Mỹ phẩm nhái tung hoành, nhiều người nhập viện vì tai biến
Lãi “khủng” từ kinh doanh mỹ phẩm dỏm, nhái đã khiến không ít người bất chấp xử phạt, tiếp tục tuồn hàng nhái ra thị trường.
Bị phạt vẫn không chừa
Trơ lì với xử phạt trong kinh doanh mỹ phẩm nhái phải kể đến Công ty TNHH Sản xuất thương mại XNK Tân Đại Dương ở đường 13C, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM.
Tháng 3/2014, khi phát hiện hàng loạt sản phẩm nhái Sắc Ngọc Khang chính hiệu có tên gọi “Mủ trôm Sắc Ngọc Khang” của Công ty Tân Đại Dương tràn lan trên thị trường, Công ty Hoa Thiên Phú đã khiếu nại lên Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tháng 5/2014, Thanh tra bộ này đã vào cuộc, phát hiện Công ty Tân Đại Dương sản xuất mỹ phẩm nhái “Mủ trôm Sắc Ngọc Khang”. Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, công ty này còn nhái cả kiểu dáng bao bì, tài liệu hướng dẫn sử dụng và quảng cáo. Hành vi này bị phạt 20 triệu đồng.
Mỹ phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Tháng 8/2014, Công ty Tân Đại Dương tiếp tục sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm nhái. Các sản phẩm nhái nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang chính hiệu bị yêu cầu thu hồi trước đó, ngang nhiên được bày bán tràn lan ở các chợ tại TPHCM. Thanh tra Bộ KH&CN tiếp tục xử phạt, đồng thời buộc thu hồi sản phẩm vi phạm.
Tuy nhiên, Công ty Tân Đại Dương vẫn làm ngơ. Mới đây, Cục Quản lý Dược quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc 56 loại mỹ phẩm “Mủ trôm Sắc Ngọc Khang” và “Mủ trôm Tân Đại Dương” nhái thương hiệu do Công ty TNHH Sản xuất thương mại XNK Tân Đại Dương sản xuất, vì không đạt yêu cầu về sản xuất mỹ phẩm.
Năm 2014, khi bị Quản lý thị trường TPHCM phát hiện sản xuất mỹ phẩm nhái của Nhật Bản, buộc đình chỉ và thu hồi, Công ty Nguyệt Minh ở quận Tân Bình, TPHCM chuyển địa điểm sang quận 7. Tại đây, chủ cơ sở lại làm nhái dầu gội đầu nhãn hiệu Komoch, dầu gội hiệu Opu và hàng loạt mỹ phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp.
Tất cả các nhãn hiệu mỹ phẩm này lấy mẫu kiểm nghiệm đều không đạt chỉ tiêu chất lượng. Từ hàng Trung Quốc nhập về, Công ty Vĩnh Khương ở quận Tân Phú pha chế thành “kem trộn”, sau đó in nhái nhãn các mỹ phẩm thương hiệu, dán lên và bán ra thị trường.
Làm ăn chân chính cũng “chết”
Trong gần 2 năm, Công ty Tân Đại Dương tuồn ra thị trường hàng triệu lọ mỹ phẩm nhái, nhưng cơ quan chức năng không biết, cho đến khi có sự “phát hiện” của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cục Quản lý Dược cho biết, lý do đình chỉ 56 sản phẩm mỹ phẩm của công ty này là do cơ sở sản xuất không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn về thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm ASEAN.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ngày 13/2/2015, các mặt hàng nhái này được Công ty Tân Đại Dương công bố, và được Sở Y tế TPHCM cấp phiếu tiếp nhận. Từ “lá bùa” này, mỹ phẩm nhái của Tân Đại Dương tung hoành trên thị trường.
Đại diện Hội Dược học TPHCM cho biết, “lỗ hổng” hiện nay trong quản lý mỹ phẩm là doanh nghiệp mỹ phẩm tự công bố sản phẩm rồi tự sản xuất, trong khi cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm khi có “sự cố” xảy ra.
“Điều này vô hình trung là cơ quan quản lý không biết dây chuyền cơ sở đó như thế nào, nguyên liệu ra sao, và dùng trang thiết bị gì để làm mỹ phẩm. Đến khi phát hiện mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm nhái thì nó đã ra thị trường và gây ảnh hưởng người tiêu dùng rồi”, vị đại diện nói.
Ông Vũ Cao Thăng, Phó Tổng giám đốc Công ty Hoa Thiên Phú, đơn vị vừa bị Công ty Tân Đại Dương nhái nhãn hiệu, nói rằng, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong mỹ phẩm diễn ra tràn lan và Hoa Thiên Phú là một nạn nhân.
“Mới đây, trong số nhãn hàng bị thu hồi của Công ty Tân Đại Dương có sản phẩm Mủ trôm Sắc Ngọc Khang. Đây là sản phẩm cố tình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm Sắc Ngọc Khang mà chúng tôi đã đăng ký bảo hộ”, ông Thăng nói và cho biết đây là lần thứ 3 sản phẩm của mình bị làm nhái.
Ông Phạm Hoàng, Giám đốc Công ty Thông Hạnh, chuyên nhập khẩu mỹ phẩm từ nước ngoài về phân phối than thở, nhiều lúc “chịu chết” trước nạn mỹ phẩm nhái. “Tôi mới tung ra thị trường lô mỹ phẩm nhập từ Nhật Bản về, hai tuần sau đã thấy có một loại mỹ phẩm nhái tương tự. Lần tìm cả mấy tháng chúng tôi mới phát hiện ra 'lò' làm nhái”, ông Hoàng ngao ngán.
Theo ông Thăng, việc bị làm nhái hàng loạt mỹ phẩm không chỉ làm tổn hại đến uy tín các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đầu tư vào sản xuất mỹ phẩm với nhà máy hiện đại, sản phẩm được cấp phép, mà còn “giết” người tiêu dùng.
“Rất nhiều người tiêu dùng mua phải mỹ phẩm nhái, dỏm đã phải vào viện vì tai biến”, ông Thăng nói.
Luật sư Lê Tri Đức - Công ty Luật 360 - Đoàn Luật sư TPHCM, nói rằng, hiện chế tài xử phạt các cơ sở làm nhái hàng hóa vẫn chưa đủ mạnh, nên hàng nhái vẫn có “đất” để tung hoành, đặc biệt là mỹ phẩm, do làm một bán mười, nên các đối tượng hám lợi bất chấp pháp luật để làm.
Luật sư Đức cho rằng, ngoài việc cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, người tiêu dùng (vừa là đối tượng được bảo vệ, vừa là chủ thể tiêu dùng) nên bày tỏ thái độ, hành vi một cách quyết liệt trong trận chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.