Nàng dâu "cứng đầu"

Vỹ Cầm,
Chia sẻ

Mẹ chồng thị lúc đó từ bếp bước ra, sa sầm nét mặt khi nghe thấy những điều thị nói. Bà thở dài não nuột, lắc đầu. Bà tự nhủ: Phải mang tiếng ác để đưa nàng dâu vào quy củ, nếp nhà.

Thị về làm dâu. Nhà chồng không ưng nhưng buộc phải chấp nhận vì thị đang mang cái bụng bầu 5 tháng. Trước đó, thị biết nhà chồng thị không nỡ chối bỏ máu mủ nhà mình và tất nhiên đám cưới sẽ phải diễn ra.

Thị cứ thế lên kế hoạch và mọi chuyện diễn ra theo đúng ý đồ của thị. Ngày mẹ chồng đến đặt vấn đề xin thị về làm con dâu, thị nhếch mép cười và tự nhủ: “Bà không ưng rồi cũng phải đồng ý. Tốt với tôi, tôi còn tốt lại. Giờ thì đừng có mơ…”.

Thị mang tâm thế của kẻ đắc thắng về nhà chồng. Trong khi mọi người xì xào bàn tán về cái bụng bầu to đùng dưới lớp áo cưới của cô dâu thì thị vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu, bước từng bước chậm rãi, đĩnh đạc qua cổng nhà chồng. 

Lúc mẹ chồng dẫn thị vào phòng tân hôn. Mẹ chồng thực lòng bày tỏ: “Giờ con đã là dâu con của mẹ rồi. Cùng là phụ nữ, mẹ mong chúng ta bao dung và sống đầm ấm cùng nhau”, thị nhoẻn miệng cười, không đáp cũng chẳng gật đầu. Mẹ chồng đành gượng gạo cáo lui sau khi muốn cởi mở tâm sự nhưng nàng dâu có vẻ không muốn.

Ngày làm dâu thứ nhất. 8h30 thị vươn vai thức dậy, vệ sinh cá nhân xong xuôi, thị chậm rãi một tay đặt trên bụng bầu, một tay chống bên hông, vẻ nặng nề bước xuống từng bậc cầu thang, đi vào nhà bếp. 

Mẹ chồng thị đang ngồi trong phòng khách, nhác thấy bóng thị lướt qua thì nói với theo: “Có xôi mẹ hấp sẵn trong nồi cơm điện, chả giò trên bàn, con lấy ăn nhé”. Thị vẫn nguây nguẩy bước đi, vờ như không nghe thấy lời mẹ chồng. 

Thị lục tủ lạnh, kì cạch một lúc. Mẹ chồng nghe tiếng lục đục dao thớt trong bếp thì bước vào. Cùng lúc đó, thị bắc chiếc nồi trên bếp xuống, đổ phần mì bò vào tô… Thị cứ thong thả làm việc cần làm mặc kệ sự hiện diện của mẹ chồng. 

Mẹ chồng hơi bẽ bàng vì hình như nàng dâu không để tâm tới lời mình nói. Bà lặng lẽ rời phòng bếp, tự an ủi mình: “Thôi kệ, thích ăn gì thì ăn… Có thể là do không nghe thấy lời mình nói”.

Nàng dâu
Mẹ chồng thị buộc lòng phải "mang tiếng ác" để đưa nàng dâu cứng đầu vào quy củ... (Ảnh minh họa)

Ngày thứ 2 thị về làm dâu. Quần áo đã thay, thị xách ra để ở hành lang rồi dắt xe đi làm. Quần áo dài lẫn quần áo lót, thị ném chỏng gọng trong chiếc giỏ. Mẹ chồng thấy vậy bèn xách lên tầng thượng, để cạnh máy giặt. 

Tối mịt thị về, cơm canh đã dọn sẵn, thị cũng không tự động xuống ăn mà phải để chồng gọi lên, gọi xuống. Cả bữa cơm, thị chỉ cười cợt với chồng dăm ba câu chứ tuyệt nhiên không để ý gì đến mẹ chồng đang ngồi cạnh bên.

Ăn xong, thị đứng dậy, ra phòng khách uống nước rồi lên thẳng phòng. Bát đũa thị… nhường luôn phần mẹ chồng rửa dọn. Mẹ chồng thở dài: “Thôi nó đang bầu bì, tính khí thất thường” rồi lại lúi húi một mình dưới bếp. 

Ngày thứ 3 về làm dâu nhà chồng. Thêm một giỏ quần áo nữa để ở hành lang. Mẹ chồng thị lại xách lên tầng thượng và bà ngạc nhiên khi cái giỏ quần áo bẩn của thị hôm trước thay ra vẫn còn nguyên ở đó. Bà phân loại rồi cho vào máy giặt. Số quần áo lót bà mang xuống phòng tắm, giặt, phơi cho nàng dâu “bận tối ngày”.

Ngày thứ 4, thứ 5… thị về làm dâu. Thị không đụng tay, đụng chân gì vào việc nhà. Nhìn dáng đi của thị, mẹ chồng không nỡ nhờ vả việc nhà. Quần áo của thị thay ra, bà vẫn chăm chỉ giặt, phơi mỗi ngày và gấp ngay ngắn trước khi mang vào phòng, đặt ở góc giường cho vợ chồng thị.

Ngày thứ 30, sau ngày cưới. Bố chồng thị làm việc ở trong Nam về thăm nhà. Thấy thói hành xử của thị, bố chồng gọi cả hai vợ chồng thị xuống nói chuyện. Ông nhắc nhở thị dù thoải mái thì cũng phải biết việc gì nên, việc gì không nên… Ông cũng nhắc chồng thị nếu vợ không làm được thì phải hỗ trợ vợ chứ đừng để mẹ chồng làm mấy việc đó cho nàng dâu. 

Đợi bố chồng nói xong, thị không “dạ” cũng không “vâng”, chỉ xin phép về phòng. Vừa đi thị vừa làu bàu trong miệng: “Có ai nhờ đâu. Tự làm còn trách cứ, mách lẻo”. 

Mẹ chồng thị lúc đó từ bếp bước ra, sa sầm nét mặt khi nghe thấy những điều thị nói. Bà thở dài não nuột, lắc đầu. Khi thị về làm dâu, bà đã gạt mọi ác cảm trước đó. Nhưng nếu thị cứ kiểu “bất khả chiến” thế này thì có lẽ bà buộc lòng phải “mang tiếng ác” để đưa nàng dâu vào quy củ, nếp nhà!

Chia sẻ