Muôn kiểu đồ ăn vặt tràn lan, bác sĩ cảnh báo: Có thể gây nghiện, bố mẹ không nghiêm khắc là gián tiếp hại con!

AMT,
Chia sẻ

Bác sĩ - Chuyên gia dinh dưỡng Phan Thái Tân khẳng định đồ ăn vặt không lành mạnh hoàn toàn có thể gây nghiện, và với con trẻ, điều này vô cùng tai hại.

Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường đồ ăn vặt ở Việt Nam phát triển như vũ bão. Gọi đây là một "cuộc đua" có lẽ cũng không hề sai.

Sản phẩm thì đa dạng vô kể, từ tăm cay tuổi thơ đến lưỡi vịt, chân gà đóng gói,... hay thậm chí cả thịt hổ?! Người tiêu dùng được một phen thỏa thích vẫy vùng trong hàng ngàn lựa chọn "chống buồn miệng", từ hàng Việt Nam cho tới hàng nhập khẩu - được quảng cáo là "hàng nội địa" của nước bạn.

Tuy nhiên gần đây, không ít người lại phát hiện ra các dấu hiệu đáng ngờ về những món ăn vặt đóng gói kiểu này: Khi thì thấy có "vật thể lạ", khi thì là hương vị/màu sắc thịt có vẻ "không được bình thường",...

Không ít những dấu hiệu bất thường trong các sản phẩm đồ ăn vặt đóng gói dạo gần đây

Tất cả những điều đó làm dấy lên nghi vấn: Liệu những sản phẩm ăn vặt đóng gói đang tràn lan trên thị trường có an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ? Vì rõ ràng, con trẻ là một trong số các đối tượng khách hàng tiềm năng của thị trường đồ ăn vặt.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ - Chuyên gia dinh dưỡng Phan Thái Tân về vấn đề này.

Muôn kiểu đồ ăn vặt tràn lan, bác sĩ cảnh báo: Có thể gây nghiện, bố mẹ không nghiêm khắc là gián tiếp hại con! - Ảnh 2.

Đồ ăn vặt gây nghiện với cơ chế tương tự như các chất ma túy!

Là một người có kiến thức về y khoa và dinh dưỡng, bác sĩ Phan Thái Tân thẳng thắn bày tỏ rằng anh khó có thể dành lời khen, hay những nhận định tích cực về các sản phẩm đồ ăn vặt đóng gói.

Hiển nhiên, anh cũng không khuyến khích mọi người - cả người lớn và trẻ con, tiêu thụ những sản phẩm như vậy, vì đồ ăn vặt đóng gói càng ngon, càng "bùng nổ vị giác" thì càng dễ có hại cho sức khỏe.

"Đồ ăn vặt đóng gói thường có rất nhiều đường tinh luyện, dầu tinh luyện, muốicác chất phụ gia (chất bảo quản, chất tạo mùi, hương liệu,...).

4 chất này có thể làm chết hệ vi sinh đường ruột.

Bạn có thể hiểu đơn giản rằng để đường ruột khỏe, tỷ lệ lợi khuẩn phải là 80-90%, tỷ lệ hại khuẩn chỉ chiếm 10-20%.

4 chất thường có rất nhiều trong các sản phẩm đồ ăn vặt đóng gói như tôi liệt kê phía trên sẽ gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn, nhưng hại khuẩn thì sống dai hơn và sinh sôi nhanh hơn lợi khuẩn, dẫn tới tình trạng mất cân bằng hệ thống lợi khuẩn đường ruột.

Biểu hiện "nhanh" và cũng là biểu hiện thường thấy là đầy hơi, khó tiêu, nôn, ngộ độc thực phẩm. Còn về lâu về dài, liên tục nạp các chất hóa học có thể gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết, kéo theo rất nhiều vấn đề sức khỏe: Thừa cân, béo phì, mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tuyến giáp,..." - Bác sĩ Phan Thái Tân lý giải.

Muôn kiểu đồ ăn vặt tràn lan, bác sĩ cảnh báo: Có thể gây nghiện, bố mẹ không nghiêm khắc là gián tiếp hại con! - Ảnh 3.

Là người trưởng thành, nếu cảm thấy bản thân "hơi tăng cân", chúng ta có thể chủ động nhận thức và điều chỉnh lại chế độ ăn, cũng như thói quen ăn uống. Trước mắt là để không béo phì, lâu dài là để bản thân khỏe mạnh, vì ai cũng biết "phòng bệnh hơn chữa bệnh" và ăn uống khoa học là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Nhưng với con trẻ thì khác. Chúng chưa có đủ nhận thức để tự điều chỉnh hành vi, thói quen ăn uống.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phan Thái Tân cho biết: Việc trẻ nghiện đồ ăn vặt hay đồ ăn nhanh là hoàn toàn có thật và ngày càng phổ biến. Nghiện ở đây là nghiện theo đúng nghĩa đen, tức là nếu không được ăn, bé có thể mất kiểm soát hành vi.

"Về mặt biểu hiện hay các triệu chứng cai, nghiện ăn vặt/nghiện đồ ăn nhanh không có biểu hiện nặng như nghiện ma túy. Nhưng xét về cơ chế gây nghiện thì hoàn toàn như nhau, không có sự khác biệt.

Chúng tác động và kích thích hệ thống sản sinh Dopamine của não bộ, khiến não bộ tăng tiết những hormone hạnh phúc này với "tốc độ đột ngột" và ồ ạt.

Đó chính là cảm giác "cực khoái thực phẩm" (Bliss Point). Khi đã quen với cảm giác này rồi, tần suất thèm ăn và số lượng đồ ăn sẽ càng tăng dần lên" - Bác sĩ Phác Thái Tân lý giải về cơ chế gây nghiện của đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh và các thực phẩm không lành mạnh nói chung.

Muôn kiểu đồ ăn vặt tràn lan, bác sĩ cảnh báo: Có thể gây nghiện, bố mẹ không nghiêm khắc là gián tiếp hại con! - Ảnh 4.

Cha mẹ cần làm gương cho con trong câu chuyện ăn uống!

Con trẻ là "tấm gương phản chiếu" chính cha mẹ chúng, không chỉ trong khía cạnh hành vi ứng xử, tính cách hay tư duy, mà còn cả trong vấn đề ăn uống. Chuyện này cũng không có gì khó hiểu, một đứa trẻ sẽ ăn những gì bày sẵn trên bàn, được "đặt vào tay".

Đứa trẻ nào cũng háo hức khám phá thế giới, và đồ ăn nói riêng hay ẩm thực nói chung, cũng không phải ngoại lệ.

Vì lẽ đó, để rèn cho con trẻ một thói quen ăn uống lành mạnh, không có cách nào khác ngoài việc chính bố mẹ phải là người ăn uống khoa học và lành mạnh, hay nói rộng ra là có nhận thức về tác động của thực phẩm tới sức khỏe của bản thân và sự phát triển toàn diện của con trẻ.

"Định nghĩa "đồ ăn ngon" của mỗi người là khác nhau. Với những bé đã quen ăn thực phẩm tự nhiên, lành mạnh từ bé, các bé có thể thử các món ăn vặt nhiều gia vị, nhiều chất hóa học do bạn bè rủ rê, nhưng khả năng là cũng sẽ không thích, không nghiền mấy, vì hương vị quá khác biệt so với định nghĩa ngon trong tiềm thức mà cha mẹ đã "xây" cho bé từ thuở nhỏ" - Bác sĩ Phan Thái Tân chia sẻ.

Muôn kiểu đồ ăn vặt tràn lan, bác sĩ cảnh báo: Có thể gây nghiện, bố mẹ không nghiêm khắc là gián tiếp hại con! - Ảnh 5.

Với những bậc phụ huynh đã "bỏ lỡ" giai đoạn vàng trong việc định hình và xây dựng thói quen ăn uống cho con, hoặc hiện tại cảm thấy con đang ăn uống chưa khoa học, nhưng lại không biết làm sao để con chịu nghe và ăn theo hướng điều chỉnh của mình, bác sĩ Phan Thái Tân có một lời khuyên: Hãy điều chỉnh từ từ.

"Nếu con đang nghiện đồ ăn vặt hoặc đồ ăn nhanh, mà bố mẹ lại cấm triệt để, thì như vậy rất phản tác dụng, có thể vô tình đẩy con vào trạng thái căng thẳng, đến mức có những hành vi không đúng mực sau lưng bố mẹ.

Giải pháp chỉ có thể là kiên nhẫn, điều chỉnh chế độ và thói quen ăn uống của con một cách từ từ. Ví dụ như con đang ăn gà rán hàng ngày, bố mẹ có thể giảm tần suất thành cách ngày, rồi chỉ vào dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể tự làm những món mà con thích với cách chế biến healthy hơn, chẳng hạn như thay vì ăn gà rán mua ngoài tiệm, thì mẹ tự làm và chiên bằng nồi chiên không dầu, hoặc chiên ít dầu và không tái sử dụng dầu đã chiên, đồng thời kết hợp ăn nhiều rau tươi, sử dụng sốt mayonaise/tương ớt/tương cà theo công thức healthy. Đó cũng là một cách".

Chân thành cảm ơn bác sĩ Phan Thái Tân vì những chia sẻ chuyên sâu, bổ ích!

Chia sẻ