Nếu cho con xem điện thoại trước tuổi đến trường, đây là 8 nguyên tắc bố mẹ cần tuân thủ

Raiz,
Chia sẻ

Những nguyên tắc dưới đây rất cần thiết nếu bố mẹ cho con dùng điện thoại khi còn nhỏ.

Phần lớn các chuyên gia về trẻ nhỏ đồng ý rằng các thiết bị điện tử như ti vi, ipad hay điện thoại đều không tốt cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Khi các con lớn hơn, thời gian xem các thiết bị này cũng cần được hạn chế tối đa để có thể bảo vệ mắt cũng như khả năng phát triển trí tuệ của các con một cách toàn diện nhất.

Nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể canh chừng con khỏi các thiết bị điện tử, và đôi khi có những chương trình mang tính giáo dục cao khiến con thích thú lại chỉ xuất hiện trên điện thoại thông qua các ứng dụng học tập cho trẻ nhỏ.

Vậy, nếu như bố mẹ cho con xem các thiết bị điện tử từ khi còn nhỏ, dưới đây là 8 nguyên tắc đặc biệt quan trọng mà bố mẹ cần tuân thủ để bảo vệ thị lực cũng như khả năng phát triển trí tuệ cho con:

Nếu bắt buộc phải cho con xem điện thoại trước tuổi đến trường, đây là 8 nguyên tắc bố mẹ cần đặc biệt tuân thủ - Ảnh 1.

1. Luôn đảm bảo đủ ánh sáng khi con sử dụng thiết bị điện tử

Với những căn phòng thiếu ánh sáng, mắt của trẻ sẽ phải điều tiết nhiều hơn để xem điện thoại, điều này dẫn đến tình trạng mỏi mắt, khô mắt khiến thị lực của trẻ bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, với màn hình điện thoại quá sáng, chúng cũng gây tổn hại thị lực của trẻ. 

Bởi vậy, khi con dùng điện thoại bố mẹ cần chuẩn bị một căn phòng đủ ánh sáng với màn hình điện thoại ở chế độ sáng vừa phải, phù hợp với đôi mắt của trẻ. Nếu thấy trẻ chớp, dụi mắt liên tục cần dừng lại việc sử dụng điện thoại ngay lập tức và cho con ra ngoài nhìn xung quanh để mắt ổn định trở lại.

2. Luôn ngồi khi xem thiết bị điện tử

Mặc dù trẻ sẽ thích nằm xem hơn nhưng vì lợi ích cho thị lực của con, bố mẹ nhất định phải để thiết bị điện tử trên bàn cách xa mắt con. Điều này sẽ tránh cho con việc chúng để mắt quá gần với thiết bị, dẫn đến tình trạng giảm thị lực, tăng khả năng mắc các dị tật khúc xạ. 

Bố mẹ có thể thiết kế một chiếc bàn nhỏ kèm ghế để con có thể ngồi xem ở đó trong khoảng thời gian quy định với khoảng cách tối thiểu 30cm từ mắt con đến thiết bị. Bố mẹ cũng cần ngồi cạnh để đảm bảo con không dí mắt sát vào màn hình. 

Nếu bắt buộc phải cho con xem điện thoại trước tuổi đến trường, đây là 8 nguyên tắc bố mẹ cần đặc biệt tuân thủ để bảo vệ con khỏi nguy hại từ các thiết bị điện tử - Ảnh 1.

Hãy luôn để trẻ ngồi xem thiết bị điện tử chứ không phải nằm vật vạ đâu đó.

3. Không xem sát giờ đi ngủ

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, trẻ luôn cần được thư giãn não bộ trước khi đi ngủ. Nếu não bộ hoạt động quá mạnh mẽ, con sẻ trở nên khó ngủ, trằn trọc dẫn đến việc ngủ không đủ giấc, mệt mỏi khi thức dậy. Việc sử dụng điện thoại trước giờ đi ngủ sẽ khiến bộ não của trẻ được kích thích, chúng liên tục hoạt động làm con vô cùng tỉnh táo và hoàn toàn không có dấu hiệu muốn đi ngủ dù đã đến giờ.

Điều đặc biệt cần nhớ là tắt tất cả các thiết bị điện tử xung quanh con trước giờ đi ngủ khoảng 2 tiếng. Bố mẹ có thể cho con chơi các trò chơi nhẹ nhàng, đọc sách để giúp con thư giãn, dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. 

4. Quản lý thời gian con sử dụng thiết bị điện tử

Khoảng thời gian tối đa con được sử dụng thiết bị điện tử trước tuổi đến trường là 30 phút mỗi ngày. Và mỗi lần không quá 10 phút. Sau đó con cần nghỉ ngơi mắt và bộ não khoảng tối thiểu 10 phút mới có thể quay lại việc sử dụng chúng.

Mặc dù khi con đang xem thiết bị điện tử thì rất khó để dứt chúng ra, nhưng bố mẹ cần đặc biệt nghiêm khắc về việc quản lý thời gian này nếu không con rất dễ mắc bệnh nghiện điện thoại dù còn rất nhỏ. 

Nếu bắt buộc phải cho con xem điện thoại trước tuổi đến trường, đây là 8 nguyên tắc bố mẹ cần đặc biệt tuân thủ để bảo vệ con khỏi nguy hại từ các thiết bị điện tử - Ảnh 2.

Quản lý thời gian xem thiết bị điện tử của con một cách nghiêm ngặt.

5. Đừng để xem điện thoại trở thành một thói quen của con

Dù rằng thời gian xem các thiết bị điện tử của con có thể là 30 phút mỗi ngày nhưng bố mẹ không cần thiết phải cho con sử dụng hết khoảng thời gian đó và cũng không nên để con xem hàng ngày. Bố mẹ có thể quy định thời gian xem chỉ vào những ngày cuối tuần hoặc một ngày đặc biệt nào đó. 

Điểm mấu chốt là thiết bị điện tử càng ít xuất hiện trong cuộc sống của con càng tốt, nhất định không được để việc xem các thiết bị này trở thành một thói quen của con. Nếu làm được điều này, con sẽ tránh được nguy cơ béo phì, tự kỉ do dùng điện thoại quá nhiều.

6. Lựa chọn và kiểm soát kỹ càng những chương trình mà con xem

Ngày nay, trên mạng internet tràn lan những nội dung tiêu cực mà trẻ nhỏ có thể vô tình xem phải bất kỳ lúc nào nếu bố mẹ không kiểm soát chặt chẽ. Những nội dung này ảnh hưởng vô cùng khủng khiếp đến sự phát triển trí tuệ, nhân cách và định hướng tương lai của trẻ.

Bởi vậy, việc lựa chọn các chương trình giáo dục phù hợp với trẻ theo đúng độ tuổi và nhu cầu, kiểm soát nội dung mà con xem là việc cực kỳ quan trọng mà bố mẹ nào cũng phải nắm rõ khi cho con sử dụng điện thoại.

7. Luôn ngồi xem cùng với con

Việc ngồi xem cùng con khi chúng sử dụng thiết bị điện tử là cực kỳ cần thiết, vì điều này giúp bố mẹ kiểm soát được thời gian, nội dung cũng như cách thức mà con sử dụng thiết bị điện tử. Và khi có bố mẹ ngồi cùng, trẻ sẽ giảm bớt xu hướng tò mò với những nội dung tiêu cực trên mạng internet, phụ huynh cũng nắm bắt rõ hơn nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử của con. 

Nếu bắt buộc phải cho con xem điện thoại trước tuổi đến trường, đây là 8 nguyên tắc bố mẹ cần đặc biệt tuân thủ để bảo vệ con khỏi nguy hại từ các thiết bị điện tử - Ảnh 3.

Đừng bao giờ cho trẻ xem điện thoại trong giờ ăn.

8. Không bao giờ xem trong giờ ăn

Những việc con nên làm trong giờ ăn là thưởng thức đồ ăn của con và giao tiếp với mọi người trong gia đình chứ không phải chúi mũi vào màn hình điện thoại. Việc xem ti vi, điện thoại khi ăn sẽ khiến dạ dày của con dễ bị rối loạn khiến hệ tiêu hóa gặp nhiều vấn đề.

Bởi vậy, ngay cả bố mẹ và gia đình khi ăn cơm cũng không nên bật ti vi để tạo ra một thói quen tốt cho trẻ. Sử dụng thời gian này để tương tác trò chuyện cùng nhau sẽ giúp con phát triển khả năng giao tiếp cũng như khả năng tư duy sau này. 

Chia sẻ