Ngán đến tận cổ vì chồng chỉ chăm chăm “phòng thủ”

Thạch Thảo,
Chia sẻ

Dẫu đã là vợ chồng, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường... nhưng nhiều người chồng lúc nào cũng chỉ chăm chăm "phòng thủ" với vợ.

Nói về chồng mình, người vợ trẻ tên T.H (Quận 11, Tp. HCM) chán nản tâm sự: “Chồng mình lương cao gấp gần 3 lần mình. Là do mình tình cờ vào máy tính của chồng và phát hiện bảng tính lương của anh nên biết chứ thực chất chồng chưa bao giờ công khai lương với mình. Chẳng biết có phải vì thế không mà hơn một năm qua, chồng mình không lúc nào không ‘phòng thủ’ với mình”.

T.H kể, chồng cô không đồng ý đưa lương cho vợ giữ, mặc dù cô đã đề nghị 2 người mỗi người trích ra một phần lương để vào một tài khoản để làm quỹ tiết kiệm chung, còn lại chi tiêu tùy ý nhưng anh vẫn không chịu.

“Anh ấy chỉ đưa cho mình tiền sinh hoạt phí sau khi đã được tính toán tỉ mỉ và chia đôi – mình và anh mỗi người chịu một nửa. Anh chưa khi nào đưa thừa cho mình một nghìn gọi là có. Khoản sinh hoạt phí đó thì mình cầm, nhưng những lúc mình không ở nhà, nhân viên đến thu tiền điện, tiền nước anh cũng nhất quyết không bỏ tiền túi ra đóng hộ mình, lúc mình về lại phải lên tận văn phòng công ty để đóng” – T.H tâm sự.

Cô nói tiếp: “Chồng mình có cho ai, biếu ai cái gì cũng chẳng nói với mình, đầu tư tiền bạc vào đâu mình cũng chẳng được biết. Mình thầm nghĩ, tiền anh làm ra, anh tự quyết là chuyện bình thường nên cũng không so đo. Nhưng có lần em họ mình cần tiền gấp, mình hỏi vay anh giúp em ấy, dù là số tiền nhỏ thôi thế mà anh chối đây đẩy. Nhưng ngay hôm sau anh lại có thể cho bạn anh vay thoải mái với số tiền lớn hơn. Mình vặn hỏi thì anh gắt lên: ‘Cho họ hàng vay thì chỉ có mất! Vay toàn đồng nghĩa với xin thì ai dám cho vay!’. Nghe anh nói thế mình chán nản hẳn. Thực sự anh có ý nghĩ ăn quỵt của anh chứ!”.

Theo như lời kể của T.H thì chồng cô cũng không hề cùng cô lên những kế hoạch chung gì cho gia đình cả: “Các vật dụng trong gia đình anh chỉ mua sắm rất cầm chừng và tất nhiên là luôn luôn ‘cưa đôi’ với mình. Có lần mình nghe thấy anh nói chuyện với bạn, có nói một câu: ‘Vợ thì nghèo, muốn mua thì lại mình bỏ tiền túi ra là phần lớn, nhỡ sau này có biến mà phân đôi tài sản thì mình thiệt à?’. Anh nâng phòng thủ lên đến mức cao nhất như thế thì chuyện anh đưa lương cho mình làm thủ quỹ là điều không tưởng rồi, anh không sợ mình nẫng mất của anh mới là lạ!”.

T.H còn bảo, chồng cô mua sắm và chưng diện cho bản thân rất nhiều nhưng cấm có đầu tư cho vợ tí nào. Hai vợ chồng cô đi với nhau mà cứ như công tử đi với a hoàn, bởi vì anh thì sành điệu còn cô thì giản dị vô cùng.

“Mình có tâm sự về chuyện tiền anh, tiền em này nhưng anh bảo, sống như thế mới văn minh, thoải mái, tự do và độc lập, bên nước ngoài họ toàn sống như thế. Mình không nói lại được cái lí lẽ đó của anh, nhưng nếu như thế thì còn gì là vợ chồng nữa, là góp gạo thổi cơm thì đúng hơn! Nhìn vợ chồng người ta bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng mà mình ghen tị lắm!

Mình tự thấy mình không phải là người hoang phí hay có ý định bòn rút gì của anh mà để đến mức anh ‘phòng thủ’ mình chặt chẽ như vậy. Vợ chồng mình mới cưới được hơn một năm, vẫn đang kế hoạch chưa sinh bé, mình không hiểu tại sao anh lại tính toán chi li với cả người phụ nữ có đăng ký kết hôn với mình như vậy” - người vợ trẻ buồn rầu giãi bày.

Ngán đến tận cổ vì chồng chỉ chăm chăm “phòng thủ” 1
Hơn một năm qua, chồng mình không lúc nào không ‘phòng thủ’ với mình (Ảnh minh họa).

Chị V. (Ba Đình, HN) cũng là người phụ nữ không may mắn có một người chồng cả ngày chỉ chăm chăm “phòng thủ” mình như thế.
 
“Mỗi khi nhìn thấy những người bạn xung quanh mình được chồng thương yêu, lo lắng, mình lại thấy tủi thân rất nhiều. Bởi vì hiện tại mình đang sống một cuộc sống vợ chồng nhưng mình cảm thấy giống như chỉ ở chung nhà, góp kinh phí ăn chung thôi vậy…” - chị rầu rĩ thổ lộ.

Chị kể lại quãng thời gian yêu và đám cưới: “Khi yêu anh, thấy anh là người chín chắn, đĩnh đạc, làm việc gì cũng suy tính rất kĩ càng nên mình yên tâm lắm. Nhưng thật sự phải cho đến lúc đám cưới, mình mới lờ mờ nhận ra anh là con người như thế nào. Cỗ bàn đám cưới, nhà nào làm ở nhà ấy nên không dính dáng gì. Nhưng kinh phí sắm sửa phòng mới (bọn mình thuê phòng trên thành phố làm việc, bố mẹ 2 bên đều ở quê) thì anh chia đều cho 2 người, cả nhẫn cưới cũng được chia đôi hết.

Mình hơi choáng, vì thực sự anh không phải không có tiền, mà mình thì lương không khá bằng anh. Thấy mình có vẻ rầu lòng thì anh an ủi: ‘Lúc yêu nhau, tình phí anh bao đến 90% rồi còn gì, giờ thành vợ chồng thì em cũng phải chia sẻ trách nhiệm chứ, vợ chồng mình ở riêng mà!’. Lời anh nói tuy là sòng phẳng nhưng suy đến tận cùng cũng không phải không có lí. Bản tính mình không phải người phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác nên đã chấp nhận”.

Chị V. nhớ lại, sau đêm tân hôn, chồng chị tuyên bố vấn đề tiền bạc rất nhạy cảm nên phải rõ ràng ngay từ đầu: “Mình đồng ý ngay, nhưng câu tiếp theo anh nói thì khiến mình sững sờ. Anh bảo, tốt nhất 2 người nên riêng rẽ, không dính dáng gì đến tiền bạc cả. Và sự riêng rẽ đó được thể hiện bằng cách cưa đôi tất cả các khoản phí chi tiêu chung trong nhà. Còn lại, việc ai người đấy làm, tiền ai người đấy tiêu - thực sự mình nói thế cũng không ngoa chút nào”.

Chị có bày tỏ với anh rằng, giờ đã là một gia đình, tiền nong nên quy về một mối, rồi cùng chi tiêu, tiết kiệm và lên các kế hoạch cho tương lai nhưng chồng chị nhất nhất không nghe: “Anh còn nói nhỡ miệng một câu mà nhờ đó, mình đã biết được suy nghĩ thật sự của anh. Anh bảo: ‘Tiền mình làm ra, để trong túi mình là chắc nhất! Đặt vào tay người khác, họ làm gì sao mình biết được, có lúc mất trắng thì kêu ai?’. Nói thế đủ biết là anh đang ‘phòng thủ’ mình rồi!”.

Chị V. cho biết, chị tưởng anh chưa tin mình nên mới cảnh giác như vậy, thế là chị liền tâm sự với anh, ngọt ngào thủ thỉ nhưng anh nhảy dựng lên, phản bác với những lí lẽ rất đanh thép: “Đấy đấy, đàn bà rõ lắm chuyện. Nào thì đòi bình đẳng, nào thì đòi vùng lên nhưng cuối cùng vẫn muốn chồng đưa lương cho mình. Thế là cái thể loại gì? Em đòi kiểm soát tiền của anh, nhưng bây giờ anh mà đòi kiểm soát chi tiêu của em thì em có chịu được không? Nếu anh cũng đòi hàng tháng em phải trình ra việc em đi chợ bao nhiêu, mua sắm những cái gì, thì em sẽ phản ứng như thế nào?” – nguyên văn lời của chồng chị V.

“Anh chưa bao giờ đưa cho mình thừa một đồng nào ngoài những khoản đóng góp theo quy định. Có lần mình ‘gạ’ gẫm anh: ‘Anh ơi, có loại kem dưỡng da này tốt lắm, anh mua cho em một hộp nhé!’, thì anh thẳng thừng luôn: ‘Việc của em thì em tự bỏ tiền ra mua đi!’. Sau này có con cũng thế, cái gì cần chi cho con cũng đều cưa đôi cả, không hơn không kém!” - chị thở dài thườn thượt nói.
Chia sẻ