Mùng tám tháng ba, chiếc "chiếu quý tử" và trĩu lòng câu nói "cố đẻ lấy đứa con trai"
Ngược với những năm trước muốn chấm dứt một ngày 8/3 tôn vinh phụ nữ đầy hình thức, năm nay tôi có một ao ước tột bậc, là trên đất Việt Nam này, ngày nào cũng là 8/3 tuốt.
Vì hình như với không ít người Việt Nam, chỉ trong ngày này
thì người phụ nữ mới được nhớ đến và trân trọng?
Tôi bật ra ao ước kể trên khi nhìn thấy tấm ảnh chiếc chiếu
cói rách tan hoang được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Bên cạnh, người
chủ gia đình thành kính thắp hương vái nó.
Với sự phù hộ của chiếc chiếu rách, anh tin tưởng sẽ đẻ được
con trai. Chỉ cần là con trai, lập tức thành "quý tử".
Còn ai không cướp được chiếc chiếu quý giá ấy, tức không có
lòng thành với "các ngài", sẽ không được phù hộ.
'Họ đành phải đẻ con gái" - một bài báo về hội Đúc Bụt, tổ
chức mùng tám tháng giêng hàng năm ở tỉnh Vĩnh Phúc, viết.
Vậy là nhiều gia đình nhờ họ hàng, bạn bè thật đông cướp bằng
được chiếc chiếu thần thánh.
Chắc ăn hơn nữa thì thuê bên ngoài. Có gia đình thuê đến 60,
70 trai tráng đi cướp hộ.
Thậm chí cướp được một chiếc chiếu rồi, vẫn sợ thần thánh
chê chưa đủ lòng thành, họ đuổi theo những nhà khác cướp tiếp.
Tương truyền ai cướp được manh chiếu cói trong lễ hội 'Đúc Bụt' sẽ sinh con trai nên cả "rừng người" giẫm đạp tranh giành nhau chiếc chiếu để thực hienj mong ước có con trai nối dõi (Ảnh internet).
Chẳng lẽ tâm lý trọng nam khinh nữ đã mã hóa trong gen của không ít người Việt?
Bạn hãy đọc một số tít báo:
-Không sinh được con trai, vợ bị chồng dùng xích chó siết cổ
đánh (chị Nguyễn Thị S, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, 2014)
-Tìm lại người tình cũ chỉ vì khát khao có... con trai
-Chồng kiếm “vợ hai” để có con trai
-Không có con trai, chồng có con riêng với đồng nghiệp
-Áp lực "Cố đẻ lấy đứa con trai cho đỡ tủi"
-Nỗi niềm sinh con gái
-Khát con trai
-Cuối cùng vợ cũng sinh được con trai nhưng sao không vui
-Ly hôn vì không có con trai
Vợ chồng lục đục vì sinh con gái (Ảnh internet).
-Chồng bảo không thiết sống nếu không có con trai
-Không đẻ được con trai, anh sẽ ly hôn với em
-Sinh con trai cho anh đi rồi cưới
-Không sinh được con trai, tôi thấy mình có lỗi
-Vợ thua cả gái làng chơi hết thời cũng bởi không có con
trai
-“Giáo sư, tiến sĩ để làm gì nếu chẳng có con trai".
-Không đẻ nữa, anh sẽ kiếm con trai bên ngoài
-Chồng bảo không thiết sống nếu không có con trai
vân vân...
Các thể loại bí kíp ăn uống, ngày giờ, tư thế... để chắc chắn
sinh con trai thì vô thiên lủng.
Thậm chí có bài viết khoe nhờ hành trì tu niệm tụng kinh
(hai tiếng một ngày) nên cháu bé là con gái cho đến tháng thứ bảy của thai kỳ.
Màu nhiệm thay đến khi sinh ra vào một tháng sau, cháu đã được "gia
trì" thành con trai.
Gia đình nào cướp được chiếu sẽ ra miếu làm lễ tạ và mở tiệc ăn mừng (Ảnh internet).
Thậm chí có những bài viết như thế này:
-Cách nhận biết đàn ông không đẻ được con trai, nên tránh
xa!
Và dĩ nhiên là cả thế này:
-"Điểm danh" những kiểu phụ nữ dễ dàng sinh toàn
con trai
Oái oăm là bài viết sau lại đăng trên trang web có tên
yeutretho, mới hài hước.
Thậm chí:
-Bị chế nhạo vì không có con trai, ông bố tự cắt dương vật
May quá, ông bố này không phải dân Việt. Ông ấy ở Phúc Kiến,
Trung Quốc.
Nhưng lại cũng chưa may, vì ông bố Việt Nam có lẽ biết cách
trút giận hơn ông bố Phúc Kiến kể trên. Thay vì hành hạ bản thân, ông trút lên
vợ và những đứa con gái.
Đặt chiếc chiếu bị xé rách tả tơi trước ban thờ tổ tiên để càu con trai (Ảnh: Internet).
Mới cuối tháng 6 năm ngoái, trên bản tin VOV giao thông chia
sẻ câu chuyện của một phụ nữ ở Hải Dương. Vì ý chồng muốn có con trai, chị đã
phá thai tổng cộng ... 18 lần.
18 lần có thai, mang nó trong bụng đến bốn tháng (thời điểm
có thể siêu âm đoán giới tính). Biết thai con gái lập tức phá bỏ.
Tưởng như câu chuyện rùng rợn nói trên chỉ có ở thời mông muội.
Nhưng không, nó xảy ra mới cách đây có 9 tháng. Và ở ngay tỉnh Hải Dương, cách
thủ đô Hà Nội chưa đầy 60 cây số.
Rùng rợn hơn nữa là khi câu chuyện được chia sẻ thì dư luận mới biết sâu hơn nữa. "Câu chuyện này không phải là cá biệt. Chúng tôi đã gặp những phụ nữ còn không nhớ nổi đã phá thai bao nhiêu lần"- Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết.
Đầu tiên hãy nói về thủ phạm dễ nhìn thấy nhất. Tại sao các
ông phải có con trai cho bằng được?
"Anh bảo, anh là con trưởng trong gia đình, nếu không
có con trai, đứa cháu đích tôn cho ông bà, anh cảm thấy tội lỗi, bất hiếu với bố
mẹ. Anh bảo không có con trai thì anh cảm thấy cuộc sống này vô
nghĩa"- trong một bài báo, người vợ kể.
Cả những phụ nữ làm mẹ chồng cũng gằn hắt con dâu nếu không
muốn sinh tiếp để có con trai. Mẹ của nhân vật trong bài "Giáo sư tiến sĩ
làm gì nếu không có con trai" là một ví dụ.
Nhưng quan trọng nhất, đáng thương nhất đồng thời cũng đáng
giận nhất vì vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, chính là những người vợ. Vì sợ chồng
bỏ, sợ cả tiếng bất hiếu... các chị sẵn lòng biến mình thành cái máy đẻ.
Rồi thật nghịch lý quá, ngay khi ấy các chị thắc mắc tại sao
thành máy đẻ rồi chồng lại không coi mình là người nữa!
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hiệp Quốc, Việt Nam là nước
có tỉ lệ phá thai cao nhất châu Á và là một trong 5 nước có tỉ lệ phá thai nhiều
nhất trên thế giới.
Các chuyên gia về dân số cũng nhận định, nếu không có biện
pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, sẽ có 2,3 đến 4,3 triệu nam giới
Việt Nam không tìm được vợ là người Việt.
Còn với các ông bố bà mẹ đang lo nằm xuống không có con thắp
hương, tôi nghĩ không có câu trả lời nào hay hơn câu trả lời của một ông bố khá
trẻ. Anh là Nguyễn Khánh Trình, đang sống ở Hà Nội, là CEO của CleverAds, một
công ty chuyên về quảng cáo.
Anh Trình viết trên facebook mình như sau:
"Năm nay là năm 2016, thế kỷ 21. Tôi biết rằng trong số
quý vị có nhiều người có năng lực siêu nhiên và muốn mình được hạnh phúc khi đã
nằm xuống vì con trai của quý vị sẽ thắp nhang khói gì đó cho quý vị hàng ngày.
Còn tôi, là một người trần mắt thịt, ăn cơm để sống hàng
ngày, tôi không có năng lực siêu nhiên đó. Vì thế, tôi chỉ mong tôi hạnh phúc
khi tôi vẫn đang trộm vía mạnh khoẻ và tồn tại trên cõi đời này."
Thế còn các ông bố bà mẹ khác? Bạn muốn hạnh phúc ngay trên cõi đời này hay chỉ có ước vọng "nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân"?