Ngại hỏi vì sợ phô bày yếu kém, ngại đòi quyền lợi vì sợ đánh giá: Đừng tự biến mình thành Hello Kitty nơi công sở!
Vì nhiều lý do, chị em xem "im lặng là vàng" nhưng rốt cuộc tự biến mình thành chú mèo Kitty "không có miệng" nơi công sở để rồi nhận cái kết chẳng mấy ngọt ngào.
Mặc dù là một nhân vật hoạt hình có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản nhưng mèo Hello Kitty lại được đông đảo người Việt biết đến. Chú mèo đáng yêu này gắn liền với tuổi thơ của hầu hết các bé gái, từ những món đồ chơi nhỏ xinh cho đến quần áo, sách vở, túi xách… Dần dần, Hello Kitty trở thành một biểu tượng cho sự nữ tính, đáng yêu của con gái. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt không phải ai cũng có thể nhận ra đó chính là chú mèo dễ thương này lại không có miệng mà chỉ có 2 mắt và một chiếc mũi bé xinh.
Lý do tại sao mèo Hello Kitty không có miệng là một câu chuyện dài và đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu liên hệ đến đời sống thực tế nơi công sở tất bật và nhiều thị phi, vẫn tồn tại một kiểu người khá giống với chú mèo này, mặc dù có miệng nhưng không nói hoặc ngại nói, ngại phô bày sự yếu kém và thiếu sót, ngại đòi quyền lợi cho bản thân. Về lâu về dài, kiểu người này trì trệ và chẳng học hỏi thêm được thứ gì mới mẻ rồi dần trở thành "người thừa" nơi công sở, nhận lấy cái kết chát đắng dù bản thân vẫn chưa kịp hiểu ra được lý do.
Sinh viên mới ra trường ngại hỏi vì sợ phô bày yếu kém
Ông bà ta xưa vẫn dùng câu "Im lặng là vàng" nhưng một phương cách để răng dạy con cháu đời sau nên biết được tầm quan trọng và tác động lớn lao của việc im lặng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thật sự tường tận ý nghĩa sâu sắc và phạm trù rộng lớn của câu thành ngữ này. Mà phàm cái gì ông bà xưa đã dạy thì nhiều phần là đúng nên không ít người ngay lập tức áp dụng nó một cách máy móc theo tầng nghĩa đen để rồi kết quả nhận được lại chẳng như mong muốn.
Điển hình nhất chính là trường hợp của các bạn trẻ mới ra trường, chưa va vấp, yếu kỹ năng mềm và thiếu kinh nghiệm. Đơn cử như trường hợp của M. – một nữ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học nổi tiếng toàn quốc. Cầm tấm bằng cử nhân ưu tú trong tay, M tự tin bản thân mình sẽ có một vị trí tốt trong những tập đoàn lớn rồi cứ thế mà thăng tiến, giống như lộ trình mà các anh chị khóa trước – những con người đã rất thành công – chia sẻ mỗi lần về thăm lại trường cũ. Tuy nhiên, mọi việc không như bản thân M. hằng tưởng tượng. Cô quyết định bỏ việc sau khi bước chân vào môi trường công sở chỉ vỏn vẹn có 3 ngày. Hỏi ra nguyên nhân mới biết, lời sếp nói M. chẳng hiểu gì, lại ngại hỏi vì nhìn sếp như "ông kẹ", hỏi ra sợ sếp đánh giá bằng giỏi trường top mà dốt.
Câu chuyện của M. chắc hẳn là vấn đề mà không ít bạn trẻ mắc phải. Lần đầu bước chân vào môi trường công sở sau khi ra trường đã ngay lập tức vấp trúng chữ "ngại", chữ "sợ". Có miệng nhưng lại rất ngại hỏi, ngại thể hiện sự thắc mắc, ngại thể hiện sự nghi hoặc. Không hiểu vấn đề lại càng ngại hỏi vì sợ cấp trên chê trách, đánh giá. Hoặc có một số trường hợp nghĩ rằng những lời sếp nói, bản thân mình đã tỏ tường nên chẳng thèm chia sẻ, gặng hỏi để tìm cách hay, cách mới mà cứ bảo thủ làm theo cách hiểu của mình để rồi đi chệch định hướng, sai việc dẫn đến kết quả chẳng như mong muốn.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ một người quản lý có kinh nghiệm, sếp luôn hiểu được rằng, với vai trò là một nhân viên, cấp dưới của mình chắc chắn sẽ có những trăn trở cũng như suy nghĩ và quan điểm riêng. Người sếp tốt là người luôn cởi mở và đón nhận những phản hồi, thắc mắc, phản biện của nhân viên cấp dưới để phối hợp và tìm ra giải pháp phù hợp nhất, mang lại hiệu quả cao và năng suất vượt trội trong công việc. Do đó, trong lúc các bạn trẻ cứ mãi ngại, mãi sợ thì về phần mình, sếp cũng đang rất mong chờ được nghe, được cùng thảo luận, được học hỏi từ chính góc nhìn và quan điểm của nhân viên.
Người làm lâu ngại đòi quyền lợi vì sợ bị đánh giá yêu sách
Bên cạnh răng dạy con cháu nên biết "Im lặng là vàng", ông bà ta cũng không quên dặn dò thêm "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hoặc "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". Thật vậy, "Im lặng" nơi công sở không phải là vàng mà đa phần là dại, là thể hiện sự yếu kém trong kỹ năng. Bởi lẽ, giao tiếp là một kỹ năng cơ bản mà người đi làm chốn công sở buộc phải thuần thục trước khi nói đến câu chuyện chuyên môn.
Nếu như nhân viên mới ra trường im lặng vì thiếu kinh nghiệm, ngại hỏi thì những người đã có thâm niên, đi làm được nhiều năm lại im lặng vì sợ bị đánh giá. Câu chuyện này thường xuất hiện mỗi khi quyền lợi của một ai đó bị tác động. Thay vì đứng lên đòi lại những thứ đáng ra phải thuộc về mình, nhiều người chọn cách im lặng cho qua chỉ vì sợ cấp trên đánh giá bản thân mình yêu sách, chưa đóng góp được gì cho công ty mà đã đòi hỏi.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính sự khôn ngoan trong giao tiếp và sự khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ là "vũ khí" giúp chị em vượt qua giông bão. Về phần mình, sếp cũng rất muốn lắng nghe từ phía nhân viên những tâm tư, định hướng, những đóng góp mà họ đã bỏ ra để xây dựng công ty, tổ chức. Nếu tinh tế, chị em có thể dễ dàng biến những đòi hỏi của bản thân thành những cuộc nói chuyện nhẹ nhàng, khơi gợi và mang đến kết quả như mình mong muốn. Leah LaBelle đã nói: "Làm việc thật vất vả để đạt được thứ bạn muốn vì không thứ gì đến với mình mà không có sự đấu tranh". Do đó, chẳng việc gì đến với bạn một cách dễ dàng theo kiểu từ trên trời rơi xuống cả mà tự bản thân bạn phải nỗ lực để có được.
"Im lặng là vàng" – điều này đúng và chẳng ai có thể phủ nhận, nhưng cần hiểu sâu sắc ý nghĩa của câu này. Bởi lẽ, những câu hỏi đúng nơi, đúng chỗ, những lời nói hợp tình, hợp lý, đi vào lòng người nhiều khi còn là "kim cương". Công sở đã lắm chật chội, chứa người đã khó, do đó, chẳng ai mặn mà chứa thêm một chú mèo Hello Kitty không có miệng, lúc nào cũng gật, chẳng bao giờ nói, chẳng bao giờ hỏi, chẳng bao giờ thể hiện quan điểm và lên tiếng đòi quyền lợi.