Người ta thường nói “giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng”, trước khi lập gia đình, nghe câu nói đó, Hằng chỉ thấy buồn cười vì nghĩ rằng làm gì có những chuyện đáng giật mình như thiên hạ nói. Cứ suy từ bản thân Hằng mà ra, cũng chị dâu, em chồng nhưng lúc nào cũng quấn quýt, xuề xòa như đôi bạn thân chứ làm gì có chuyện so đo, xoi mói, trù dập, đấu đá nhau… như trong tiểu thuyết như vậy.
Nhưng đến khi lấy chồng rồi, Hằng mới thấu hiểu hoàn cảnh oái oăm mà các “chị già” trên cơ quan hôm nào cũng mang ra mổ xẻ, bàn tán trong giờ ăn trưa. Giờ thì Hằng mệt mỏi, chán nản không chỉ với một mà khốn khổ bởi nhà chồng có tới 2 bà chị chồng khó tính, ích kỷ còn hơn cả những gì cô từng được nghe. Nếu thực lòng bố mẹ chồng không thương yêu thì có lẽ Hằng đã phải khăn gói xách va li rời khỏi nhà chồng từ rất lâu rồi.
Gia đình nhà chồng chỉ có độc nhất Trí (chồng Hằng) là con trai và là con út trong nhà. Trên Trí là 2 chị gái, một chị 40 tuổi kiên quyết không lấy chồng với châm ngôn nực cười “Ở vậy nuôi thân béo mầm”. Biết “gái già” ở vậy sinh khó tính, dễ sinh sự nếu “cậu ấm” của ông bà lấy vợ nên bố mẹ chồng Hằng cắt đất, dựng nhà cho chị cả ở riêng nhưng nhà xây xong, chị hồn nhiên đăng tin, dựng bảng “cho thuê nhà” to đùng và treo ngay ngoài cổng.
Ngày mới về làm dâu, bỏ qua mọi lời xì xào của họ hàng và khu phố về những bà chị chồng khó tính, Hằng cứ ngĩ nhà đông người, chị em, dâu con vui vẻ sum vầy càng thêm đầm ấm nên không có ý kiến gì nhưng dần dần, tính nết của chị khiến Hằng phát ngốt, dở khóc giở mếu. Tính chị chồng độc đoán thích sắp đặt mọi việc từ đầu chí cuối, ai không răm rắp làm theo thì mọi ngôn từ “hoa mỹ” từ cái miệng xinh xinh của chị cứ thế ào ào tuôn xối xả. Hằng đã không ít lần lãnh hậu quả nghe chửi không kịp vuốt mặt, càng khóc cô càng nghe chị mắng chửi thậm tệ hơn.
Còn chị chồng thứ 2, sau khi lấy chồng, sinh con, bố mẹ chồng Hằng chưa kịp đánh tiếng thì chị đã lon ton ẵm đứa con mới được 4 ngày tuổi về nhà bố mẹ đẻ. Bố mẹ chồng Hằng vốn điềm đạm và hiểu lễ nghĩa, phép tắc vội trách cô con gái thứ: “Chưa xin phép nhà người ta, mày đã mang con về nhà ngoại là không phải phép, ở lại một ngày rồi hai mẹ con về đi”, thế nhưng đáp lại thái độ từ tốn của bố mẹ, chị chồng thứ xuề xòa gạt tay: “Ôi giời, hơi đâu mà bố mẹ nghĩ nhiều thế. Miễn sao sướng thân con bố mẹ là được mà. Con về bên đấy, không có ai trông con thì con chết dở à”. Và như thế hai bà chị chồng thay nhau lấn lướt cô em dâu là Hằng, lúc thì chị này sai nấu cơm, giặt giũ khi thì chị kia sai bồng con, cho cháu ăn… Hễ thấy Hằng ngơi tay là hai bà chị chồng kiếm bằng được việc cho cô em dâu làm bằng hết hơi.
Vốn là giáo viên nên thời gian của Hằng rảnh rỗi, chị chồng thứ dúi ngay việc chăm con cho Hằng. Trông Hằng không khác gì một bảo mẫu được thuê không công đảm bảo miếng ăn, giấc ngủ cho đứa cháu. Chăm con cho chị chồng, nhiều khi khách đến nhà nhìn thấy đều nhầm tưởng Hằng là mẹ đẻ của cháu. Đứa thứ nhất còn chưa đầy hai tuổi, bà chị đã bế thêm đứa thứ hai đến ấn vào tay Hằng như thói quen “việc của mày là phải làm thế. Đó là nhiệm vụ của hai vợ chồng nhà mày”.
Nhẫn nhịn, chịu đựng là thế, hết lòng phục tùng cung phụng là vậy nhưng chưa bao giờ Hằng nhận được một tiếng cảm ơn từ hai bà chị chồng mà thay vào đó, chỉ cần không vừa lòng là hai chị thi nhau chì chiết, xỉa xói vợ chồng Hằng. Đau lòng hơn là các chị chồng còn mang chuyện hiếm muộn của vợ chồng Hằng ra bình phẩm, đay nghiến. Bị xúc phạm nhiều lần, chồng Hằng toan nói lại nhưng nghĩ đến bố mẹ chồng, Hằng lại níu tay, van nài chồng không nên nóng giận dẫn đến nhà cửa ầm ỏm, không hay.
Lắm hôm nhìn Hằng khổ sở nịnh nọt cho đứa cháu ăn còn hai chị gái mình thì rảnh rỗi ngồi xem tivi, chăm chút móng chân, móng tay hoặc buôn chuyện trên trời với nhau, anh chỉ biết thở dài ngao ngán rồi chạy lại giúp vợ múa phụ họa để dỗ cho cháu ăn. Phận làm dâu lại không muốn có điều tiếng khiến bố mẹ chồng khổ sở nên ấm ức đành để dành đến tối, lúc chỉ có hai vợ chồng, Hằng mới dám gục đầu vào vai chồng mà khóc để rồi sáng hôm sau lại coi như không có chuyện gì xảy ra.