Nét đẹp 3 miền trong phục trang phim Victor Vũ
Nhà sản xuất phim “Người vợ cuối cùng”, do Victor Vũ đạo diễn, đã công bố video clip hậu trường về cách dàn dựng bối cảnh phim, những chia sẻ về phục trang được sáng tạo từ nét đẹp trang phục phụ nữ ba miền.
Diễn viên kiêm nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp chia sẻ: "Toàn bộ những bộ cổ phục đều được may đo riêng cho từng diễn viên. Hàng trăm diễn viên là hàng trăm bộ đồ, hàng nghìn mét vải".
Cô cho biết giám đốc mỹ thuật Ghia Ci Fam của phim là một người rất cẩn thận và cầu toàn trong từng chi tiết. Một bộ trang phục thời xưa thường có từ 3 đến 4 lớp, và dù cho những lớp bên trong không được nhìn thấy đi chăng nữa thì Ghia Ci Fam vẫn yêu cầu diễn viên mặc đầy đủ để cảm nhận được hết giá trị mà bộ quần áo này mang đến.
Phục trang trong phim "Người vợ cuối cùng"
Trên nền bối cảnh ngôi làng Bắc Bộ
Tất cả được thiết kế kỹ lưỡng
Những người dân trong làng Cua Ngộp
Sinh hoạt của người dân trong làng
Trẻ con trong làng
Nhà quan thì trang phục khác
Các vợ của quan mặc trang phục sáng tạo từ nét đẹp trang phục phụ nữ ba miền
Trang phục quan trị huyện và thầy đề
Những chia sẻ hậu trường phim "Người vợ cuối cùng"
Đạo diễn Victor Vũ đã nhiều lần chia sẻ rằng "Người vợ cuối cùng" là một bộ phim được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, chỉ mượn bối cảnh thời phong kiến để vẽ nên câu chuyện giả tưởng về tình yêu và nỗi đau của người phụ nữ.
Dẫu vậy, ê-kíp đã nỗ lực phục dựng và mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế nhất có thể so với hình ảnh tư liệu. Sự sáng tạo này được đặt trong khuôn khổ đề cao nét đẹp truyền thống của cả ba miền (tóc búi bánh lái hoặc tóc vắn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ,...), song cũng đồng thời thể hiện được cá tính điện ảnh của từng nhân vật.
Cụ thể, khi nhìn vào phục sức của người vợ cả (NSƯT Kim Oanh đóng vai), đạo diễn Victor Vũ chọn tông màu nóng, thường là đỏ hoặc nâu đậm trên nền vải đơn giản, kiệm hoa văn. Điều này thể hiện cá tính nghiêm khắc và có phần nóng nảy của nhân vật khi đây là "nữ chủ" của gia đình, suốt ngày phải bận tâm lo liệu việc trong việc ngoài hơn là dành thời gian điệu đà váy áo.
Nhân vật mợ Hai (Đinh Ngọc Diệp đóng) được thiết kế cho những bộ trang phục mang nhiều tông màu nóng lạnh xen lẫn như xanh, hồng… nhưng không quá đậm, tạo cảm giác dễ chịu. Trên thân vải có nhiều hoa văn cầu kỳ, trang sức đi kèm như nhẫn, trâm, vòng tay đa dạng và lộng lẫy. Điều này thể hiện cá tính thẳng thắn, vô tư, có thể nói đây là nhân vật đại diện cho tính trào phúng để cân bằng lại không khí ngột ngạt trong phim.
Nhân vật chính Diệu Linh (Kaity Nguyễn đóng) chủ yếu chỉ diện trang phục màu nhã nhặn, từ áo ngũ thân đến chiếc trâm cài, đôi bông tai. Khi đặt cô đứng gần hai người vợ trước, sự chênh lệch về màu sắc này sẽ tạo cảm giác đây là một người vợ lẽ nhạt nhòa, xuất thân thấp kém, luôn mang tâm trạng trầm buồn và u uất.
Về bối cảnh, đoàn phim tái hiện kỳ công những hình ảnh ở miền Bắc thời phong kiến: mái đình, phủ quan, mâm cỗ, chợ quê,… với hơn 80 ngày làm việc liên tục cùng hơn 25 nhân sự của tổ thiết kế. Không chỉ để tạo nên một phông nền đủ thuyết phục cho nội dung phim, nỗ lực này còn là cách Victor Vũ giúp khán giả hiểu rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người Việt Nam.
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, khi đọc tiểu thuyết gốc "Hồ oán hận", anh đã tưởng tượng làng Cua Ngộp sẽ là một ngôi làng nhỏ ven hồ, dưới núi và khá lo lắng khi đi khảo sát địa điểm quay.
May mắn thay, anh đã tìm thấy Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn và hoàn thành hình dung của mình về làng Cua Ngộp một cách hoàn hảo. Mặc dù địa hình khá khó khăn và ê-kip phải di chuyển hơn một tiếng đồng hồ mỗi ngày bằng nhiều phương tiện như xe, thuyền, đi bộ,... nhưng khi xem lại những gì đã quay thì anh thấy nỗ lực này là xứng đáng. Phim ra rạp từ 3-11.
Hậu trường của phim
Đạo diễn Victor Vũ tại trường quay
Hậu trường một cảnh trong phim