Chuyện chưa biết về "điều cũ kỹ đặc biệt" trên quán chè 60 năm ở Sài Gòn

Hương Thu ,
Chia sẻ

Quán chè tuổi đời gần 60 năm này gắn bó với với tuổi thơ của biết bao người Sài Gòn. Đến nay, quán vẫn giữ y nguyên không gian, hương vị đặc trưng của món chè và nhất là những bài thơ treo trên tường.

Ở một thành phố năng động nhất cả nước như Sài Gòn, chuyện ăn vặt chưa bao giờ là lỗi thời. Kể chuyện ăn vặt ở thành phố này có lẽ sẽ không có hồi kết và có thể viết thành cuốn tiểu thuyết dài tập.

Trong các món ăn vặt, chè vẫn là món ăn vặt hàng đầu, phổ biến với người Sài Gòn từ lâu đời. Ngày càng có nhiều món chè mới, hấp dẫn ra đời cuốn hút giởi trẻ. Nhưng có một quán chè lâu năm nhưng không phải người trẻ nào cũng biết. Dù vậy quán này lại rất thân thuộc với tuổi thơ của những người Sài Gòn cũ, mà giờ cũng đã lên chức ông chức bà.

chehienkhanh12
Quán chè có tuổi đời gần 60 năm. Bảng hiệu cũng theo phong cách đặc trưng của thập niên 60 - 70 ở Sài Gòn.

Đó là quán chè Hiển Khánh, trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3,TP.HCM). Quán nằm có vẻ như lạc lõng giữa một đoạn đường gần như chỉ bán phụ kiện cưới hỏi. Vì vậy, với nhiều khách lần đầu đến, sẽ khó tìm ra. Ngay cả những khách quen mà định cư ở nước ngoài, lần tìm về ăn cũng không dễ dàng tìm được. Cho đến khi tìm được, ăn thử ly chè mát lạnh họ chợt thỏa mãn khi nhận ra, gần 60 năm qua, hương vị cũng chẳng đổi thay là bao.

chehienkhanh1
Quán chè mang hương vị ẩm thực miền Bắc.

Chính xác là chè Hiển Khánh hình thành từ năm 1959,  bởi hai đồng sở hữu là bà Trần Nghệ và ông Nguyễn Quý Quyền. Cả hai vốn là người gốc Bắc, di cư vào Sài Gòn. Sau một thời gian, quán chè đã chuyển giao sang cho ông Quyền.

Nói về sự hình thành quán chè này, cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh (58 tuổi, con gái ông Quyền) nhớ lại: “Khi mới vào Sài Gòn lập nghiệp, cha tôi làm nghề sửa giày ở vùng Đa Kao (quận 1), được vài năm thấy vùng đất này khí hậu nóng quanh năm nên ông thử bán thạch chè, mang hương vị miền Bắc”.

chehienkhanh5
Cô Nguyệt Minh, chủ hiện tại của quán chè.

Vào những năm 60 của thế kỉ trước,  món thạch chè của quán rất đơn giản và chỉ có đúng ba món: thạch trắng cắt sợi, chè đậu xanh và chè kho ướp lạnh. Theo lời kể bà Minh, hồi đó ở Sài Gòn, chỉ có một quán duy nhất là Hiển Khánh bán món chè này. Vì thế, vừa mở ra thì món ăn dân dã xứ Bắc này nhanh chóng là điểm đến của nhiều người Sài Gòn sành ăn.
chehienkhanh13
Quán đông khách từ những ngày đầu mới mở.

chehienkhanh8
Cụ Lê Thị Đáp (96 tuổi, vợ ông Quyền) vẫn còn khá minh mẫn.

Đặc biệt, quán này nằm ngay rạp Casino Đa Kao, luôn tấp nập nam thanh nữ tú Sài Thành vào xem phim xong làm ly chè thì còn gì thú vị bằng. Bán thấy đắt hàng, ông Quyền bỏ hẳn nghề giày để tập trung bán chè. Ông cũng mua lại căn nhà nhỏ ngay rạp Casino để an tâm bán chè thay vì thuê từng tháng như trước kia.

Giải thích về cái tên Hiển Khánh, theo cô Minh thì tên quán là trùng với tên một làng ở Nam Định (nay là xã Hiển Khánh, H.Vụ Bản), quê gốc của ông cụ thân sinh cô Minh. Đến năm 1965, thấy quán khá chật nên ông Quyền nhượng lại cho người khác và mở thêm một tiệm nữa ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), duy trì đến bây giờ. Tiệm Hiển Khánh ở Đa Kao thì không còn nữa.

chehienkhanh6
Đặc trưng của quán là những bài thơ do chủ quán tự sáng tác về các loại chè, bánh.

Ngày nay, dù đã có thêm nhiều món chè khác cho hợp thời nhưng quán chè vẫn giữ nguyên cái hồn quán ngày xưa. Linh hồn của món chè là nước đường cát có thả hoa lài, do vậy, khi ăn chè, hương hoa lài cứ phảng phất và có một mùi thơm rất khó quên. Món thạch, chè đậu xanh từ lúc mới mở tới bây giờ vẫn y nguyên hương vị. 

Chỉ vào những bộ bàn ghế đã cũ nhưng vẫn còn chắc chắn, cô Minh khoe đã giữ từ khi cha bà mới bắt đầu bán. Bộ bàn ghế theo phong cách đặc trưng trước năm 1975, mặt bàn áp kính,ở dưới có thêm tấm bặt với hoa văn theo phong cách ngày xưa. Trên tường cũng treo những chiếc đĩa cổ, mà ông Quyền đã mang từ Bắc khi vào Sài Gòn.
chehienkhanh10
Bộ bàn ghế được gia đình giữ từ khi mới mở quán.

chehienkhanh14
Trên bàn bày biện các loại bánh đậu xanh, phu thê, bánh gai...

Trên bàn bày biện những bánh đậu xanh, bánh gai, phu thê… lưu luyến thực khách qua bao năm nay vẫn được tái hiện hệt như ngày xưa ông Quyền đã bày trí. Đặc biệt, khách sẽ cảm thấy ngỡ ngàng với những vần thơ về các loại chè, bánh treo trên tường. Chị Minh bật mí: “Ông thân sinh nhà tôi mê thơ lắm nên tự làm treo. Đến nay, gia đình vẫn cố gắng giữ kĩ những vật dụng từ thời trước để giữ cái hồn cho quán”.

chehienkhanh2
Bài thơ về chè thạch trắng.

Chẳng hạn như về bánh phu thê, có bài thơ: 

Bánh ăn nên vợ nên chồng
Ăn vào con cháu Lạc Hồng mến nhau
Từ Nam Quan đến Cà Mau
Yêu nhau ta nhớ dặn nhau nên dùng
Tứ thân phụ mẫu kính chung
Mối tình khắn khít khắp vùng đều khen

Hay về món chè đậu xanh, người chủ quán bày tỏ tỏ cảm xúc

Lục đậu, hàn ngọt, chè đậu xanh
Mát gan nên mắt sáng long lanh
Nhức đầu chóng mặt sưng mình khỏi
Gan nóng, nổi ung, ngộ độc lành

chehienkhanh11
Bài thơ về chè đậu xanh.

Trải qua bao nhiêu năm, những vần thơ vẫn đi cùng năm tháng, chè cùng thơ hòa quyện là điểm nhấn của quán. Cô Nguyệt giải thích thêm: “Vào thập niên 60, 70 quán chè là nơi đến yêu thích của nhiều học sinh, sinh viên Sài Gòn. Họ bị Hiển Khánh “mê hoặc” bởi cách trang trí thơ và câu đối do ông chủ tiệm sáng tác. Nhiều khi ông còn tổ chức thi đối, ai đối hay sẽ được ăn chè miễn phí”.

Cũng chừng ấy thời gian, chủ tiệm này không hề nhượng quyền thương hiệu cho ai, không muốn mở thêm chi nhánh… để giữ đúng cái “chất” làm nên thương hiệu. Quán thường đông vào buổi tối, nhất là cuối tuần, có khi không còn bàn để ngồi.

chehienkhanh9
Anh Phạm Quang Vinh cùng bà xã đi ăn chè.

Ngồi nhâm nhi ly chè hạt sen cùng vợ, anh Phạm Quang Vinh (47 tuổi) chia sẻ: “Tôi ăn quán này từ thời thanh niên, cũng gần 20 năm nay rồi. Hồi đó,  nhờ ăn chè ở đây mà quen được bà xã hiện tại. Bao năm quán vẫn giữ đúng hương vị, không gian quán có sự hoài cổ nên tôi rất thích”.

Tôi chắc phải ăn ở đây hơn 20 năm, thích nhất là chè thạch sen, thạch nhãn. Ngày xưa nhà gần đây nên ăn thương xuyên, giờ chuyển nhà xa hơn nhưng đi qua đây đều ghé làm một ly rồi về. Thật tình, nếu ăn chè ở quán rồi thì sẽ không muốn ăn chỗ khác nữa vì hương vị gần như khác hoàn toàn”, chị Kim Phượng (50 tuổi, Q.Tân Bình) chia sẻ.
chehienkhanh3
Chị Kim Phượng, đã quen thuộc với quán hơn 20 năm nay.

chehienkhanh7
Bài thơ do khách sáng tác tặng.

Trong tiệm có treo 1 bài thơ do thực khách đề tặng chủ quán như một lời cảm mến đến thương hiệu gắn bó với nhiều thế hệ này:

“Ở đời hữu xạ tự nhiên hương
Ba thế hệ rồi khách vẫn thương
Á Âu đi về tìm bảng hiệu
Bắc Nam qua lại nhớ tên đường”

“Hy vọng quán sẽ vẫn tồn tại đến những thế hệ sau nữa”, chị Minh chia sẻ.

Chia sẻ