Ngày của cha và bài học từ những tấm gương hiếu thảo
Ngày của cha được tổ chức ở phương Tây vào đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, từ xa xưa, văn hóa phương Đông đã coi trọng chữ hiếu, lấy những câu chuyện hiếu thuận để răn dạy người sau.
Tương truyền Chử Đồng Tử sinh ra trong nghèo khó, hai cha con chỉ có một chiếc khố dùng chung. Trước khi mất, Chử Cù Vân dặn con trai giữ lại khố nhưng Chử Đồng Tử không nỡ để cha ở trần hạ táng nên chôn chiếc khố cùng cha. Lòng hiếu thảo của ông có lẽ là bài học đáng suy ngẫm cho những người trẻ vẫn đang vô tư đòi hỏi sự hy sinh từ bậc sinh thành.
Nguyễn Trãi là tấm gương trung hiếu vẹn toàn trong lịch sử nước ta. Khi cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt, Nguyễn Trãi đi theo cha đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh khuyên con trở về, mưu nghiệp lớn chống Minh. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi nếm mật nằm gai, bày mưu tính kế, góp phần quan trọng giúp nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi. Câu chuyện của ông dạy người trẻ rằng, nỗ lực thành công cũng là cách đền đáp cha mẹ.
Thời Trần, vua Anh Tông vốn ham rượu. Một lần, vì say rượu, vua lỡ buổi chầu, bị thái thượng hoàng Trần Nhân Tông trách phạt. Vua quỳ gối, dâng biểu tạ tội mới được tha lỗi. Từ đó, Trần Anh Tông không uống rượu nữa. Dù ở ngôi cao, nhà vua vẫn tôn trọng đạo hiếu, cẩn tuân lời dạy bảo của cha. Con người, dù thành công đến đâu hay có chức vị cao đến mấy, họ vẫn là một người con, cần không quên gốc gác, cũng như công lao sinh thành của cha mẹ.
Tự Đức có lẽ là ông vua duy nhất bị mẹ đánh đòn trong lịch sử. Năm đó, vua đi săn, chẳng may gặp lụt bất ngờ, không kịp về lo liệu ngày kỵ của tiên hoàng Thiệu Trị. Nhà vua hiếu thuận vội vàng đội mưa đến quỳ tạ tội với mẹ là thái hậu Từ Dũ. Ông còn chủ động dâng roi mây, nằm xuống chịu đòn. Hành động của ông nhắc nhở người đời rằng, phận con luôn phải đặt chữ hiếu làm đầu.
Ở Trung Quốc, thời Hậu Hán, cậu bé 9 tuổi Hoàng Hương mồ côi mẹ, một mực hiếu thuận với cha. Trời hè nóng nực, cậu quạt chăn màn trước rồi mới mời cha đi ngủ. Trời đông giá rét, Hoàng Hương nằm ủ chăn ấm lên để cha không bị lạnh. Thời nay, dù công nghệ mang lại cuộc sống thoải mái hơn, câu chuyện "quạt nồng ấp lạnh" vẫn là tấm gương để bạn trẻ noi theo.
Tào Nga là người đời Hán. Năm nàng 14 tuổi, cha say rượu, rơi xuống sông. Tào Nga thương cha, chạy dọc bờ sông suốt 7 ngày, không thấy cha, nàng nhảy sông tự tử. 5 ngày sau, người ta thấy xác nàng đội xác cha nổi lên. Tào Nga trở thành tấm gương về lòng hiếu thảo, được người đời ca ngợi.
Thời Bắc Ngụy ở Trung Quốc, Hoa Mộc Lan mồ côi mẹ, sống với cha. Khi giặc xâm phạm biên giới, cha nàng bị điều đi lính. Không muốn cha phải chịu khổ, Mộc Lan âm thầm thay cha tòng quân. Sau này, nàng trở thành danh tướng. Câu chuyện này có lẽ sẽ khiến người trẻ ý thức hơn về việc san sẻ gánh nặng cho cha mình.
Vua Thuấn mồ côi mẹ từ nhỏ, cha lại hung bạo, nghe lời dèm pha của vợ kế và con sau, luôn muốn đẩy Thuấn vào chỗ chết. Dù vậy, ông vẫn hiếu thuận cha mẹ, hòa hảo với em. Tấm lòng hiếu thảo của ông khiến nhiều người cảm động, nhiều lần giúp ông tai qua nạn khỏi. Cách sống của Thuấn hẳn sẽ khiến nhiều người ngẫm lại về thái độ của bản thân, bao dung hơn trong mối quan hệ cha con.
Theo Zing