Muốn nghỉ việc vì sếp quá... dễ tính, nàng công sở sốc hơn khi phát hiện ra nội tình
"Sếp thực ra rất dữ và khó tính. Nhưng bị phốt quá lớn nên mới bớt lại và dễ dãi hơn với nhân viên".
Đằng sau một quyết định thôi việc của chị em công sở vốn dĩ tồn tại rất nhiều yếu tố, có thể kể đến như: lương, thưởng không thực sự hấp dẫn; công việc không có tính thử thách; cơ hội học tập và thăng tiến không nhiều; văn hóa công ty độc hại; mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc thậm chí là sếp.
Những lý do kể trên đa phần tạo ra sự chán ngán và cảm giác tiêu cực cho khổ chủ, từ đó khiến họ một lòng muốn rời đi. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tồn tại một số lý do vô cùng tréo ngoe mà nghe qua, người ta khó có thể mường tượng được vì sao “khổ chủ” lại quyết định rời đi vì một nguyên nhân “trời ơi” như vậy. Một trong những lý do đó chính là “sếp quá dễ tính”.
Thật vậy, vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo thành viên là dân công sở, một cô gái đã có dịp chia sẻ câu chuyện nghỉ việc vì sở hữu một người sếp quá dễ tính. Không ít thắc mắc được đặt ra và cô quyết định giải thích lý do vì sao bản thân mình đi đến quyết định này. Cụ thể, cô chia sẻ:
“Sếp em dễ tính quá mọi người ạ, dễ đến mức kiểu như ai ngồi lên đầu cũng được, nhiều khi em phát bực vì kiểu dễ tính này, cứ khiến mọi người trong team ì ạch chậm chạp thế nào ý, không có năng lượng vì không có áp lực từ người quản lý.
Thực ra thì chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Sếp thực ra rất dữ và khó tính. Nhưng bị phốt quá lớn nên mới bớt lại và dễ dãi hơn với nhân viên. Vì lúc đó mới vào làm nên còn chưa biết nội tình.
Giờ em đã hóng được lý do, nên thực sự thấy thông cảm và tội nghiệp sếp. Chuyện là trước đây trưởng phòng cãi nhau với sếp và buông lời tục tĩu nên bị sếp đuổi ngay lập tức, ông này nghỉ, kéo theo nguyên team trụ cột công ty nghỉ theo cỡ 7-8 người. Sếp phải tuyển người mới liên tục và đào tạo lại từ đầu nên mọi thứ thật sự khó khăn lúc này.
Em thấy có vài anh chị nói em đi làm thoải mái vậy mà còn khó chịu. Không hiểu anh chị đi làm hay đi chơi mà nói vậy ạ. Em chưa thấy ai đi làm mà nhởn nhơ lại cho ra hiệu quả công việc hết. Đi muộn làm gì để bị trừ tiền rồi phải ở lại trễ để làm bù hay mang về nhà làm tiếp? Có thể mọi người thấy em nhiều chuyện nhưng em quan niệm đã đi làm là phải nghiêm túc. Như vậy mới tạo ra hiệu quả được.
Còn chuyện em muốn nghỉ chỗ này là tại vì em thấy ở đây ít cơ hội cho em phát triển (và một phần do sếp dễ tính nữa). Em có ngoại ngữ tốt nhưng lại không có cơ hội sử dụng. Công việc thì lúc nào cũng nhiều phải ngồi văn phòng làm liên tục nên không thể mở rộng quan hệ hơn được. Em sẽ cố gắng tích lũy kiến thức và ra đi thôi. Cảm ơn mọi người đã quan tâm ạ”.
Ngay sau khi vừa được đăng tải cách đây không lâu, câu chuyện của cô gái đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Rất nhiều ý đóng góp đã được để lại bên dưới phần bình luận:
“Bạn còn trẻ, nếu không có ràng buộc về kinh tế thì cứ bay nhảy, trải nghiệm. Mình cũng đang làm cho sếp rất ư là tốt, bao dễ dãi nên mình đang trở nên chây lỳ. Nếu không vì tài chính thì mình cũng nhảy nên nếu cảm thấy cần thì làm thôi”.
“Cứ cân nhắc kỹ đi bạn ơi, một môi trường thiếu kỷ luật và không năng động thì rất khó có thể “sản xuất” ra cho xã hội một nhân viên tốt được lắm. Do vậy, hãy cứ mạnh dạn bước đi, làm những điều mình thích”.
Đồng ý với bạn luôn, nếu cứ tiếp tục sống trong môi trường đó, sự thụt lùi là thứ có thể dễ dàng nhìn thấy ngay trước mắt”.
Nguyên nhân nghỉ việc của nàng công sở trong câu chuyện kể trên vốn không bắt nguồn từ việc sếp quá dễ tính mà sâu xa đằng sau đó là sự mục ruỗng cũng như bất cập trong văn hóa công ty, nơi những kiểu người “bình bình”, “thích nhàn rỗi” có cơ hội sống và tồn tại. Việc để bản thân bị “đồng hóa” bởi nếp sống này là vô cùng nguy hiểm, bởi lẽ, nếu có sang một môi trường mới, chúng ta sẽ khó có thể bắt kịp nhịp độ công việc nhanh, hối hả. Vì lẽ đó, nếu cảm thấy môi trường cũ không còn là nơi cho mình phát triển, đừng bao giờ ngần ngại nghĩ về việc ra đi.