Nắng gắt 40 độ, thanh nhiệt, giải độc gan bằng thứ cỏ dại mọc hoang nhiều ở nước ta
Cây sài đất được xem là thứ "cỏ vàng" chữa được nhiều bệnh về mùa hè được nhiều người săn lùng về làm thức uống giải nhiệt.
Thanh nhiệt nhờ thứ cây dại
Những ngày hè nóng nực, bà Nguyễn Thị Mi – Thanh Xuân Bắc, Hà Nội chia trẻ, trong nhà bà không lúc nào thiếu được thứ rau dại trong nhà đó là cây sài đất. Bà Mi chia sẻ bà bị nóng gan nên ngày hè hay bị mụn, mẩn ngứa. Bà đều phải mua cây sài đất bỏ tủ lạnh dùng dần. Lúc cây tươi bà dã lấy nước uống, mua thêm cả cây khô về dùng để thải độc.
Nhờ có cây sài đất mà 3 – 4 năm nay bà không còn bị mẩn ngứa, mụn về mùa hè. Bà Mi mua cây sài đất khô với giá 150 nghìn đồng/kg tại cửa hàng thuốc bắc sau đó về sắc.
Theo TS Phạm Việt Hoàng – Phó Giám đốc BV Tuệ Tĩnh Hà Nội, sài đất là cây cỏ dại nhưng nó lại là bài thuốc chữa rất nhiều bệnh, đặc biệt là tác dụng thanh nhiệt thải độc cho gan rất tốt, nhất là vào mùa hè cơ thể nóng nực.
Trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" do GS Đỗ Tất Lợi biên soạn và "Hải thượng Y tong tâm lĩnh" giới thiệu, sài đất còn có tên là húng trám vì khi vò ra cây có mùi trám và một số nơi dùng nó để ăn sống như rau húng.
Cây sài đất là loại cây cỏ mọc hoang dại.
TS Hoàng cho biết, sài đất là một loại cỏ sống dai, mọc làn bò, chỗ thân mọc lan tới đâu rễ mọc tới đó, nơi đất tốt có thể cao hơn 0,5m.
Nhận biết cây sài đất cũng rất dễ, thân màu xanh có lông trắng cứng nhỏ. Lá gần như không có cuống, mọc đối hình bầu dục thon dài, 2 đầu nhọn, có lông nhỏ cứng ở cả hai mặt, mép có 1-3 răng cưa nông, hai bên gân chính có hai gân phụ xuất phát gần như một điểm ở phía cuống lá, gân chính và phụ đều nổi ở mặt dưới lá. Hoa màu vàng nhỏ.
Cây mọc hoang ở nhiều tỉnh miền bắc nước ta, thường ưa nơi ẩm mát.
Vị thuốc quý có tác dụng chữa nhiều bệnh
Vào năm 1956, T. R. Govindachari, K. Nagarajan đã nghiên cứu và lấy ra được một chất lacton còn gọi là wedelolacton C16H1O7 có tỷ lệ 0,05%, theo đó cấu trúc của wedelolacton vừa là một cumarin lại vừa là một flavonoit.
Bộ môn dược liệu của trường ĐH dược Hà Nội đã nghiên cứu thấy trong sài đất chứa tinh dầu và rất nhiều muối vô cơ.
Trong đông y, sài đất có vị đắng tính hàn, chủ trị quy kinh can phế thân hay thanh nhiệt, giải độc, mụn nhọt, tiêu viêm, làm long đờm, cầm ho, mát máu nên thường được dùng để trị cảm mạo, sốt, viêm họng, viêm phế quản phổi...
Đặc biệt sài đất có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Bài thuốc thanh nhiệt có thể dùng cây sài đất rửa sạch, ăn sống hàng ngày. Mỗi ngày ăn từ 100-200g, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát, thải trừ độc cho gan, giảm mụn nhọt...
Ngoài ra, có thể dùng trực tiếp lá sài đất tươi đã rửa sạch sắc với nước có thể thêm ít đường cho dễ uống, chia hai lần uống trong ngày, hoặc có thể dã nhỏ lá sài đất rồi hoà vơi 200 ml nước lọc, thêm chút muối cho dễ uống.
Trong đông y, sài đất còn sử dụng chữa các bệnh nhiệt miệng, viêm răng. Có thể lấy sài đất 16g, thạch môn 12g, thục địa 16g, rễ cỏ xước 10g, thạch cao 16g. Sắc ngày 01 thang uống chia 2 lần. Bài thuốc này trị miệng hôi, miệng lưỡi nhiệt, chân răng sưng mủ...
Sài đất khô.
Nấu nước lá sài đất để tắm trị rôm sảy cho trẻ, mụn nhọt, ngứa ngáy, viêm da rất tốt. Trường hợp bị sưng đau nhiễm trùng, mun nhọt, chốc đầu... Có thể dùng sài đất tươi hoặc khô.
Nếu dùng tươi ngày uống 100g, giã cây tươi với ít muối, thêm 100ml nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước chia làm 1-2 lần uống trong ngày. Bã có thể dùng đắp lên nơi sưng đau. Có thể giã nát, vắt lấy nước cô đặc thành cao dùng dần.
Dùng cây khô: ngày dùng 50g thêm nửa lít nước, sắc và cô cho đến khi còn 200ml, chia 1-2 lần uống trong ngày. Thời gian điều trị chừng 1-2 ngày, nhiều nhất tới 5-7 ngày.
Cây sài đất dễ nhầm với cây lỗ địa cúc. Cây lỗ địa cúc có lá ngắn hơn, hoa màu vàng nhạt, quả bé không có lông và không thu hẹp ở đầu, không có vòng lồi lên, đầu cụt.