Muôn vàn lí do dân công sở bỏ việc đi buôn
Không phải ngẫu nhiên mà các anh chàng, cô nàng công sở bỏ việc đi buôn bán. Lý do mà họ đưa ra cũng vô cùng táo bạo và khó ai ngờ.
Không phải là sự lạ nếu như một ngày nào đó, người đồng nghiệp bên cạnh bạn bỗng dưng bỏ việc đi buôn, sau đó 2 hôm, chỗ ngồi bên đó đã trống rỗng và đang chờ một người khác tới tiếp quản. Hiện tượng này đã thành một trào lưu? Và lý do để những cô nàng, anh chàng công sở sẵn sàng từ bỏ “nghề nghiệp ổn định, lương tháng đều đều” để đi kinh doanh cũng vô cùng táo bạo và khó ai ngờ.
Bỏ việc đi buôn vì… “lương không đủ tiêu”
Đây là lý do vô cùng chính đáng của Trần Quang Trung, nhân viên của một công ty nước, 27 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội. Trung làm nhân viên cho công ty được 3 năm thì bỏ việc bởi lương không đủ tiêu. Đối với việc chi tiêu của một chàng trai trẻ ở tuổi của Trung, lại thêm bao bọc một cậu em trai đang học đại học, thì mức lương 5,5 triệu/tháng là quá thấp.
Trung tâm sự: “Lượng công việc của em không nặng, nhưng lại chiếm nhiều thời gian. Thành ra em không thể làm thêm được công việc khác. Em muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình. 4 năm đại học em cũng làm thêm ở nhiều nơi, cứ tưởng khi ra trường, cố gắng phấn đấu rồi cũng sẽ thành đạt như người ta. Nhưng em làm việc này được 3 năm rồi mà vẫn giậm chân tại chỗ. Tháng nào cũng hết sạch lương ngay tuần đầu tiên vì đi trả nợ. Em thấy ngán ngẩm với kiểu này lắm rồi”. Vì thế mà Trung bỏ việc.
Trung kể, lúc đầu bỏ việc, cậu rất hoang mang. Hoang mang vì không biết mình sẽ làm gì để có tiền trả tiền thuê nhà hàng tháng, tiền ăn của hai anh em, tiền đóng học cho cậu em… Nhưng nếu không bỏ việc, cứ thêm vài năm nữa, Trung sợ mình không đủ can đảm để tìm hướng đi khác nữa. Nhân lúc tuổi còn trẻ, sự nhiệt tình và năng động dồi dào, lại thêm cá tính “ngã đâu đứng lên tại đấy”, Trung quyết định đầu tư thời gian đi học nghề cắt tóc.
Năm đầu tiên, Trung phụ giúp việc trong cửa hàng tạo mẫu tóc của một đàn anh từng đoạt giải “Cây kéo vàng”. Cậu là việc này hoàn toàn không có một đồng tiền công, ngược lại phải nộp hơn 10 triệu tiền “học phí”. Sau tay nghề đã ổn định, cậu được trả lương, nhưng mức lương rất bèo bọt, chỉ coi như một sự hỗ trợ đi lại. Đến khi có thể mở được cửa hàng, Trung lại tất bật đi vay tiền từ bạn bè và người thân để mua sắm trang thiết bị và thuê mặt bằng. Cửa hàng khai trương, nhưng đến 8 tháng sau Trung mới được cầm đồng tiền lãi trong tay.
“Bây giờ áp lực của em không còn lớn nữa. Em đã trang trải đủ tiền chi tiêu trong cuộc sống của hai anh em và có chút tiền tiết kiệm rồi. Mới đầu khi mở cửa hàng, số nợ em ôm lớn lắm, lớn đến mức em phát run (cười), nhưng giờ thì mọi chuyện tốt đẹp rồi. Em cũng không hối hận vì đã bỏ việc. Có lẽ cũng là ở cái duyên nợ với nghề. Em thấy em hợp nghề thợ cắt tóc hơn là thợ nước”, Trung vui vẻ nói.
Xuất phát từ lý do lương không đủ tiêu, Trần Quang Trung đã từ bỏ nghề theo đuổi 3 năm để bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với cậu.
"Nhà xa công ty"...Nghỉ!
Cũng như Trung, Nguyễn Phương Mai cũng bỏ việc đi kinh doanh. Song, lý do mà Mai đưa ra là “nhà xa”.
Phương Mai là nhân viên của một công ty truyền thông, năm nay cô nàng 31 tuổi, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội. Mai có thâm niêm làm việc được 3 năm, nhưng từ khi công ty chuyển địa điểm, khoảng cách từ nhà tới văn phòng quá xa khiến bà mẹ 2 con này không thể đi làm đúng giờ.
“Từ nhà mình tới công ty cách 28km, mình mất tới hơn một tiếng đồng hồ mới có thể đến nơi vì đường khá tắc. Trong khi đó buổi sáng mình phải sửa soạn, chuẩn bị cho 2 nhóc ăn rồi đi học. Điều này khiến mình không thể đến văn phòng đúng giờ được. Ngày nào mình cũng bị muộn giờ chấm công, có khi muộn chỉ vài phút, có khi muộn cả chục phút. Mình thường xuyên bị nhắc nhở và trừ lương, vì thế mà mình cảm thấy sa sút tinh thần, không thể làm việc được. Bên cạnh đó, việc xa xôi như vậy khiến buổi chiều mình về khá muộn, kết quả là các con phải chịu cảnh 20 giờ mới ăn tối rồi học bài và khuya mới đi ngủ. Sáng ra lại điệp khúc dậy muộn. Vì thế mà mình dứt khoát bỏ việc”, Mai chia sẻ.
Phương Mai kể, cô nàng rất yêu nghề, nhưng yêu đến mấy thì cũng bị cuộc sống và hoàn cảnh thực tế đánh bại. Bà mẹ hai con bỏ nghề, chuyển sang buôn bán mỹ phẩm xách tay và các mặt hàng rau sạch. Sẵn có mối quan hệ văn phòng từ những ngày đi làm, Mai chào hàng trên trang cá nhân và ship hàng tận nơi. Khách hàng của cô nàng chính là đồng nghiệp, bạn bè, bạn bè của bạn bè…
“Hiện tại thì có nhiều khách hàng biết đến mình hơn, doanh thu ổn định, có hôm vượt mức bán được kha khá. Ngoài ra thì thời gian mình dành cho con cái cũng nhiều hơn, lại có thể chăm sóc được bản thân. Tuy không hối hận vì đã bỏ nghề nhưng nhiều khi nhìn thấy các đồng nghiệp cũ váy áo thời trang sáng sáng đi làm, vẫn cảm thấy tủi thân”, Phương Mai tâm sự.
"Ớn tận cổ phải ngồi một chỗ"
Bất đồng quan điểm với sếp nên đùng đùng bỏ việc và thu dọn “hành lý” ra đi, là trường hợp của Lê Minh Ngọc (29 tuổi, hiện đang sống tại Tuần Châu, Quảng Ninh). Cách đây 5 năm, Minh Ngọc là nhân viên của một công ty thực phẩm. Vốn là một người trẻ tuổi xông xáo nên cô nàng không thể chịu được cảnh làm việc bảo thủ, “chậm mà chắc”, bỏ lỡ hết cơ hội của ông sếp trên 50 tuổi của mình.
“Sếp cũ của Ngọc luôn nói “Tôi có kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc ở đây rồi…” nghe rất phản cảm. Đâu phải có kinh nghiệm hơn thì tư duy và phương cách làm việc tốt hơn. Ngọc chán ghét sự bảo thủ, cái gì tân tiến thì phải tiếp thu và lắng nghe chứ. Thế mà sếp luôn chê bai Ngọc “Ngựa non háu đá, bồng bột, nông nổi”. Vì thế mà trong một lần cãi nhau với sếp, Ngọc đã nói thẳng rằng “Cháu không thể làm việc tiếp tục được với chú nữa. Tạm biệt chú!”. Sau đó Ngọc vơ lấy túi và về thẳng. Hơn một tuần sau Ngọc mới tới phòng hành chính làm thủ tục xin nghỉ”, Minh Ngọc kích động nói.
Bỏ việc một cách dứt khoát như vậy, Minh Ngọc chẳng hối tiếc. Cô nàng gửi đi thêm hơn 20 bộ hồ sơ xin việc khác. Nhưng lòng vòng mãi vẫn không tìm kiếm được việc hợp với chuyên môn và bản thân thích. Vì thế mà Minh Ngọc chẳng hy vọng làm nhân viên “cổ cồn trắng” nữa. Cô nàng quyết định về quê hương Quảng Ninh mở cửa hàng kinh doanh. Hiện Minh Ngọc hùn vốn cùng một ông anh họ mở nhà hàng ở đất du lịch Tuần Châu, hàng ngày quản lý nhà hàng, trông nom sổ sách và nhân viên. Công việc có lúc bận rộn (vì vào mùa du lịch), có khi chơi ròng cả tháng trời. Khi bận rộn, Minh Ngọc túi bụi hận không thể “phân thân” mà làm. Khi rảnh rỗi, cô nàng xách ba lô đi du lịch bụi hoặc trang hoàng lại nhà hàng.
“Ngọc nghĩ mỗi người có một nghề riêng, đa phần các cô gái đều có suy nghĩ muốn làm việc gì đó để ổn định cuộc sống, ít người dám mạo hiểm đánh cược với những việc khác. Riêng Ngọc, Ngọc có cá tính, Ngọc muốn khẳng định mình. Vì thế mà Ngọc chấp nhận đem toàn bộ vốn liếng tích cóp và vay nợ thêm để kinh doanh. Nếu việc không thành, Ngọc sẽ buồn bực đau khổ và có khi hối hận nhưng Ngọc sẽ lại kiểm điểm lại sai lầm của mình và tiếp tục đứng lên. Nhưng nếu việc thành, thì đó chính là con đường tốt nhất của Ngọc”, Ngọc tự tin chia sẻ.
Ngoài lý do bất đồng với sếp, Ngọc cho biết, một nguyên nhân khác nữa khiến Ngọc củng cố sự quyết tâm bỏ việc đi buôn vì chán ngấy phải ngồi một chỗ làm một công việc giống nhau năm này qua năm khác. Mình làm ở bộ phận kinh doanh, nhưng công việc của mình quanh đi quẩn lại là vào kho đem sổ sách cùng kỳ năm ngoái ra, gõ lại rồi thay đổi số liệu cho phù hợp với xu hướng năm nay. Sau đó in ra và đi xin chữ ký.
Mỗi khi nảy sinh ý tưởng để đẩy mạnh tiêu thụ, cô nàng phải viết hết báo cáo này đến kế hoạch nọ, đến khi sự nhiệt tình bị bào mòn rồi thì lại nhận được câu trả lời “không phù hợp với chỉ tiêu”. Kết quả, kế hoạch bị “xếp xó”. Nhiều lần như vậy, khiến Ngọc không còn ham muốn thể hiện mình nữa. Công việc nhàm chán lại bất đồng quan điểm với “người chỉ huy trực tiếp” nên Ngọc không còn một chút luyến tiếc nào khi từ bỏ công việc bản thân đã làm gần 2 năm trời để về quê kinh doanh.
Trên đây chỉ là 3 trường hợp với 3 lý do rất đỗi phổ biến của những dân công sở từ bỏ việc đi buôn, chuyển hướng kinh doanh. Còn có rất nhiều người cũng đã, đang và có ý định nghỉ việc để làm công việc mình thích khác, nhưng chắc chắn, những quyết định này rất cần sự dũng cảm và sau khi suy nghĩ cân nhắc kỹ càng.