Cuộc "chạm trán" bất ngờ giữa mẹ chồng và nàng dâu
Cuộc "chạm trán" bất ngờ khiến cho cả mẹ chồng và nàng dâu ngớ người, bẽn lẽn nhìn nhau!
Trước khi cuộc "chạm trán" đầy bất ngờ giữa mẹ chồng và nàng dâu diễn ra tại lớp học kỹ năng, chị Liễu (Cát Linh - Hà Nội) nói rằng mối quan hệ của mình với mẹ chồng không tốt. Chị không thích, không có thiện cảm với mẹ chồng. Chị bảo rằng, trong mắt chị, mẹ chồng là người phụ nữ lắm lời, luôn thích giáo huấn, lên lớp nàng dâu ở mọi tình huống, hoàn cảnh. "Mẹ chồng tôi là giáo viên nên có lẽ vì bệnh nghề nghiệp nên lúc nào bà cũng coi con dâu giống như một đứa trẻ cần 'gõ đầu'. Tôi làm việc gì bà cũng chê rồi chỉnh. Bà không ở nhà thì thôi, chứ đã ở nhà là cứ ra rả nói từ sáng đến tối. mà chuyện quanh quẩn chỉ có dọn nhà, nấu ăn, giặt giũ, phơi..." - chị Liễu cho biết.
Cũng chính vì mẹ chồng hay nói nên dù bà có luôn tay luôn chân dọn nhà, nấu ăn, chăm sóc con cho chị Liễu thì chị vẫn thấy hậm hực, không phục. "Với tôi, đành rằng là người lóng ngóng đi chăng nữa nhưng bà cũng đừng vì thế mà nói ra nói vào, đừng lấy đó để vin cớ nói rằng tôi vụng, tôi lười. Bà chỉ cần khéo léo chỉ cho tôi thấy làm thế nào là đúng, thế nào là sai thì hay hơn. Tôi cũng không muốn mẹ chồng cứ quần quật làm, một phần vì để mẹ chồng làm hết thì mình hóa ra là nàng dâu vô dụng thật. Hơn thế chồng nhìn vào, có thể vì thương mẹ mà thấy xót xa rồi hậm hực với vợ" - chị chia sẻ.
Cứ thế vì tự ái, vì cho rằng mẹ chồng ghét mình nên mỗi lần mẹ chồng nhắc nhở, chị Liễu không ngoan ngoãn đáp lại cũng chẳng gồng mình phản ứng. Chị cứ dồn nén, chất chứa bực dọc với mẹ chồng và đến cơ quan "trút giận" với mấy chị đồng nghiệp. "Sẵn có những chất chứa không hài lòng về mẹ chồng, tự ái vì bản thân cứ đụng vào việc gì là mẹ chồng lại thở dài 'làm thế là không được'; 'sao con vụng về thế'... Vậy là từ việc không để ý các chị ở cơ quan tám chuyện mẹ chồng ghê gớm, tôi đã gia nhập và trở thành hội viên hăng hái nhất của cái hội đó" - chị Liễu thú nhận.
Chị Liễu còn thừa nhận việc mình không chỉ phàn nàn, phát xét mẹ chồng trên cơ quan mà còn lên các diễn đàn, tạo một ních ảo để những hôm thứ bảy, chủ nhật hoặc ngoài giờ hành chính cơn hậm hực với mẹ chồng không được giải tỏa, thì trút giận ở đó. "Phụ nữ mà, đã có gì ấm ức là không thể giữ trong lòng, phải bằng mọi cách nói ra. Thậm chí không ngại ngần dùng những lời lẽ cay nghiệt để đánh giá người khiến mình nổi điên, chịu ấm ức. Tôi cũng thế. Nhiều hôm vừa đi làm về đến nhà lại bị mẹ chồng nhắc nhở vệ sinh phòng của hai vợ chồng, quên phơi quần áo, cái bát cho con ăn xong không rửa... Cho rằng mẹ chồng 'kì thị' mình khi nói ra những điều nhỏ nhặt mà bà hoàn toàn có thể làm hộ tôi khi tôi vì quá bận mà quên. Vậy nên hậm hực mang chuyện lên diễn đàn để giải tỏa" - chị nói.
Mẹ chồng nàng dâu "chạm trán" tại lớp học kỹ năng khiến cho cả hai ngớ người, bẽn lẽn... (ảnh minh họa)
Và chị cũng có những lăn tăn riêng sau khi đã hả hê và nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của chị em khác: "Kể chuyện nhà mình bung bét tại diễn đàn, tại cơ quan xong, có những lúc ngẫm lại tôi thấy mình có phần ích kỷ, và cái tôi quá cao. Có những hôm ngồi cùng bàn ăn, tôi thì xị mặt, mẹ chồng tôi thì thở dài khiến cho không khí rất nặng nề. Chồng tôi đứng ở giữa cũng là một cái khó cho anh ấy. Dù ai đúng, ai sai thì bênh vực hoặc phê phán ai cũng là không ổn. Tôi cũng nhận thấy có nhiều việc nếu mình làm tốt thì mẹ chồng không thể nói được gì" - chị giãi bày.
Còn bác Giao - mẹ chồng chị Liễu, thời gian trước đó thì cho rằng "con dâu sắp trở thành người phụ nữ bất trị". Bác chỉ biết cải tạo con dâu bằng việc nói không ngừng, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ từ việc làm dang dở, vụng về của nàng dâu. "Tôi sống và trải qua giai đoạn làm dâu cực khổ bởi sự khắt khe của mẹ chồng. Tôi cũng không muốn áp đặt con dâu, hoặc muốn con dâu phải phục tùng mình. Thế nhưng mắng con dâu một thì tôi buồn mười. Mình già cả, tính cẩn thận, sạch sẽ đã ăn vào máu. Làm tới đâu, gọn tới đó trong khi con dâu thì ngược lại. Tôi muốn con dâu khéo léo và cẩn thận hơn. Thế nên thành thói quen rồi cứ nhắc nhở từng chút một" - bác nói.
Bác Giao thổ lộ rằng những lời góp ý của mình không có ác ý gì mà chỉ muốn con dâu chịu khó quan sát, tập cho mình thói quen gọn gàng, nhanh nhẹn hơn. Thế nhưng điều khiến bác Giao buồn là khi bác góp ý, hướng dẫn con dâu thì chị Liễu lại tỏ ra không hài lòng. "Dù nó không phản ứng trực tiếp nhưng nhìn thái độ nhăn mặt, không 'vâng" cũng không đáp trả khó chịu tôi biết nó ấm ức. Mẹ chồng và nàng dâu không hiểu được nhau. Ông nhà tôi đã mất được hơn chục năm, giờ già cả chỉ có con cháu là chỗ dựa tinh thần duy nhất thì lại mâu thuẫn với nàng dâu. Tôi không muốn không khí gia đình căng thẳng. Càng không muốn là một bà mẹ chồng ghê gớm, cay nghiệt trong mắt nàng dâu của mình" - bác nói.
Nhiều lần thấy bản thân không vui, con dâu cũng không hài lòng vì mình, bác Giao đã buồn lại càng thêm buồn: "Hai thế hệ, hai cách suy nghĩ và ứng xử khác nhau. Mâu thuẫn giữa tôi và con dâu không phải to lớn nhưng cũng khiến cho cả hai mẹ con không vui vẻ. Cũng có thể vì tôi vẫn có những kì vọng về nàng dâu theo quan niệm truyền thống. Còn với con dâu tôi có thể làm dâu như vậy là được rồi. Thời đại bây giờ khác thời xưa, phụ nữ năng động hơn, không bị bó buộc bởi trách nhiệm lo toan cho gia đình. Vì thế sau khi được mấy bà bạn trong hội hưu trí tư vấn lớp học cải thiện quan hệ mẹ chồng nàng dâu, tôi đã đăng kí đi học. Coi như đó là một sự phấn đấu mới vì con cái và cũng là vì bản thân".
Về phía chị Liễu, sau khi nhận thấy mình cũng có những thiếu xót, ứng xử không hay với mẹ chồng. Chị cho biết: "Tôi biết mẹ chồng mình là người thương con thương cháu. Bà đã vất vả cả đời để nuôi nấng con trai. Cũng có thể vì thế mà bà khó tính. Tôi muốn mình hiểu mẹ chồng hơn. Vì thế khi tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi quyết định đến lớp học buổi chiều chủ nhật đó để có kinh nghiệm hơn, rút ngắn được khoảng cách trong suy nghĩ với mẹ chồng".
Và điều bất ngờ khiến chị Liễu và bác Giao ngớ người đó là khi cả hai cùng hấp tấp bước vào lớp học. "Chạm trán" ngay ở cửa, cả mẹ chồng và nàng dâu đều ngỡ ngàng. "Lúc gặp con dâu ở cửa tôi ngớ người, định bỏ về vì không muốn con dâu 'phát giác' ra kế hoạch của mình. Thế nhưng rồi tôi lại bước vào lớp học vì tôi muốn nhân cơ hội này cả mẹ chồng và nàng dâu hiểu nhau hơn. Đụng mặt ở đây là cả tôi và con dâu đều đã biết mỗi người cần phải hiểu nhau, chịu khó lắng nghe để không còn va chạm, hiểu lầm" - bác Giao chia sẻ.