Mỹ chia sẻ 25 triệu liều vaccine COVID-19 với các nước, trong đó có Việt Nam
Ngày 3/6 (đêm 3/6 theo giờ Việt Nam), Nhà Trắng ra thông cáo cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chia sẻ khoảng 25 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19 với các nước, trong số này có Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác.
Tổng thống Biden cho hay đây là 25 triệu liều đầu tiên trong số 80 triệu liều vaccine COVID-19 mà Chính phủ Mỹ trước đó tuyên bố chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng lô vaccine này sẽ góp phần gia tăng độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu, ngăn chặn các ca nhiễm mới, cũng như giảm gánh nặng cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
Ông Biden đánh giá khi Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực tiêm phòng cho người dân ở trong nước, thì Mỹ cũng nhận thấy rằng chấm dứt đại dịch có nghĩa là phải chấm dứt ở tất cả mọi nơi, vì chừng nào COVID-19 còn bùng phát ở đâu đó trên thế giới, người dân Mỹ vẫn sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, 75% trong số 80 triệu liều vaccine COVID-19 mà Mỹ dự kiến chia sẻ sẽ được phân bổ theo chương trình COVAX của Liên hợp quốc. Trong số này, Mỹ sẽ ưu tiên cho các quốc gia Mỹ Latinh, Caribe, Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi. Còn lại 25% số liều vaccine (trong 80 triệu liều), Washington sẽ dành để chia sẻ trực tiếp với những quốc gia có nhu cầu khẩn cấp, các nước láng giềng của Mỹ và những nước đề nghị Washington giúp đỡ.
Trong 25 triệu liều vaccine COVID-19 cung cấp đợt đầu tiên này, sẽ có gần 19 triệu liều được phân bổ qua chương trình COVAX. Cụ thể, khoảng 6 triệu liều sẽ dành cho các nước Trung và Nam Mỹ gồm: Brazil, Argentina, Colombia, Costa Rica, Peru, Ecuador, Paraguay, Bolivia, Guatemala, El Salvador, Honduras, Panama, Haiti, các nước Cộng đồng Caribe (CARICOM) và Cộng hòa Dominica.
Khoảng 7 triệu liều vaccine sẽ được chia sẻ với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, gồm: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan (Trung Quốc), và các đảo Thái Bình Dương.
Khoảng 5 triệu liều dự kiến được chia sẻ với các nước châu Phi, thông qua hoạt động phối hợp sàng lọc cùng Liên minh châu Phi (AU).
Ngoài ra, có khoảng 6 triệu liều nữa sẽ dành để cung cấp cho các đối tác và khu vực ưu tiên như Mexico, Canada, Hàn Quốc, Bờ Tây và Dải Gaza, Ukraine, Kosovo, Gruzia, Ai Cập, Jordan, Ấn Độ, Iraq, Yemen và các nhân viên tuyến đầu của LHQ.
Tới nay, Mỹ đã cam kết cung cấp 4 tỷ USD cho chương trình phân bổ vaccine toàn cầu do Liên hợp quốc đứng đầu là COVAX. Đồng thời, Washington cũng phát động các mối quan hệ đối tác để tăng cường năng lực sản xuất vaccine COVID-19.
Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Biden cũng hứa tài trợ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước. Số vaccine này sẽ không được chuyển giao tới chừng nào nhà chức trách Mỹ phê chuẩn việc sử dụng vaccine của AstraZeneca. Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Biden cũng cam kết chuyển thêm 20 triệu liều vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cho thế giới.
Ở Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt 3 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm vaccine một liều của Johnson & Johnson (J&J), vaccine tiêm hai liều Pfizer và Moderna. Vaccine Pfizer và Moderna có tác dụng bảo vệ 95% đối với bệnh nhân có triệu chứng. Hiệu quả một liều của J&J là 85% chống lại COVID-19 nghiêm trọng, nhưng chỉ hiệu quả 66% với các ca bệnh nặng và vừa.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) Munir Akram đã bày tỏ hy vọng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đóng góp vào tiến trình phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Akram nhấn mạnh ông hy vọng Mỹ - nước sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên được phê duyệt, sẽ đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới để phân phối vaccine một cách bình đẳng.
Theo ông Akram, nếu Mỹ và Nga, hai nước đã phát triển thành công vaccine COVID-19, tham gia Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do LHQ khởi xướng thì thế giới sẽ có thêm nhiều người được tiêm vaccine hơn.