Clip "Sự thật về mỹ phẩm làm trắng" khiến phái đẹp hốt hoảng

Theo Trí Thức Trẻ,
Chia sẻ

Đoạn clip trong chương trình Cuộc sống thường ngày của VTV1 đã vạch mặt loại kem trắng da cấp tốc Ecolly từng "làm mưa làm gió" trên thị trường làm đẹp.

"Sản phẩm làm trắng" quả là danh từ mỹ miều mà những người bán hàng online thường gắn cho hộp kem có tác dụng trắng da siêu tốc, thường được họ quảng cáo là "Thần dược" cho làn da trắng mịn. Không phải ai cũng sở hữu một làn da mịn màng, trắng như Ngọc Trinh, và các cô gái rất dễ rơi vào cái bẫy kem trộn - với bao lời quảng cáo "Bật tone sau 3 ngày, không trắng cam kết hoàn tiền" nhan nhản trên mạng... Hậu quả của việc sử dụng kem trộn, kem không rõ nguồn gốc đã được nhắc đến trong vô số bài báo. Đã có quá nhiều nạn nhân phải trả những bài học đắt đỏ vì muốn sở hữu làn da trắng trẻo trong thời gian ngắn. Thế nhưng, câu chuyện xung quanh kem trắng da vẫn luôn nhức nhối.

Mới đây, trên chương trình VTV1 - Cuộc sống thường ngày đã đưa tin "Sự thật về kem trắng da cao cấp bán qua mạng". Đoạn clip sau đó được cư dân mạng tỏ ra quan tâm và đều giật mình về thứ gọi là "Kem trắng da cao cấp" mà bấy lâu nay họ vẫn tưởng rằng rất chất lượng và đảm bảo. Chỉ dài khoảng 3 phút nhưng ai xem đoạn clip này cũng đều choáng váng vì công nghệ "xây dựng" nên những hộp kem được quảng cáo siêu trắng, giá cũng không hề rẻ - thực chất là như thế nào.

Clip
Bộ sản phẩm trắng da Ecolly thực chất là hàng dởm

Một trong những "bộ đặc trị" được nhắc đến trong clip là mỹ phẩm cao cấp Ecolly, kem đặc trị nấm, tàn nhang, làm trắng từ tinh chất ngọc trai... được quảng cáo nhan nhản trên mạng, bán với giá 1 triệu 400 nghìn đồng với xuất xứ từ Hàn Quốc. Sản phẩm này được quảng cáo là bán khá chạy trên thị trường với các công dụng thần kỳ làm trắng. Các nhân viên còn giới thiệu những dòng kem cao cấp hơn trong làm trắng, giá của nó không hề rẻ so với những hãng nổi tiếng trên thị trường: khoảng 2,4 triệu đồng/bộ.

Clip vạch mặt loại kem trắng da cao cấp Ecolly thực chất là kem giả.

Tuy nhiên, khi các trinh sát Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường (Công an quận Ba Đình) và Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra Công ty Bách Phương (địa chỉ tại ngõ 678 Đê La Thành, Hà Nội), chủ cơ sở là Đoàn Thị Dung (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã không xuất trình được giấy phép sản xuất mỹ phẩm; không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh xuất xứ của nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm. Vậy là loại kem trên không hề được nhập từ Hàn Quốc như trong quảng cáo. Khi bị bắt giữ, chủ cơ sở đã khai nhận kem được mua tại... Lạng Sơn, Móng Cái và Quảng Ninh. Cũng ít ai ngờ rằng loại kem mà các tín đồ mê làm trắng đang bôi lên mặt kia lại có giá cực rẻ và được đựng trong những cái lọ nhựa bẩn thỉu.

Quy trình sản xuất kem rất sơ sài: kem hút ra xi lanh, bơm vào lọ rồi đóng hộp vào. Toàn bộ vỏ hộp phụ kiện cũng được chủ cơ sở khai nhận đặt tại Trung Quốc. Cơ quan điều tra đã khẳng định đây là hoạt động lừa dối khách hàng, diễn ra suốt 2 năm nay. Ông Lê Việt Phương, phó Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 14 cho biết: "Khi mang loại kem này đi giám định, đã phát hiện những hoạt chất bị cấm, không được sử dụng trong mỹ phẩm".

Tại cơ quan công an, Đoàn Thị Dung cho biết, Công ty TNHH thương mại quốc tế Bách Phương thành lập từ năm 2011. Đến tháng 4/2013 Công ty Bách Phương bắt đầu sản xuất mỹ phẩm Ecolly - nhãn hàng do Đoàn Thị Dung và đồng bọn tự nghĩ ra.

Điều đáng sợ hơn, theo khai nhận của chủ cơ sở các loại kem giả này, không chỉ bán trên mạng, chúng còn được đưa vào các thẩm mỹ viện lớn của Hà Nội và các tỉnh dưới cái mác mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc. Hiện công an thành phố Hà Nội đang điều tra làm rõ những cơ sở thẩm mỹ nào đang tiêu thụ sản phẩm Ecolly này, lừa dối người tiêu dùng.

Việc vạch trần sự thật về kem trắng da cao cấp Ecolly - thực chất chỉ là kem trộn xuất xứ từ Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào những người có thói quen sử dụng kem trắng da siêu tốc được quảng cáo trên mạng. Đã có quá nhiều vụ tố kem giả, tố dị ứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến da sau khi dùng kem trộn, khiến nạn nhân vừa tốn tiền mua kem giả giá đắt - vừa tốn tiền đi chữa trị mặt. Thế nhưng không hiểu vì sao các "thương hiệu" lừa đảo như Ecolly vẫn "sống tốt" suốt 2 năm qua trong thị trường kem làm trắng đang bát nháo "mạnh ai nấy sống".

Chia sẻ