Trung thu đặc biệt của các em nhỏ ở Hà Nội: Không giăng đèn kết hoa, chẳng mâm cỗ tưng bừng nhưng vẫn là Trung thu ấm áp nhất!
Trung thu năm nay với cô trò trường Tiểu học Đống Đa thật đặc biệt.
"Trời tháng Tám ngàn sao rực rỡ
Hội trăng Rằm thắm đỏ cờ hoa
Trung thu hội tụ muôn nhà
Thiếu nhi náo nức hát ca vui mừng...".
Đó là những câu thơ rất đỗi thân thương mừng Tết Trung thu dành cho ngày Tết Thiếu nhi. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S đều rộn ràng, tưng bừng chuẩn bị đón Tết Trung thu. Thế nhưng mọi háo hức vội chùng lại, bởi cơn bão số 3 (bão Yagi) lạnh lùng quét qua để lại nỗi đau vô hạn cho đồng bào miền Bắc, trong đó có người dân Thủ đô.
Tính đến ngày 15/9, bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai. Ước tính chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ…
Khi mà ngày Tết đoàn viên đang gần kề, cảnh vợ mất chồng, con mất cha, bà mất cháu, cô mất trò,... thật đớn đau biết mấy.
Giữa dòng chảy cuồn cuộn của bão lũ, giữa tầng tầng lớp lớp bùn lầy, đất đá sạt lở, nhiều gia đình vẫn chưa tìm thấy người thân; nhiều gia đình vẫn đang chờ được cứu trợ, ngày vẫn đói, đêm vẫn lạnh; nhiều gia đình có người thân không quản ngại khó khăn, hiểm nguy tham gia cứu trợ đồng bào chưa hẹn ngày về; nhiều gia đình tận mắt chứng kiến dòng lũ gạt phăng đổ sập ngôi nhà dấu yêu sinh sống bao năm; nhiều học sinh chưa thể đến trường vì ngập lụt, sách vở, bàn ghế ướt hết,...
Hướng về nơi tâm lũ ấy, cứ nghĩ đến là lòng xót xa, trực trào nước mắt và nghẹn ứ lại chẳng thốt nổi thành lời.
Trung thu của yêu thương
Để sẻ chia với nỗi đau mất mát của đồng bào vùng lũ cũng như giáo dục các bé về lòng nhân ái, trường Tiểu học Đống Đa, Hà Nội sẽ tạm dừng các hoạt động lễ hội, vui chơi. Toàn bộ kinh phí tổ chức Lễ hội Trung thu 2024 của nhà trường, bao gồm các hạng mục trang trí, chương trình múa lân và phần hội cùng tấm lòng của các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên sẽ được gửi đến đồng bào trong thời gian sớm nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.
Trước mỗi thềm Trung thu, các phụ huynh đã lên ý tưởng, đăng ký gửi tặng quà để tổ chức cho các con; các thầy cô cũng đã tâm huyết chuẩn bị chương trình, thế nhưng tất cả tạm gác lại niềm vui riêng, hướng về đồng bào ruột thịt và nêu cao mục tiêu dạy trẻ biết yêu thương. Nói thực lòng, chẳng ai có quyền tước đi quyền vui chơi của con trẻ, thế nhưng năm nào các bạn cũng được đón Trung thu, còn năm nay, nhiều bạn nhỏ ở vùng lũ mất nhà, mất bố mẹ, mất trường, mất lớp,... Các bạn nhỏ trường Tiểu học Đống Đa sau khi xem được những hình ảnh, nghe những câu chuyện của các bạn ở vùng lũ, có bạn òa khóc nức nở, có bạn xin bố mẹ cho mổ lợn tiết kiệm để ủng hộ cho người dân vùng lũ, có bạn cùng bố mẹ đi quyên góp nhu yếu phẩm, cũng có bạn viết những lời nhắn nhủ, động viên yêu thương gửi tới người dân, các bạn nhỏ khác ở vùng lũ.
Những tình cảm chân thành, trong sáng rất đỗi tự nhiên được trỗi dậy trong các em chính là gieo mầm cho sự thiện lương, một trái tim biết đau cùng nỗi đau của dân tộc, là tấm lòng nhân ái cũng như nuôi dưỡng trách nhiệm công dân Việt từ sớm.
Chính vì thế, tiết sinh hoạt lớp của cô trò trường Tiểu học Đống Đa sau bão số 3 thật đặc biệt, tiết sinh hoạt mang tên "Chia sẻ những yêu thương". Trong tiết sinh hoạt đầu tuần, cô trò trường Đống Đa cùng nhau thực hiện việc ủng hộ từ thiện cho người dân vùng lũ ngay tại lớp học. Những lời nhắn nhủ yêu thương đầy ấm áp, những ánh mắt lấp lánh sự đơn thuần, những món quà nhỏ bé được gửi gắm bằng tất cả sự chân thành của các bạn học sinh Tiểu học Đống Đa xin được gửi tới đồng bào ruột thịt vùng lũ. Mỗi trái tim ở nơi này đều mong rằng tất cả mọi người được bình an và sớm vượt qua những mất mát để ổn định cuộc sống.
Cô Thu Hòa - giáo viên khối 3 chia sẻ trong tiết sinh hoạt lớp của tuần học đầu tiên rằng: "Mùa trăng năm nay của các bạn nhỏ Đống Đa không giăng đèn kết hoa, không mâm cỗ khổng lồ, không múa ca tưng bừng nhưng sáng ấm yêu thương của tấm lòng sẻ chia tương thân tương ái".
Những nụ cười thật tươi, những lời nhắn đầy ấm áp, những món quà nhỏ bé được gửi gắm bằng tất cả tình yêu thương, sự sẻ chia được xuất phát từ tấm lòng chân thành của các bạn nhỏ Tiểu học Đống Đa xin được gửi tới đồng bào vùng lũ. Mong rằng tất cả mọi người sẽ được bình an và sớm vượt qua những khó khăn để ổn định được cuộc sống.
Trung thu của sự sẻ chia, đồng hành cùng đồng bào vùng lũ
Chị Thu Hương (sống tại Hà Nội) là một "hot mom" nổi tiếng khéo tay trên MXH, năm nào chị cũng tất bật và chu đáo chuẩn bị những mâm cỗ Trung thu lung linh, nhiều màu sắc. Thế nhưng năm nay, đứng trước nỗi đau mất mát của đồng bào chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, chị Thu Hương cho biết, mỗi khi đọc một tin tức mới, chứng kiến một hình ảnh miền bão lũ, cảm giác xót xa cứ dâng trào, tim gan thắt lại trước sự mất mát đau thương mà người dân vùng tâm lũ đang phải chịu. Chị cầu mong mọi người được bình an và sớm vượt qua được những khó khăn để ổn định cuộc sống.
Mâm cỗ Trung thu của chị Thu Hương trong dịp Trung thu 2024.
Trung thu năm nay, chị Thu Hương tâm sự có làm một mâm cỗ đơn giản hỗ trợ lớp học của con trai trong tiết sinh hoạt chủ đề Trung thu diễn ra vào thứ 2 cùng với mẹt tò he đặc biệt: "Mẹt tò hè hình chú bộ đội cứu dân là tác phẩm của Nghệ nhân nhân dân làng nghề Tò he Nguyễn Văn Thành. Bác làm tặng lớp con trai chị cho ngày Trung Thu Sẻ Chia - Lan Tỏa Yêu Thương".
Mong rằng những điều yêu thương nhỏ bé, những tấm lòng tương thân tương ái của các bạn nhỏ trường Tiểu học Đống Đa sẽ được gửi gắm tới người dân vùng lũ. Cảm ơn những "búp măng non" đã sớm biết chia sẻ sự thiện lương và đồng cảm tới đồng bào ruột thịt của mình. Hy vọng với sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể, tổ chức, các cá nhân có tấm lòng vàng cùng những nghĩa cử cao đẹp ấy là điểm tựa tinh thần để người dân miền bão lũ đứng dậy sau đau thương, tái thiết, ổn định cuộc sống. Mùa đoàn viên ý nghĩa nhất chính là mùa của yêu thương, mùa của san sẻ được lan tỏa rộng rãi.