"Mưu hèn kế bẩn" chốn công sở
Dân công sở đến văn phòng không chỉ để làm việc, đôi lúc họ còn phải chuẩn bị sẵn sàng giáp trụ để... chiến đấu với đồng nghiệp.
Ngọt ngào mượn gió bẻ măng
"Nói cho mình bạn biết thôi đó nha!"
Hãy cẩn thận với "cạ cứng".
Sau hơn 1 năm ra trường thì Thanh Mai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được nhận vào công ty tư vấn luật T. Đây là nơi cô đã mơ ước từ lâu bởi sự năng động và tên tuổi của công ty trên thương trường.
Nhóm làm việc của Thanh Mai gồm có 5 người sàn sàn tuổi nhau. Bình hơn những người trong nhóm một vài tuổi, cũng là người có thâm niên lâu nhất nên được bầu làm trường nhóm. Thời gian đầu công việc khá suôn sẻ, nhưng sau một thời gian khi các hợp đồng ngày càng nhiều thì rắc rối bắt đầu nảy sinh. Mỗi lần tranh luận khá gay gắt, ai cũng muốn bảo lưu ý kiến của mình, nhất là Bình, anh thường áp đặt ý kiến chủ quan lên đồng nghiệp và có những lời nói khá nặng nề.
Ngay ngày hôm sau lúc ăn trưa, Mai được Lan cùng nhóm rỉ tai cho những thói xấu của Bình, nào “là người yêu của em gái sếp nên có tiếng nói trọng lượng lắm. Thế nhưng anh ta cũng có nhiều điểm yếu, như chỉ học văn bằng 2 luật, khả năng ngôn từ kém nên nhiều khi dung từ sai trong hợp đồng…”.
"Nói cho mình bạn biết thôi đó nha!"
Vài ngày sau, Mai nhận được yêu cầu add của một nick lạ: “Em là Hân, sinh viên luật năm cuối, em định đến công ty chị học việc, anh Bình sẽ là người hướng dẫn em. Nhưng em nghe nói anh ấy hơi khó tính, có gì chị giúp em được không ạ?”. Sẵn đang bực mình, cô kể luôn ra những gì biết về Bình như Lan truyền đạt.
Tưởng nói với người lạ như vậy cho vui, không ngờ hôm sau họp nhóm, Mai bị sếp phê bình vì tiết lộ chuyện nội bộ công ty cho người ngoài, nói xấu đồng nghiệp, gây mất đoàn kết trong nhóm. Kèm theo đó là yêu cầu phải xin lỗi Bình và hình phạt trừ ¼ tháng lương. Đang không biết vì sao thì được một chị trong phòng rỉ tai: “Hôm trước chị nghe Lan nhờ em họ lập nick giả tên là Hân để chat hỏi chuyện em, mục đích là để em nói ra hết những gì bức xúc về anh Bình và bị sếp phạt vì công ty có phần mềm theo dõi chat, sếp chắc chắn đã đọc được”.
"Nghe thế mà tôi rùng hết cả mình, hoá ra những lần Lan khích lệ tôi chống lại anh Bình, những lời tâm sự để tôi dốc ruột dốc gan ra là để tôi không kiềm chế được và nói những câu không hay về anh Bình, để trong mắt sếp tôi là người xấu xa, hay hiềm khích và gây mất đoàn kết…" - Mai lắc đầu ngán ngẩm.
Cạ cứng "hất cẳng"
Mạnh Cường làm cho một công ty truyền thông khá có tiếng ở Hà Nội. Anh luôn cố gắng chăm chỉ hoàn thành tốt công việc của mình. Các sếp cũng biết điều đó và đánh giá cao nỗ lực của anh.
Nhưng mọi chuyện đều thay đổi từ khi Anh Quân được nhận vào làm. Quân là người vui tính, tốt bụng và toàn tâm, toàn ý cho bạn bè. Sau một thời gian làm việc, anh được cất nhắc lên vị trí trưởng nhóm.
Từ chỗ quý mến, Mạnh Cường trở thành cạ cứng của Quân. Và đáp lại, Anh Quân cũng giúp đỡ Cường rất nhiều. "Anh khuyên tôi năng lực hơi hạn chế nên phải cải thiện bằng bằng cấp. Và học MBA – Đại học Ngoại thương là cách tốt nhất. Thậm chí anh còn cho tôi vay 3 triệu đồng tiền học chuyển đổi", Cường kể.
Như thế vẫn chưa phải là tất cả những gì “tốt đẹp” nhất mà Anh Quân dành cho Cường. Anh Quân tạo điều kiện cho Cường về sớm đi học, nghỉ học ở nhà ôn bài, thâm chí... học bài ngay trên công ty, còn phần việc của Cường anh sẽ làm giúp.
Một hôm, bất ngờ sếp gọi Cường vào phòng và hỏi cặn kẽ những công việc đã làm trong thời gian qua.
Hãy cẩn thận với "cạ cứng".
Sếp nhìn Cường đầy thất vọng rồi hỏi tại sao lại có việc gian dối này và anh đã nói thật về chuyện đi học cao học và chuyện anh Quân làm đỡ công việc. Mấy hôm sau, Mạnh Cường có quyết định bị sa thải. Anh ngỡ ngàng và suy sụp, còn anh Quân an ủi Cường như một người bạn chân thành nhất.
Một tháng sau công ty tuyển nhân sự mới cho vị trí của cường, đó chính là Lệ - người yêu Quân. "Thực tế, ngay từ khi anh Quân mới vào công ty, anh đã lên kế hoạch hất cẳng tôi. Sau này tôi đi nhậu với mấy người bạn đồng nghiệp cũ mới nghe họ nói".
Trở lại câu chuyện của Cường sau khi bị sếp gọi lên. Lúc đó, sếp đã bỏ qua cho Cường. Kế hoạch ban đầu không thành nên Quân đã nghĩ ra phương pháp chữa cháy. Quân bịa với sếp là Cường đang làm thêm cho một công ty khác và vì chỗ làm thêm giục ác quá nên mới bày kế đổ việc cho anh. Quân còn khéo léo tạo bản copy giả những tài liệu chứng tỏ Cường đi làm thêm.
Sếp "dìm hàng"
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân Quản trị Nhân lực ngành Lao động Tiền lương loại giỏi, Phương Thảo không khó để tìm cho mình công việc phù hợp. Sau ba năm đi làm đúng ngành nghề, cộng với mối quan hệ của gia đình, cô đã xin vào làm tại một ngân hàng với mong muốn ổn định.
Phương Thảo được tiếp nhận vào phòng nhân sự. Sếp trực tiếp của Thảo, tức chị Bình, là một người trẻ trung, mới 34 tuổi, có trình độ và chưa chồng. Là người làm nhân sự có thâm niên, chị thừa biết Thảo có kinh nghiệm làm tiền lương, song thay vì cho cô làm đúng vị trí,chị Bình bắt cô làm công việc liên quan đến tuyển dụng.
Không hài lòng với cách sắp xếp của chị nhưng vốn có tính cầu thị, Thảo nỗ lực với niềm say mê để có thể làm tốt nhất. Công việc không đúng với khả năng nên cô có nhiều bỡ ngỡ, cần được giúp đỡ. Vậy mà chị Bình thường trả lời bâng quơ hoặc kêu bận để mặc Thảo tự “bơi” giữa đống công việc lạ hoắc, còn mình thì hằng ngày điện thoại "buôn dưa lê".
Căn phòng đã chật, Thảo ngồi sát chị nên thường xuyên bị tra tấn lỗ tai. Chị lại liên tục sai vặt lấy nọ, lấy kia, sang chỗ này, đến chỗ kia khiến cô không tập trung làm việc được. Chị can thiệp cả cách ăn mặc của Linh dù cô luôn vận thời trang công sở đúng quy định.
"Em làm như thế sai rồi!".
Về công việc, chị thường bắt Thảo làm theo những form bảng biểu chị đưa, phải dập khuôn y hệt. Làm vậy rất lâu, Thảo muốn làm theo cách của mình vừa nhanh, vừa dễ, chị lại không cho. Theo cách của chị, đến khi Thảo hỏi thao tác, chị lại quên, phải gọi điện hỏi người khác. Chị bảo thủ một cách trì trệ.
Chị Bình chưa có gia đình, tối thường nấn ná ở lại công ty. Vì vậy, cố tình giao cho Thảo thật nhiều công việc rồi yêu cầu phải làm ngay. Hôm nào cũng 18h đến 18h30, Thảo mới được về. Cá biệt hôm nào về sớm thì chị lại làm phiền bằng điện thoại. Có khi Thảo đang ăn cơm, đang tâm sự cùng bạn trai, chị cũng phá ngang, hỏi toàn cái không cần thiết.
"Không chịu nổi, tôi đã bí mật gặp chị giám đốc để phàn nàn. Thật bất ngờ, chị giám đốc thắc mắc với tôi lâu nay em làm việc kiểu gì mà chị Bình không hài lòng. Chị ấy nói rằng em làm việc không có kế hoạch rõ ràng, thiếu hiểu biết và năng lực kém, tác phong làm việc chưa phù hợp, khả năng giao tiếp không có... Thực sự tôi rất bất ngờ và sốc vì đây toàn những điều không đúng với sự thật và cảm nhận của tôi với công việc đã đảm nhiệm. Tôi thấy rất buồn, tôi không biết mình đã làm gì gây tổn hại tới chị và công việc để chị phải nói như vậy."
Dằn mặt ma mới
Vừa chân ướt chân ráo ra trường, Dương Linh (cựu sinh viên Học viện báo chí) xin vào biên tập ở một trang tin khá có tiếng. Ngày đầu Linh đến làm thì chưa được bố trí công việc gì, vì chị trưởng phòng đi vắng. Linh hỏi một bạn đồng nghiệp, đồng nghiệp bảo Linh cứ ngồi đợi, khi nào chị ấy đến giao việc thì làm, không thì thôi. Linh lại hỏi số điện thoại của chị thì đồng nghiệp gắt lên là không biết.
Ngày thứ hai đi làm, chị trưởng phòng đến và giao việc cho Linh kèm mấy câu trách nhẹ không nhanh nhẹn liên lạc với chị. Linh ngậm ngùi không dám nói về việc hôm qua. Cô được giao cho một cái máy tính để làm việc, nhưng sau khi Linh rời khỏi cái máy tính 10 phút thì lúc quay lại máy tính đã bị nhiễm virus, tự tắt máy và khởi động lại liên tục. Hóa ra một đồng nghiệp đã cắm USB nhiễm đầy virus vào máy tính của Linh. Sếp thấy Linh loay hoay mãi với cái máy lại mắng cô chậm chạp.
Ngày thứ ba, Linh đã sửa được máy, cài phần mềm diệt virus và yên tâm viết bài. Nhưng không hiểu sao cô đã lưu bài vào folder riêng của mình rồi mà đến ngày hôm sau lại mất hết. Đến giờ sếp duyệt bài để đăng lên web thì cô không có bài để trình. Không biết thanh minh ra sao, Linh đành nhận lỗi đã không hoàn thành công việc, rồi lại ngồi hì hục làm lại. Linh viết trong tâm trạng lo âu và chán nản thành ra bài viết không được thành công lắm, sếp chê lên chê xuống.
"Công ty vừa có người mới, chơi thôi!"
Hết thời gian thử việc, Linh được sếp giao cho một account riêng. Linh ghi account và password ra quyển sổ của mình. Thật không ngờ có người biết được. Vậy mà có ai đó đã dùng account của cô đăng nhập vào làm rối loạn cả website. Linh không tài nào thanh minh được việc đó vì rõ ràng trên hệ thống vẫn lưu tên đăng nhập của cô. Linh bị sếp mắng cho một trận và đuổi viêc.
"Đến công ty mới, tôi vẫn bị đồng nghiệp chơi xấu. Sếp giao cho tôi và một đồng nghiệp nữa cùng viết bài PR, nhưng vì sáng hôm đó tôi có việc riêng nên đến muộn, sếp cũng vội nên nói với bạn đồng nghiệp kia là bảo tôi cùng viết bài PR với bạn ấy, mỗi người một bản, bản nào tốt hơn thì sẽ được sếp duyệt. Thế nhưng bạn ấy đã không hề nói gì với tôi. Đến khi sếp về hỏi tôi bài PR đâu thì tôi bảo tôi không thấy sếp nói gì, bạn đồng nghiệp thì cam đoan đã nói với tôi rồi....
Có lẽ nếu tôi kể tiếp ra đây thì có đến vài trang giấy cũng không hết những chuyện tôi bị đồng nghiệp chơi xấu. Lần nào tôi cũng tự nhủ là mình phải cố gắng hơn nhưng lần nào tôi cũng bị mắc những sai lầm ấy. Mỗi đồng nghiệp xấu có một chiêu riêng mà tôi thì quá thật thà nên không kịp trở tay. Nhưng giờ tôi đã rút ra bài học: Phải bật lại đồng nghiệp xấu khi thích hợp, và không nên nghỉ việc chỉ vì những điều nhỏ nhặt ấy vì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Tôi phải học cách chung sống với những đồng nghiệp xấu. Thành phố lớn mà, sự cạnh tranh khốc liệt khiến người ta nhiều khi nhỏ nhen và đáng sợ hơn".