“Năm đầu tiên ăn cái bánh Trung thu mình tự mua, tủi thân dâng lên, ngồi ăn mà khóc ra tiếng”
Chàng trai ăn hết nguyên 1 chiếc bánh Trung thu đắt tiền nhất và khóc thành tiếng từ vết thương lòng trong quá khứ không bao giờ liền sẹo.
Trả lời cho câu hỏi: “Đã ai ăn hết một chiếc bánh nướng, bánh dẻo chưa; cảm giác như thế nào?”. Một câu chuyện huyền thoại đã được chia sẻ trên diễn đàn VOZ một thời khiến bao người phải suy ngẫm.
Chàng trai kể hồi nhỏ ba mẹ đi làm xa để 2 anh em ở nhà bác nuôi. Hai anh em sống trong nghèo khổ và thiếu thốn tình yêu thương. Bác thiên vị con mình, không bao giờ Lễ Tết, sinh nhật mua cho cháu được cái gì. Năm 6 tuổi, cậu bị một trận đòn đau điếng, cán chổi gãy cũng như cảm giác gãy cả cánh tay, vì dám ăn 1 miếng bánh Trung thu của con bác. Cậu bé nghĩ sau này lớn lên đi làm có tiền, Trung thu sẽ mua một chiếc bánh thật mắc để ăn 1 mình.
Nghĩ được làm được, 8 năm liền sau khi bắt đầu kiếm tiền, đúng tối 14 cậu mua một chiếc bánh đắt nhất để ăn. Cậu chia sẻ lúc mua được chiếc bánh đầu tiên bằng tiền của mình, ăn ở xứ lạ, câu không thấy ngon hay dở mà chỉ thấy tủi thân, ngồi ăn mà khóc ra tiếng. “Khóc cho nỗi cực nhục của đứa con nít phải xa cha mẹ từ nhỏ đến khi lớn cũng chẳng được chăm lo. Khóc vì đồng tiền mình làm ra nhọc nhằn đến thế”, cậu viết.
Lời tâm sự sau cuối của chàng trai là: “Nên dù có khổ khổ đến đâu cũng cố gắng để con cái bên cạnh, đừng lấy lý do vì cuộc sống, vì đồng tiền mà giao phó con cái cho một ai khác. Những đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ dễ tổn thương lắm!”.
Câu chuyện về chiếc bánh Trung thu này đã khiến bao người phải cay mắt…
Không phải vô cớ mà Trung thu người ta gọi là Tết Đoàn viên để mọi người biết trân trọng hơn giá trị gia đình và quý giá thời gian bên nhau.
Với những đứa trẻ luôn cần cha mẹ ở bên cạnh, tuổi thơ chỉ có một lần nhưng nhiều cha mẹ đã đánh đổi cả tuổi thơ của con hiện tại vì ý nghĩ mang lại hạnh phúc cho con sau này. Tuy nhiên, họ không biết vết thương trong lòng những đứa trẻ sâu đến đâu và đau đến như thế nào!
Năm 2024, một cái Tết Trung thu rất khác! Không rộn ràng múa lân, tiếng trống đánh tùng rinh ngoài đường, không có lễ sôi động với chị Hằng, chú Cuội. Và có lẽ cũng không có dòng người đầy ắp đổ xô lên Hàng Mã hưởng không khí nô nức Tết Trung thu như mọi năm.
Siêu bão Yagi đi qua nhưng dư chấn vẫn còn đó. Vẫn còn những ngôi nhà vẫn ngập trong nước, còn những gia đình chẳng ai ở lại, có những ngôi làng gần như bị xóa sổ, có người đau đớn một mình, người bị chôn vùi dưới dòng sông sâu..
Người chồng động viên vợ trong bão lũ: “Nắm tay anh chặt vào. Còn vợ, còn con thì anh còn động lực làm lại”. Nhưng có những gia đình người ở lại đã chẳng còn một bàn tay nắm.
Tết Trung thu năm nay hội phụ huynh thông báo không tổ chức, lễ hội chị Hằng không diễn ra ở những sân chung cư đông đúc, đình làng không có múa lân… Nhưng nếu còn người thân, còn một mái nhà, chúng ta vẫn là người may mắn.
Trung thu này sẽ rất khác vì có những gia đình nhỏ ngồi lại với nhau bên mâm cỗ Trung thu giản dị với sự trân trọng và lòng biết ơn: “Còn bên nhau là còn hạnh phúc”.
Cô vợ càm ràm anh chồng kiếm ít tiền. Anh chồng buồn phiền vì cô vợ hay cằn nhằn. Bố mẹ thấy con mình không học giỏi như con người ta… Bão Yagi quét qua, sau những ngổn ngang đổ vỡ, người ta thấy mọi nỗi phiền muộn trước kia là điều không đáng.
Chiếc bánh Trung thu đắt nhất có thể là chiếc bánh tủi hờn nhất!
Sau tất cả, hạnh phúc của một đứa trẻ là một mái ấm, một tình yêu, một gia đình thực sự. Đừng buông tay khi lũ trẻ chưa đủ sức chủ động với tay tới điều chúng muốn.
Có những đứa trẻ sau bão Yagi đã lên thiên đàng, cũng có những đứa trẻ sau bão Yagi cha mẹ chúng đã lên thiên đàng, chúng không có một mái nhà. Chúng thậm chí quên mất hôm nay là Trung thu. Rồi sẽ làm lại, rồi sẽ bắt đầu, rồi sẽ nguôi ngoai…
Nhưng ngày hôm nay, cha mẹ ơi hãy sắm cho con của mình một chiếc bánh Trung thu đủ đầy nhất, là chiếc thập cẩm Yêu Thương nhân Gần Gũi. Và tất cả người Việt Nam sẽ rước đèn Sẻ Chia trong một đêm trăng rằm thật đặc biệt!