"Thua đời 1-0" khi quãng đường 5km đi mất 40 phút, họp online ngay trên yên xe ôm công nghệ

M.L,
Chia sẻ

Không phải con số thưởng Tết, đây là điều khiến nhiều dân văn phòng, người giao hàng vã mồ hôi hột lúc này.

"Hay là mình nghỉ Tết luôn không? Chứ thân thể này không hợp đi làm nữa. 5km từ nhà đến công ty mất 40 phút để di chuyển thì làm kiểu gì?", Ngọc Lan bất lực giữa đám đông đang cố nhích qua ngã tư, ở lần đèn đỏ thứ 2. 

Không phải nhà xa công ty, xin nhấn mạnh 3 lần. Những người nhà gần công ty cũng phải thốt lên "thua đời 1-0" vì tình trạng kẹt tắc đường ngày cuối năm diễn ra quá kinh khủng. Nhanh trí chọn xe ôm công nghệ hay phương tiện công cộng cũng không còn là giải pháp vì thời gian từ khi book cuốc xe đó đến khi gặp được bác tài, có thể ở công ty, sếp đã viết xong email cho thôi việc.

"Cú twist" bất ngờ là không chỉ riêng gì dân văn phòng mới nếm đắng cay. Tình trạng kẹt còn khiến hội chill guy lượn phố chụp ảnh ngày cuối năm trở nên căng thẳng. Khắp các trang mạng là những lời "than trời" vì đi làm cũng khó mà đi chơi cũng khó. Giờ người chiến thắng chính là người ở nhà!

Chụp ảnh kẹt xe trên đường làm chứng với sếp, bỏ xe lại giữa đường đi bộ "thoát thân"

"Đi làm bình thường 40 phút, giờ đi khoảng tiếng rưỡi, mỗi lần dừng đèn đỏ 5-10 phút chắc là nên được "bình thường hoá" rồi!" là cách mà Mai Hương (23 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) tóm gọn về tình hình xuống phố của bạn trong những ngày gần đây. 

Công ty của Mai Hương có chế độ chấm công, tính giờ làm việc khá khắt khe. Để tránh trễ làm, bạn đã dự trù đi từ sớm, nhưng đó hoá ra cũng chẳng phải là giải pháp. "Hôm nào xui gặp nhiều đèn đỏ là y như rằng sẽ bị chậm thêm 5-15 phút nữa."

Với Mai Hương, đây thực sự là thử thách lớn. Bạn cho biết: "Mình thường hoàn thành công việc muộn, nên thêm 5 phút ngủ cũng rất quý báu. Dạo gần đây thì đành phải dậy sớm hơn chứ không thể ngủ cố. Mà đôi khi làm vậy cũng chưa chắc gì đã đến đúng giờ." 

Để đối phó, Mai Hương hình thành thói quen chụp lại hình ảnh dòng người chờ đèn đỏ để làm chứng. Cũng may mắn, ban quản lý thấu hiểu vì… họ cũng là "nạn nhân" của tình trạng kẹt xe.

 Công ty mình đang có dự định dời giờ làm xuống 10h sáng - 19h tối thì tan ca, để tránh tình trạng kẹt xe", Mai Hương nói tiếp: "Nhưng ý nghĩ này cũng nhanh chóng bị bác bỏ vì tình trạng kẹt xe không chỉ diễn ra vào giờ cao điểm. "12-13h00 ngày Thứ 7, Chủ Nhật, ngay giữa giờ ngủ trưa, đường vẫn còn kẹt!"

Những bức ảnh "check-in" kẹt xe của Mai Hương. Ảnh: NVCC

Thói quen "check-in" kẹt xe đề phòng trễ làm của Mai Hương vẫn là một câu chuyện còn nhẹ nhàng so với trải nghiệm của Thuỳ Linh (26 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội). 

Thuỳ Linh kể về ngày đầu tiên đi làm với tình trạng kẹt xe cũng là ngày có cuộc họp giữa công ty và khách hàng: Mình vẫn đi làm bình thường và ban đầu chỉ nghĩ là kẹt xe một tí… Cho đến khi đồng nghiệp gọi hối đến cuộc thứ 3 nhưng vẫn còn rất xa công ty. Cũng may hôm đó đi xe ôm công nghệ, kết quả là mình phải tham gia họp online ngay trên xe. Mình rối đến bật khóc vì bất lực vì gần như "tiến thoái lưỡng nan" tại con đường đó luôn. Không thể quành xe lại đi đường khác, không thể tiến lên thêm một chút nào."

Lan Vy (26 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) từng lựa chọn công ty gần nhà để không phải "đánh vật" với tình trạng kẹt xe. Nhưng trong những ngày gần đây, một đoạn đường 5km mà bạn thường chỉ mất dưới 15 phút để đi, trở thành một chuyến đi dài hơn nửa tiếng.

 Nhìn tình cảnh đoàn người nối đuôi nhau, oằn mình dưới nắng vào mỗi buổi sáng là khung cảnh mà Lan Vy không muốn làm quen: "Lần đầu trải nghiệm cảm giác đau nhức người mà mình vẫn luôn cảm thấy "may mắn" hơn các bạn nhà cách công ty 15km!".

"Thua đời 1-0" khi quãng đường 5km đi mất 40 phút, họp online ngay trên yên xe ôm công nghệ - Ảnh 2.

Tình trang kẹt xe những ngày gần đây (TikTok: @caotranvancao12)

Sinh viên như Thảo Giang (19 tuổi, Hà Nội) cũng khốn khổ vì tình trạng này. Dù đã nghe khắp các trang mạng về tình hình kẹt tắc và đi sớm trước 1 tiếng vào hôm có bài thi quan trọng, kết quả là kẹt xe khiến bạn phải gửi tạm xe ở quán bên đường và tiếp tục đến trường bằng cách đi bộ mới kịp giờ thi. "Lúc đó mình chỉ còn cách trường khoảng một cây số hay gì đó thôi nhưng chờ mãi không thấy dòng xe nhúc nhích. Mình phải bỏ xe lại đi bộ đến trường mới kịp, đến nơi thì thở không ra hơi luôn."

Không riêng gì dân văn phòng, học sinh sinh viên, tình trạng kẹt xe cả ngày mà không chỉ riêng giờ cao điểm khiến những người đi chơi cũng là "nạn nhân" của khói bụi. 

Phương Anh (26 tuổi, TP.HCM) nhớ lại buổi tất niên công ty đầy "drama" bên đường: "Kẹt xe cả tiếng, vừa đến nơi là tóc bết, lớp make-up chảy vì phải chịu khói xe một lúc lâu". Hệ quả là công ty quyết định ăn tất niên ngay tại văn phòng cho "đỡ phiền". Đi chơi gần nhà, né trung tâm thành phố cũng là ưu tiên của Phương Anh cho đến khi "tình hình kẹt giảm bớt được phần nào".

Với các chủ shop, tình trạng kẹt xe, đặc biệt là những ngày gần Tết này không khác gì chuyện kinh dị. Anh Đào (24 tuổi, kinh doanh quần áo, Hà Nội) kể rằng đơn hàng của shop bạn hiện tại còn đi chậm hơn so với mọi năm. 

"Giờ này đơn hàng đã nhiều, kẹt từ trong kho ra đến ngoài đường. Kẹt xe làm tài xế mệt nên hiệu suất cũng giảm. Bình thường có 3 lần giao cho đến khi hàng hoàn về… Giờ tài xế mệt mỏi vì tình trạng kẹt xe nên thường có tình trạng gọi khách đến bưu cục, hoặc chỉ giao đúng 1-2 lần rồi thôi. Một tay thì khách hàng hối, một tay thì tài xế nói thông cảm. Mình thì thở dài chịu trận, xin shipper cố, xin khách thông cảm".

Chơi vơi trên phố đợi xe ôm công nghệ, xe ôm: Thôi đừng chờ nữa!

Trước tình hình các đơn vị vận chuyển không kịp đáp ứng yêu cầu giao hàng cho khách, Anh Đào chịu khó giao qua các dịch vụ xe ôm công nghệ để "giải toả" các đơn nội thành, chịu một phần phí vào lợi nhuận đơn. Thực tế lại càng ảm đạm hơn: Không shipper nào chịu nhận cuốc xe.

"Thua đời 1-0" khi quãng đường 5km đi mất 40 phút, họp online ngay trên yên xe ôm công nghệ - Ảnh 3.

Những cung đường kẹt xe nặng nề tại TP.HCM (TikTok: @nguyenphudongthap)

Không riêng gì dịch vụ giao hàng, các dịch vụ chở người, dịch vụ giao đồ ăn cũng gặp tình trạng tương tự. Bắt xe từ 10 giờ, nhưng 12 giờ mới được leo lên xe và bắt đầu hành trình là tình trạng chung của bất kỳ ai lựa chọn đi làm bằng xe ôm công nghệ trong những ngày này.

 Đan Thanh (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) kể: "Bình thường ra đường cứ phải gọi là nườm nượp tài xế, nhưng bây giờ thời gian bắt xe của mình ít nhất cũng phải từ 15-30 phút. Hay xảy ra tình trạng ghép cuốc xe, nên thời gian chờ còn lâu hơn nữa, nhưng có còn hơn không."

Với Minh Thư (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội), mỗi bữa ăn đặt qua app vì tiện lợi, kịp thời trong 1 tiếng nghỉ trưa ít ỏi ở công ty giờ lại thành công cuộc "chờ cơm" siêu lâu, siêu khó: "Giá app đội lên trời, mình chấp nhận nhưng cũng không ai muốn nhận cuốc giao đồ ăn. Một lần đặt thường sẽ phải check nhiều app không chỉ để so giá, so voucher nữa…Mà để so xem có bên nào nhận không."

Đó cũng chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện khó: Book xe lên tàu cho người thân chờ nửa tiếng không có xe, phải nhờ bạn chở hộ không sẽ trễ tàu; Đang đi thì buộc phải xuống xe đi bộ vì tài xế không thể nhích nổi trong tình trạng kẹt cứng.

"Thua đời 1-0" khi quãng đường 5km đi mất 40 phút, họp online ngay trên yên xe ôm công nghệ - Ảnh 4.

Đặt xe ôm công nghệ để tránh kẹt xe cũng không hề đỡ mệt mỏi hơn, khi thời gian chờ nhận cuốc là từ 30 phút đến 1 tiếng. (Ảnh minh hoạ)

Quang Huy (24 tuổi, tài xế giao hàng bán thời gian, TP.HCM) cho một góc nhìn thực tế: "Tình trạng kẹt xe làm việc di chuyển bị mất thời gian hơn rất nhiều, cũng hao tổn thêm nhiên liệu, trong khi phí dành cho tài xế vẫn không tăng lên. 

Tụi mình mà giao trễ quá so với thời gian cam kết trên app sẽ còn bị phạt nữa. Nhiều các chú, bác thường sẽ tắt app vào giờ cao điểm, hoặc di chuyển qua các quận ít người, ít kẹt hơn để tạm lánh những lúc nhiều như vậy. Nếu được, khách đặt đồ ăn nên chọn phương thức tiết kiệm thay vì đặt thông thường, may ra lúc đó sẽ có tài xế nhận vì ít bị app phạt hơn nếu có trễ nải vì tình trạng kẹt xe".

Chia sẻ