Nấm tràm Huế - lộc của trời
Xứ Huế mưa thì thúi đất thúi đai, mà nắng thì cháy da cháy thịt, trong cái khắc nghiệt của nắng mưa ấy đã sinh ra “lộc của trời” trên những cánh rừng tràm…
Trời tháng 8, những cơn mưa xối xả phủ trắng trời xứ Huế. Giữa những đợt mưa, tôi chở ba má ra Huế họp lớp. Trên đường trở về quê hương, sắp gặp lại bạn bè thời áo trắng, ba má vui ra mặt. Khi xe gần vô thành phố, dường như má phát hiện điều gì đó bên đường, bỗng cao giọng mừng rỡ: “Có nấm tràm ông nó ơi, lộc của trời ban cho Huế mình đấy”.
Vậy là má chỉ đạo tôi đánh xe ngược lên đàn Nam Giao để mua nấm tràm. Ba tôi trầm ngâm, rồi túc tắc kể: Ngày đó, khi ba quen má, những lần qua nhà, thường được bà ngoại cho ăn những món nấu với nấm tràm, thời đó nấm tràm còn hiếm và là đặc sản. Ba tôi sinh ra và lớn lên ở Bắc, trở về Huế sau giải phóng nên không thích ăn nấm tràm vì nó vừa nhân nhẫn, đăng đắng…, mà khổ nỗi trên mâm cơm món gì cũng nấu với nấm tràm cả.
Canh rau lang nấu tôm với nấm tràm, dĩa thịt heo xào với nấm tràm, đến món trứng gà chiên cũng chiên với nấm tràm. Duy chỉ có đĩa cà pháo với chén nước mắm là không có nấm, nên bữa cơm đó ông chỉ ăn cơm với cà… Nghe tới đó, má tôi phá lên cười và chen ngang, vậy mà đến bây giờ ba mi ghiền món ni nhứt…
Trong việc chế biến các món ăn với nấm tràm thì có lẽ người Huế được cho là tinh tế và thượng thừa nhất. Với nấm tràm, người ta có thể chế biến đến vài chục món ăn, những món tiêu biểu như cháo hải sản nấm tràm, cháo sườn heo hạt sen nấm tràm…, các loại rau thì chiên xào hoặc nấu canh với nấm tràm đều được. Với người Huế, từng món ăn phải làm sao cho đủ vị đắng, cay, chua, mặn, ngọt; đầy sắc trắng, đen, xanh, đỏ, vàng… Nấm tràm đúng là một nguyên liệu thượng hạng, giúp cho các món ăn thêm đa sắc, đa hương.
Không những thế, dân gian truyền rằng, lá và thân cây tràm mục qua một trận mưa lớn sẽ mọc lên nấm tràm, vì vậy nó có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bổ nội tạng nhờ tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu…
Xe tôi đến đàn Nam Giao chừng nửa buổi sáng, đúng lúc chợ đông nhất. Chợ này chủ yếu bán nấm tràm. Nhiều năm trước, người dân các xã Hương Hồ, Bình Điền, Bình Thành, cùng nhiều lái buôn tập trung về đây buôn bán nấm tràm, tạo thành chợ tự phát bên đường trước đàn Nam Giao, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến giao thông, nên nay chính quyền cho họp chợ tạm tại công viên Nam Giao.
Mùa nấm tràm thường rất ngắn, chỉ khoảng dăm bảy ngày, nấm mọc lên sau chuỗi những đợt nắng nóng bỗng có cơn mưa xuống, người người rủ nhau vào rừng từ tờ mờ sáng hái nấm cho kịp buổi chợ. Sau một vòng quanh chợ chừng năm phút, má tôi cũng đã mua được chừng hơn mười ký nấm của một anh người dân tộc Katu với giá 45.000 đồng/kg. Má bảo, giá này là vừa đẹp, dễ mua.
Trở về nơi hội lớp tại một khách sạn bên dòng sông Hương thơ mộng, mọi người dường như đã khá đông đủ, tiếng chào hỏi ran cả góc sân. Một lát sau, chắc má tôi lại kể chuyện nấm tràm, thế là cả năm, sáu cô cùng má tôi lại ra xe, bảo tôi quay lại chỗ đàn Nam Giao để mua nấm tràm. Người ít mua dăm ký, người nhiều thì khoảng chục ký. Kết quả là trong xe tràn ngập một mùi nhân nhẫn, đăng đắng, ngòn ngọt rất khó tả, như là mùi của đất và con người Huế.
Trên đường đưa má và các cô về lại chỗ họp lớp, tôi thầm nghĩ, chắc sẽ có rất nhiều gia đình trong bữa cơm ngày mai chỉ toàn nấu một món ăn “Lộc của trời”.