Mứt quất

,
Chia sẻ

Món mứt quất có thể thực hiện để dùng quanh năm, vì có tác dụng kích thích tiêu hóa và giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, thực hiện món mứt này đòi hỏi phải khéo tay và kiên trì.

Lựa chọn: Lựa quất vàng đều, trái vừa, vỏ láng và mỏng, tránh chọn loại vỏ xanh, sẽ làm màu mứt không đẹp, hoặc những trái có vỏ sần, dễ làm mứt bị sượng.

Thực hiện: Dùng lưỡi lam bào mỏng lớp vỏ. Sau đó, dùng đầu dao nhọn chọc ở đầu vỏ quất, lấy bớt nước. Nước quất được vắt ra để dành cho công đoạn rim mứt.

Ngâm quất vào nước muối loãng một giờ để quất mềm, dễ lấy hạt, đồng thời nước muối sẽ làm quất bớt chua. Dùng kim khơi hạt. Tiếp theo ngâm qua nước vôi trắng loãng (loại trong) khoảng một giờ để quất có độ giòn. Sau đó, vớt ra để ráo, không cần xả lại bằng nước lạnh.

Cứ 1kg quất sử dụng 700g đường.


Có hai cách rim quất:

Cách 1: lấy đường nấu với lượng nước quất đã vắt ra từ công đoạn đầu, sau đó bỏ trái quất vào rim. Rim lửa càng nhỏ thì mứt càng đậm đà. Không dùng thìa hoặc đũa để trở quất, vì dễ làm quất bị nát, chỉ cần dùng muỗng múc nước quất đang rim (khi rim nước trong trái quất sẽ chảy ra) xối nhẹ lên bề mặt quất, để quất thấm đều. Rim đến khi nước mứt vừa kẹo lại, vớt quất ra, bỏ vào mâm, mang hong gió (không phơi nắng). Bảo quản trong lọ thủy tinh hoặc trong bao ni lông.

Cách 2: nếu trong quá trình rim, quất bị vỡ nát, thì có thể cho thêm củ gừng (khoảng một ngón tay cái) đã bằm nhỏ. Ngay khi nhấc quất xuống, cho khoảng 50g cam thảo vào trộn đều, sau đó mang đi hong gió. Với cách rim này, mứt quất có vị khác. Ngoài ra, mứt quất gừng có thể trị bệnh cảm, ho khan, giúp ấm bụng và giảm đau bụng.

Khi vớt quất ra, còn lại nước kẹo của quất và đường, có thể dùng làm si rô.  

Theo Phụ nữ

Chia sẻ