Nghệ sĩ Anh Vũ dùng nhiều thuốc ngủ mới có thể ngủ: Những biến chứng nguy hiểm khi "nghiện" thuốc an thần
Theo bác sĩ, việc tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ có thể gây ra các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…
Mới đây, thông tin nghệ sĩ hài Anh Vũ (47 tuổi) mất đột ngột ngay trên giường ngủ trong chuyến lưu diễn tại Hoa Kỳ khiến không chỉ giới nghệ thuật mà cả các khán giả yêu mến anh bàng hoàng.
Dòng trạng thái cuối cùng của nghệ sĩ Anh Vũ trên trang cá nhân.
Trước khi mất, nghệ sĩ hài Anh Vũ uống nhiều thuốc ngủ?
MC Thanh Tùng, người cũng có mặt trong chuyến lưu diễn cho biết trước khi sự việc đau lòng xảy ra, các đồng nghiệp đã nhận thấy sức khỏe Anh Vũ có yếu đi, mệt mỏi thấy rõ, thường xuyên quên lời thoại, giọng nói lắp bắp. Khi được hỏi thăm, Anh Vũ cho biết chắc do anh uống thuốc ngủ nhiều quá. Trên giường ngủ, nam nghệ sĩ được phát hiện đã tắt thở, người tím tái.
Hiện cơ quan chức năng tại Mỹ đang tiến hành điều tra nguyên nhân cụ thể cái chết của Anh Vũ. Nhưng việc lạm dụng thuốc ngủ nói riêng và thuốc an thần nói chung là vấn đề không chỉ của riêng Anh Vũ mà đang diễn ra rất phổ biến trong xã hội hiện đại.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Lạm dụng Chất gây nghiện và Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần (Hoa Kỳ), trong vài năm qua số lượng bệnh nhân tuổi 25-34 phải đến khoa cấp cứu vì sử dụng thuốc chống lo âu đã gia tăng.
Một bệnh nhân phải cấp cứu vì uống hàng chục viên thuốc ngủ.
Khi dùng đúng chỉ định, các loại thuốc an thần đều an toàn và hiệu quả. Nhưng sử dụng sai có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, so với trước đây thuốc gây ngủ hoặc thuốc an thần ngày nay khá an toàn.
"Chỉ trừ morphine dùng cho người ung thư giai đoạn cuối có thể gây tử vong nếu dùng quá liều. Nhưng thuốc này được quản lý rất kỹ vì thuộc nhóm thuốc phiện" - bác sĩ phân tích.
Biến chứng trầm trọng của việc "nghiện" thuốc an thần
"Rối loạn giấc ngủ có thể được hiểu là giấc ngủ bị giảm về thời lượng và/hoặc giảm về chất lượng. Về thời lượng, giấc ngủ bị giảm xa dưới mức trung bình (7-8 giờ mỗi ngày); về chất lượng, giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không sâu… Hậu quả là bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý...
Rối loạn giấc ngủ có thể có nguyên căn như do bệnh lý đa khoa như dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản... và cũng có thể vô căn như stress, lo âu, trầm cảm…" - bác sĩ Hồ Hữu Thật, giảng viên bộ môn Nội Thần kinh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), phân tích.
Bác sĩ Hồ Hữu Thật.
Mất ngủ có thể kéo theo hệ lụy là ban ngày mệt mỏi, lừ đừ, không muốn làm bất cứ điều gì, trí nhớ giảm sút. Đây cũng là những biểu hiện mà nhiều bạn bè nhận thấy xuất hiện ở nghệ sĩ Anh Vũ.
Bác sĩ Thật cho biết khi bị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ triền miên, người bệnh dễ dàng tự ý sử dụng thuốc an thần để khắc phục. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây "nghiện" thuốc an thần và bệnh ngày càng trầm trọng hơn, và có thể gây những biến chứng đáng lo ngại.
Thuốc tác dụng chính càng hiệu quả thì thường kèm theo nhiều tác dụng phụ. Việc tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ có thể gây ra các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…
Tự ý dùng thuốc an thần có thể giảm triệu chứng trong nhất thời nhưng có thể bị lệ thuộc vào thuốc do người dùng không đủ kiến thức chuyên môn để kiểm soát dược tính của thuốc.
Một khi đã "nghiện" thuốc (phụ thuộc vào thuốc), bệnh nhân rất khó bỏ, thiếu thuốc sẽ thấy nhức đầu, mệt mỏi rã rời, không thể tập trung.
Lạm dụng thuốc ngủ còn gây ra hậu quả là khiến người dùng luôn có cảm giác buồn ngủ, tinh thần khó tập trung, tốc độ phản ứng chậm chạp, giảm hiệu suất khả năng phán đoán. Điều này đặc biệt với những người làm công việc cần đến sự tập trung cao độ.
Để có giấc ngủ ngon trong thời đại công nghệ
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vi tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, càng ngày chúng ta càng trở nên chật vật hơn để bước vào giấc ngủ và rất khó để có thể ngủ ngon.
Người cao tuổi khi bị mất ngủ kéo dài nên đi khám ở các cơ sở y tế.
Trong không gian ít ánh sáng thì cơ thể chúng ta có xu hướng gia tăng hormone làm dễ buồn ngủ và cần được nghỉ ngơi.
Một tiếng trước khi đi ngủ, hãy cố gắng tắt các thiết bị điện tử, đặc biệt là các thiết bị phát ra ánh sáng, điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng có cảm giác buồn ngủ hơn.
Khi bị mất ngủ kéo dài, người bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế để được điều trị đúng phác đồ.