Nghe các tân cử nhân kể lại hành trình xin việc gian nan
Kinh tế khó khăn, tìm việc làm đối với người có kinh nghiệm đã khó, với các tân cử nhân mới tốt nghiệp càng khó khăn hơn. Cùng nghe các tân cử nhân chia sẻ đôi điều về hành trình xin việc đầy gian nan của họ.
Bất ngờ với câu hỏi của nhà tuyển dụng: ‘Em có thể hát một bài về quê hương em không?”
Nguyễn Thị Thanh Loan vừa nhận bằng tốt nghiệp của Học viện Ngân Hàng cuối tháng 7 vừa rồi. Loan đã tìm được việc từ trước khi nhận bằng và hiện đang là một banker tại Hải Phòng.
Kể lại quá trình xin việc của mình, Loan nhớ nhất một kỷ niệm vui. Đó là khi đi phỏng vấn, được một anh trong hội đồng tuyển dụng hỏi: “Ở quê em có đặc sản gì, có gì nổi tiếng nhất? Em có biết bài hát nào viết về quê hương em không, em có biết hát bài đó không?” làm Loan bất ngờ. Nhanh chóng lấy lại tinh thần, Loan nói về quê lúa Thái Bình của mình với bài hát "Nắng ấm quê hương" (nhạc sĩ Vĩnh An). Không ngờ, nhà tuyển dụng đề nghị Loan hát, dù chỉ thuộc nhạc, không thuộc lời lắm nhưng may mắn là chính người phỏng vấn lại hát cùng Loan nên gỡ gạc cho cô phần nào. Lần thi tuyển đó dù không đỗ nhưng dã giúp cô có thêm nhiều kinh nghiệm quý.
Thanh Loan chia sẻ nhiệt tình về những kinh nghiệm thi tuyển, đặc biệt hữu ích với các bạn đang có ý định ứng tuyển vào các vị trí trong ngân hàng:
“Nếu gửi hồ sơ qua mạng, bạn nên gửi càng sớm càng càng tốt bởi cơ hội được nhà tuyển dụng để ý đến bạn sẽ càng cao hơn. Nếu bạn tự mang hồ sơ đến công ty nộp, bạn cần tỏ ra chuyên nghiệp bởi nhà tuyển dụng có thể sẽ đánh giá bạn ngay từ ấn tượng đầu tiên khi mới nhìn thấy bạn".
Thanh Loan nhớ nhất câu hỏi "Em có thể hát một bài về quê hương em" của nhà tuyển dụng khi đi xin việc.
Khi đã lọt vào vòng thi viết, các bạn nên chuẩn bị kiến thức kỹ càng. Với các ngân hàng, thi viết thường gồm 4 phần: IQ, hiểu biết chung và kiến thức chuyên ngành, tiếng Anh. Các bạn nên tham khảo kỹ những cuốn đề thi vào ngân hàng và đọc lại sách vở đã học ở trường. Bạn cũng nên tìm hiểu thông tin về ngân hàng mà bạn ứng tuyển.
Ở vòng phỏng vấn, bạn hãy giới thiệu bản thân sao cho có những điểm mạnh phù hợp với vị trí ứng tuyển và cố gắng trả lời câu hỏi của họ lưu loát nhất có thể bằng sự tự tin và cá tính của bản thân".
Đi lên từ một thực tập sinh
Trần Minh Châu vừa mới tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương Hà Nội và hiện đang là nhân viên kế hoạch cho một công ty nước ngoài tại Hà Nội.
Châu nghĩ đến chuyện đi xin việc từ sau tết, khi bắt đầu viết khóa luận. Ban đầu cô bạn xin vào thực tập ở một ngân hàng nhưng đến vòng phỏng vấn cuối cùng lại bị trượt. Sau đó, Châu tập trung vào làm khóa luận và thi IELTS, đồng thời tham gia vài chương trình tình nguyện.
Đến giữa tháng 5, Châu tình cờ thấy trên trang quản lý đào tạo của trường có thông tin về chương trình “Trải nghiệm công việc thực tế” ở công ty hiện tại và đăng ký tham gia. Sau vòng test và phỏng vấn, Châu được nhận vào thực tập một tháng. Hết thời gian thực tập, công ty phỏng vấn tiếp, Châu đã vượt qua và hiện đang trong quá trình thử việc.
Minh Châu rất chăm chỉ khi còn là thực tập sinh và đã được nhận vào làm nhân viên chính thức.
“Kinh nghiệm thì không có nhiều vì tớ cũng không apply nhiều đâu, cũng phỏng vấn vài chỗ, fail vài chỗ. Tớ thấy khó nhất là vòng phỏng vấn, mình phải chuẩn bị rất kỹ về công ty, vị trí mình apply, phong cách, tác phong của họ, trình bày thông tin cá nhân sao cho hợp lý và hấp dẫn,…
Ví dụ tớ apply vào công ty của Nhật, mà phong cách của họ là ngắn gọn, súc tích. Với mỗi câu hỏi họ chỉ cho 30 giây suy nghĩ và trả lời, càng dài dòng họ càng không thích. Thái độ của mình cũng phải cởi mở, tự tin và thành thật.
Một điều nữa là tiếng Anh, gần như bây giờ công việc nào cũng cần tiếng Anh như một công cụ giao tiếp chính. Vì vậy, ngoài việc học tập tốt, tích cực tham gia hoạt động xã hội, các bạn cần trau dồi ngoại ngữ nữa.”
“Không quan trọng chuyện trái ngành, miễn là có được công việc tốt”
Vũ Thị Phượng là tân cử nhân của Học viện Ngân Hàng. Từ khi chuẩn bị ra trường, Phượng đã nộp hồ sơ vào hầu hết các ngân hàng có đợt tuyển dụng, nhưng tất cả đều không đạt kết quả như mong muốn. Mỗi lần thất bại, Phượng cũng buồn và có chút nản chí, tuy nhiên cô bạn đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho hành trình đi xin việc.
Ngoài những công việc liên quan đến chuyên ngành, Phượng từng ứng tuyển vào nhiều công việc khác như lễ tân, thu ngân,… một phần để có kinh nghiệm, một phần có chút thu nhập để không phải phụ thuộc vào bố mẹ. Hiện Phượng đang kinh doanh mỹ phẩm online vì đây là sở thích của cô nàng.
Đối với Vũ Thị Phượng, công việc đúng ngành hay trái ngành không quan trọng. Cái chính là được làm việc theo sở thích và môi trường làm việc tốt.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Phượng chia sẻ: “Sắp tới, mình sẽ về quê làm kế toán cho một doanh nghiệp ở gần nhà và chờ đợi một công việc phù hợp hơn. Mình vẫn muốn học thêm nhiều thứ, nhất là ngoại ngữ. Mình muốn tìm một công việc đúng sở thích. Nếu có thể được làm việc liên quan tới ngành học thì càng tốt, còn trái ngành cũng không sao, miễn là ở đó có môi trường làm việc chuyên nghiệp, có cơ hội để phát triển và một mức thu nhập tương đối. Có vẻ không hề dễ trong thời điểm này, nhưng mình sẽ cố gắng”.
Phỏng vấn trượt nhưng vẫn kiên trì nài nỉ được thử việc không lương
Bùi Thị Thu Trang tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện đang là nhân viên PR cho một công ty truyền thông.
Ý thức được nền kinh tế khó khăn, Trang đã chủ động nghĩ đến chuyện chuẩn bị hồ sơ xin việc từ lúc còn đang đi học kì 1 của năm thứ 4. Trang thường xuyên tìm thông tin trên mạng về việc làm, chỗ nào cảm thấy mình có khả năng là cô sẽ nộp đơn ngay. Tính đến thời điểm này, Trang đã nộp khoảng 50 bộ hồ sơ cả online lẫn offline và có khoảng 6-7 lần được lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng.
Ý thức được nền kinh tế khó khăn, Trang đã chủ động nghĩ đến chuyện chuẩn bị hồ sơ xin việc từ lúc còn đang đi học kì 1 của năm thứ 4. Trang thường xuyên tìm thông tin trên mạng về việc làm, chỗ nào cảm thấy mình có khả năng là cô sẽ nộp đơn ngay. Tính đến thời điểm này, Trang đã nộp khoảng 50 bộ hồ sơ cả online lẫn offline và có khoảng 6-7 lần được lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng.
Trước khi đến với công việc hiện tại, Trang đã thất bại nhiều lần. Có những lần thật sự đáng nhớ và cho cô nhiều bài học. Khi biết công ty hiện tại Trang làm có chương trình tuyển dụng tài năng trẻ qua một người bạn, cô nàng quyết định dành nhiều tâm sức. Trang chuẩn bị khá kĩ từ tìm hiểu về công ty, tham khảo những người đi trước, tìm thông tin về các kì thi trước để biết cách thức thi, luyện bài tập IQ, EQ và tiếng Anh tại nhà, liên tục theo dõi và cập nhật tình hình qua Facebook của chương trình. Rồi Trang vượt qua vòng trắc nghiệm, vào phỏng vấn. Thật buồn là cô nàng bị đánh trượt vì... thiếu kinh nghiệm.
Cô nàng Thu Trang đã gan lì xin nhà tuyển dụng cho thêm cơ hội chứng tỏ bản thân dù nhận kết quả trượt vòng phỏng vấn.
Nhưng tất cả không dừng lại ở đó. Không cam tâm với thất bại, ngay sau khi biết kết quả, Trang đã chủ động liên hệ với giám đốc công ty và bày tỏ mong muốn được thử việc không lương. “Mình chỉ muốn chứng minh một điều, chưa hẳn thiếu kinh nghiệm là không tốt và mình xứng đáng với vị trí đó”.
Tuy nhiên, lời đề nghị của Trang không được chấp nhận. Cô nàng chỉ được tham gia thử thách cùng các ứng viên đã trúng tuyển trong vòng hai tuần. Trang đã cố gắng hết sức, làm tất cả những gì có thể. Cuối cùng, cô nàng được nhận làm nhân viên chính thức của phòng Truyền thông (PR).
Nhắc lại hành trình xin việc đầy gian nan, Trang chia sẻ: “Mình rất cảm ơn anh giám đốc đã chấp nhận lời đề nghị có phần hơi ngông cuồng của mình. Nhưng bạn biết đấy, nếu thật sự muốn 1 điều gì đó, thì không có gì là không thể!”.