Mua sắm online tăng mạnh thời dịch bệnh
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã tự bảo vệ mình bằng cách chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến, thanh toán online nên các chợ online trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Tại nhiều chợ, siêu thị, quán ăn, các cửa hàng kinh doanh... ngày càng vắng vẻ, bởi người tiêu dùng (NTD) lo sợ lây nhiễm dịch bệnh ở những chỗ đông người.
Chị Ngân, kinh doanh quán ăn ở đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, quán ăn của chị có lợi thế ở gần Khu chế xuất Tân Thuận nên khách hàng chủ yếu công nhân.
Tuy nhiên, kể từ sau tết lượng công nhân ngày càng ít đi và khoảng từ đầu tháng 3 đến nay gần như không có khách. Trong khi đó, chi phí khá lớn như: tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 18 triệu đồng, trả lương một đầu bếp 10 triệu đồng/tháng và 5 nhân viên phục vụ mỗi người 5 triệu đồng/người, chưa kể tiền điện nước và các chi phí phát sinh.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV vào ngày 13/3, chỉ có một số quầy tại mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn mở bán, còn vào sâu bên trong trung tâm thương mại chỉ có lác đác vài sạp bán quần áo, mắt kính, túi xách... Còn hầu hết các sạp đều đóng cửa, treo bảng “nghỉ tránh dịch hết tháng 3”, hoặc “cho thuê quầy”.“Hiện nay, chỉ có người thân, bạn bè ủng hộ quán là chủ yếu. Cũng chưa biết khi nào hết dịch bệnh, nên tôi cũng ráng cầm cự đến hết tháng tư, nếu tình hình không khả quan thì trả mặt bằng”, chị Ngân chia sẻ. Tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1), được xem là trung tâm mua sắm vào dạng đông đúc bậc nhất tại TP Hồ Chí Minh.
Chị Mẫn, kinh doanh quần áo thời trang ngán ngẩm: “Trước đây, mỗi ngày tôi bán 20-30 cái, nhưng nay ngồi cả ngày cũng chỉ có 3-4 người đến hỏi mua”.
Không chỉ Trung tâm thương mại Saigòn Square mà hầu hết tại các trung tâm mua sắm, ẩm thực, trước đây rất sầm uất khách đi tham quan, mua sắm, ăn uống như: Chợ Bến Thành, Trung tâm mua sắm Taka, chợ ẩm thực dưới lòng đất Sense Marrket (kết hợp mua sắm, vui chơi, giải trí)... thì hiện nay luôn trong tình trạng vắng vẻ.
Hàng loạt cửa hàng có vị trí đắc địa ở quận 1, quận 3..., chủ kinh doanh không thể chống chọi nổi với những chi phí đắt đỏ trong khi không bán được hàng cũng đã đồng loạt đóng cửa, trả mặt bằng.
Có thể thấy, thị phần bán hàng trực tiếp (bán tại cửa hàng, các điểm mua sắm) đang dần bị thu hẹp bởi NTD ngại đi mua sắm chỗ đông người thì kênh bán hàng trực tuyến (online) đang ngày càng chiếm lĩnh thị phần.
Chị Mỹ, bán đồ khô ở chợ Phước Long (quận 7) cho biết: “Tháng trước, chợ vẫn còn nhộn nhịp nhưng từ khi có nhiều ca bệnh dương tính được công bố thì người đi chợ giảm một cách đột ngột. Nửa tháng nay, khách đến mua trực tiếp tại quầy giảm mạnh, thay vào đó khách quen gọi điện thoại đặt hàng để giao tận nhà cũng nhiều, nên có ảnh hưởng nhưng cũng không đáng kể”.
Không bán được hàng, rất nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống, doanh nghiệp (DN), các chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống... đã xoay sang bán online trên trang Facebook cá nhân, Zalo, hoặc trên trang web của DN. Đây là thời điểm, “chợ” online trên mạng đã trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Trước thực tế dịch chuyển trong hành vi mua sắm của NTD đang tăng cao, các trang thương mại điện tử (TMĐT) cho biết, lượng giao dịch từ các đơn hàng đối với các mặt hàng thiết yếu tăng đột biến. Theo đại diện sàn TMĐT Lazada, nhu cầu mua sắm của khách hàng đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng đáng kể, đặc biệt là khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay.
Chỉ riêng trong vòng 4 tuần qua, công ty này ghi nhận nhu cầu mua sắm với ngành hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%...
Còn tại hệ thống siêu thị, đại diện Saigon Co.op cho biết, hiện kênh mua sắm qua điện thoại, qua website TMĐT của Saigon Co.op lên đến hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Đơn hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Các mặt hàng giao dịch chủ yếu: gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa …
Ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, tỷ trọng mua sắm online giai đoạn này gia tăng so với mua sắm trực tiếp. Nhưng trên tổng thể sức mua chung của nền kinh tế đang suy giảm, nên chủ yếu chỉ tăng nhu cầu mua sắm ở một số lĩnh vực như thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong khi đó, ở nhiều nhóm hàng khác thì online cũng sụt giảm như bán trực tiếp khi NTD có xu hướng thắt chặt chi tiêu thời dịch bệnh.
Sự bùng nổ TMĐT trong thời gian qua, dẫn đến mức tăng trưởng duy trì ở mức hơn 30% mỗi năm. Sự bùng nổ này cũng kéo theo tình trạng gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, cũng tăng theo.
Trước thực trạng đó, để phát triển TMĐT bền vững, theo Bộ Công Thương, trong năm 2020, sẽ nhiều biện pháp công nghệ, kỹ thuật mạnh mẽ hơn được áp dụng, để nhằm minh bạch hóa thị trường số. Đây cũng là cơ hội để DN nhìn nhận lại mình và phải thay đổi, chuyển hướng từ kinh doanh trực tiếp sang hình thức online để tiết kiệm chi phí.