường chỉ mất khoảng nửa tiếng vì không thể kéo dài, dễ bị hết hàng, mất voucher. Nên tụi mình không phải cày 6-8 tiếng/ngày gì đâu. Nhưng chỉ nửa tiếng đó thôi cũng căng thẳng lắm, phải săn cho bằng được voucher, tay bấm lia lịa. Nhất là mấy phiên live lớn, hồi hộp không khác nào đi thi."
Nhưng có những cái khó mà chỉ những người đã bắt đầu với công việc này mới thấy.
"Một sản phẩm có thể được bán bởi hàng tá shop, một phiên live lại có đến cả trăm sản phẩm. Mọi người cứ xem danh sách mà Võ Hà Linh hay Diệp Lê đăng tải là hiểu liền. Thời gian live thì chồng chéo nhau, nên bọn mình phải làm việc cực kỳ có kế hoạch." – Thuỳ Dương bật mí.
Bạn thường lập danh sách các phiên live sẽ săn trong tuần để gửi cho "khách quen" hoặc tự kiểm tra xem phiên nào có sản phẩm khách cần. Trước khi săn, cũng phải ghi chú kỹ danh sách và mức giá mong muốn mà khách đưa ra.
Có ngày, Thuỳ Dương săn tới ba phiên live: một phiên trưa, hai phiên tối, thậm chí những ngày nhiều voucher còn thức đêm canh giờ. Kết quả là có những ngày "chạy sô" liên tục từ trưa đến tối, bất chấp giờ ăn, giờ chơi. "Bỏ bữa hay ăn trễ là chuyện bình thường, vì có những lần "xả" voucher hoặc livestream lúc 11h00-12h00 trưa. Mọi người săn sale cho bản thân mình thì vừa ăn vừa nhẩn nha săn sale cũng không sao, nhưng với tụi mình, đó là công việc, phải làm nghiêm túc", bạn chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ngày nào thu nhập cũng đều đều vài trăm ngàn. "Những ngày ít voucher hoặc không phải dịp sale lớn thì cũng vắng khách. Vì vậy, mình không chờ khách yêu cầu mới làm, mà phải nhanh nhạy với thị trường, xem món nào hot, săn trước rồi nhượng lại sau." – Thuỳ Dương nói thêm.
Khách bùng công, shop bùng đơn và 1001 tình huống uất ức giờ mới kể!
Ai cũng tưởng săn sale hộ chỉ là trung gian, ít rủi ro. Nhưng những cái khó về giờ giấc kể trên vốn chỉ là hạt cát trước những tình huống dở khóc dở cười mà dân săn sale hộ từng trải.
Thuỳ Dương và Hồng Ngân đều đã từng gặp phải tình huống siêu "ngố" khi khách quen đã đặt hàng, xác nhận đơn rồi mà đùng một cái… bốc hơi mất. "Có lần đặt đơn 200k-300k cho khách quen, vì tin tưởng nên mình nhấn đặt liền để tránh hết hàng, rồi mới chờ khách thanh toán công. Xong thì khách không trả lời tin nhắn nữa. Mình muốn huỷ đơn mà shop không cho vì đã đóng gói rồi. Vậy là coi như săn sale hộ không công đó." – Hồng Ngân chia sẻ. Theo bạn, lý do có thể là khách đổi ý nhưng không thể huỷ đơn nữa.
Ngược lại, shop cũng có thể có những lần "lươn lẹo" huỷ đơn với hàng vạn lý do, nhưng bản thân người săn sale hộ không thể nào can thiệp được mà đành ngậm uất ức. Trường hợp này hiếm gặp nhưng đã xảy ra với Thuỳ Dương: "Shop chỉ cần click là sẽ huỷ được đơn. Họ nhận sao quả tạ, còn mình thì không có tiền công. Lúc đó đành phải hoàn tiền lại cho khách, dù công sức bỏ ra thì cũng bỏ rồi."
Còn một "kiếp nạn" khác từng xảy ra với Hồng Ngân khi bạn bị khách phản ánh về chất lượng sản phẩm. "Đôi khi, khách yêu cầu một brand cụ thể thì không sao, nhưng nếu là sản phẩm qua nhà phân phối lẻ thì mình sẽ tự chọn shop. Xui một cái, có món skincare hoặc quần áo không đúng chất lượng, thậm chí là hàng fake, mình phải đứng ra giải quyết vì đơn đặt qua tài khoản của mình."
Để tránh gặp tình huống này, Hồng Ngân đã phải học cách lựa chọn shop kỹ càng và ưu tiên săn những đơn hàng trên các shop chính chủ bằng cách giảm tiền công cho những shop này.
Mặc dù vậy, với Thuỳ Dương và Hồng Ngân, họ vẫn sẽ làm công việc này một thời gian. Hồng Ngân nói: "Công việc này vẫn là "việc nhẹ lương cao" so với các công việc part-time khác. Nhưng cũng phải công nhận rằng nghề này khó lòng làm lâu dài, đặc biệt là khi ra trường và bắt đầu công việc chính thức, vì không phải lúc nào cũng có thể canh giờ săn sale giữa một đống deadline công việc."